Nói chuyện bằng email
Không phải những người nói nhiều, cũng chẳng phải những người kiệm lời tới mức khó tâm sự, mà từ sau ngày cưới vợ chồng anh Thanh đã lựa chọn và thích “văn hóa” nói chuyện với nhau bằng email. Thường thì ngoài việc sử dụng rất ít tin nhắn, các cuộc nói chuyện qua điện thoại, anh Thanh luôn trao đổi mọi công việc gia đình, con cái, họ hàng với vợ qua email. Công việc của anh Thanh và vợ tuy không ngồi máy tính thường xuyên, nhưng họ lại quen với việc mở email đọc thư bất kể thời gian.
“Từ việc đi chợ, mua đồ gì cho bữa tối, việc học hành của con, những chia sẻ trong công việc... vợ chồng tôi đều viết chi tiết trong email, vừa tiện lợi mà đầy đủ nội dung. Không riêng nhà mình, bạn bè mình nhiều đôi phổ biến cách giao tiếp này”, anh Thanh chia sẻ. Vẫn chừng ấy câu nói, nhưng lý do để nhiều vợ chồng lựa chọn cách nói qua email là vì họ cho rằng thoải mái, dễ dàng, dễ nhớ và hiệu quả hơn.
"Võ mồm"
Nghe vợ chồng chị Loan xưng hô “mày - tao”, ai nghe không quen cứ nghĩ anh chị đang giận dỗi, cãi vã nhau chuyện gì. Ngoài cách xưng hô không chút tình cảm ấy thì những lúc chồng chị Loan cần chị làm việc gì hoặc ngược lại , họ đều phải nói thật to. “Cứ lớn tiếng với nhau thế thôi, chứ thực ra chả ai có lỗi lầm gì cả, sống với nhau vợ chồng tôi đều hiểu là cả hai không có khiếu diễn đạt suy nghĩ bằng lời nói ngọt ngào nên cứ thể hiện bằng hành động là được”, chị Loan tâm sự.
Hàng xóm quá quen việc vợ chồng anh Kiên hàng sáng mắng nhau đến cả 10 phút mới thôi. Việc lớn việc nhỏ gì cũng có thể lôi ra để nói cho “sướng mồm”, nhưng ai cũng hiểu là vợ chồng anh chị vẫn sống với nhau hạnh phúc. Anh Kiên vẫn quan tâm, chăm sóc vợ chu đáo, chỉ là anh luôn thể hiện “võ mồm”. Nếu chứng kiến lần đầu thì nhiều người sẽ ngỡ anh vũ phu lắm. Thế nhưng từ lâu, vợ anh Kiên đã quen với cách thể hiện tình cảm như thế. Thỉnh thoảng có người lo lắng “hỏi thăm”, vợ anh Kiên lại cười: “Chồng tôi hay thể hiện trước mặt mọi người là quát nạt được vợ. Nhất là những lúc có bạn bè đến nhà chơi, nhờ tôi làm gì anh ấy cũng phải quát thật to mới chịu được. Ai không hiểu thì nghĩ chồng tôi bạc mồm, bạc miệng, vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Thế nhưng, tôi biết tính, vợ chồng ngầm hiểu nhau, nên để kệ anh ấy thôi. Vì thực ra chỉ là cách nói chứ vợ chồng tôi chẳng có chuyện gì. Anh ấy nói khô khan nhưng lúc nào cũng quan tâm vợ. Chồng tôi nói ngọt ngào có khi lại còn thấy ngượng mồm, tôi nghe cũng không quen, lại nghĩ có gì bất thường ấy chứ!”.
Dù cách thức giao tiếp giữa vợ chồng như thế nào thì điều quan trọng vẫn là vợ chồng “cảm” được nhau. Đó là hiểu được tâm tính, nguyện vọng của người bạn đời để cư xử phù hợp. Có thể nhiều lúc giao tiếp vợ chồng khiến người ngoài khó hiểu, hiểu lầm nhưng tình cảm thực sự bên trong của hai người dành cho nhau, sự quan tâm bằng hành động mới thực sự cần trân trọng nhiều hơn những lời nói bề ngoài.
Quyên Quyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.