Vòi bạch tuộc trên núi rừng Tam Đảo

Thứ tư, ngày 05/01/2011 18:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ba đỉnh núi trong tiểu khu 866 có đến 70 cái miệng hầm mở toang hoác, luồn lách như những vòi bạch tuộc. Từ những đường hầm này, lượng quặng bị đánh cắp mỗi ngày lên tới cả trăm triệu đồng...
Bình luận 0

Đục thủng núi rừng

Tôi thập thò định chui vào một cửa hầm, bỗng những tiếng nổ bùng bục vọng ra. Một luồng khí hất ngược tôi ra cửa hầm, kèm theo mùi thuốc súng khét lẹt bốc lên. Sau tiếng nổ, từ đường hầm lù lù xuất hiện một chiếc xe gỗ tự chế chui ra. Trên xe là một quặng tặc từ đầu đến chân toàn bùn đất. Hỏi mới biết anh ta tên Ninh.

img
Quặng tặc trong những hầm lò sâu hun hút trong lòng núi

Ninh phấn khởi khoe: “Hôm nay đúng mạch, toàn viên to”. Cầm cục quặng to bằng nửa viên gạch, Ninh nói: “Chỉ một viên này thôi cũng được 200.000 đồng, nếu một ngày làm vài chục viên thì ấm rồi”. Tôi ngỏ ý muốn xuống tham quan cái lò mà Ninh mới chui ra, anh bảo: “Đợi chút cho hết mùi thuốc nổ hãy xuống, nếu không quen dễ bị ngất lắm vì trong đó bí hơi”.

Tôi khom người trườn theo Ninh vào bên trong của đường hầm, và phát hiện ra một sự thật hãi hùng: Cả một đoạn đường hầm dài 120m, có 4 giếng xuống, không hề có một chiếc cột chống, lỗ thông gió hay bất cứ thiết bị bảo hộ nào. Ninh đi trước soi chiếc đèn pin lại trấn an tôi: “Chú yên tâm, lịch sử những đường hầm này cũng tồn tại được 10 năm rồi, chưa khi nào bị sập cả. Chúng ta đang đi dưới gốc của những cây cổ thụ nên vững lắm”.

Mồm nói, tay anh lia chiếc đèn pin vào những rễ cây đã bị chặt cụt. Đã nhiều lần đi dưới những đường lò dài hàng chục km của vùng than Quảng Ninh, tôi hiểu rằng sự liều lĩnh của những người đào lò này đã tới mức cực điểm, thực sự coi thường tính mạng của chính họ. Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, Ninh kể: “Để có được đường hầm như thế này bọn anh đã đào suốt 4 năm, và sẽ đào đến bao giờ hết quặng mới thôi”.

Cũng theo anh Ninh, đường hầm này mà so với đường hầm gốc cây Vả đổ vẫn thuộc loại con cháu: “Cánh làm quặng ở đây gọi đường hầm đó là thành phố “Bát Đa”, vì nó có đến 15 ngách lớn nhỏ khác nhau, nếu tính diện tích thì có thể bằng 5 sào ruộng. Thời kỳ cao điểm, trong lòng đường hầm này lúc nào cũng có khoảng 130 người đào quặng 24/24 giờ. Có những ngày cho ra lò 1 tấn quặng. Bây giờ phải những bưởng lớn mới được làm trong đó, vì nó nhiều quặng mà lại dễ đào. Chứ bọn tôi chỉ là chầu rìa, làm được cái đường lò còi, ngày chục cân quặng đủ tiền gạo và tiền nộp thuế tháng”.

Rút ruột lòng đất

Theo nhiều người dân, cứ tình hình này thì cơ quan quản lý chẳng cấm nổi. “Trước kia có 1 đồi còn không ai quản lý nữa là bây giờ 3 đồi, nếu quản lý được thì các ông ấy đã làm rồi, chẳng để đến 10 năm như thế này”- Bằng nói.

Ninh nói cái lò của mình là lò còi, nhưng theo chân quặng tặc này vào bên trong mới thấy đây đúng là một công trường trong lòng đất. Sau khi chui 4 lần giếng, tôi đã tới được nơi các quặng tặc đang miệt mài đào bới. Khác hẳn với sự nhỏ hẹp ở cửa hang, lúc vào bên trong tôi thấy phần trần hang được khoét rộng bằng mấy ngôi nhà. Bằng - một thợ quặng đang dùng chiếc búa chim bổ vào thành đất để móc ra những cục quặng to như củ khoai lang cho biết: “Làm ở trong này đất ướt nên cuốc cũng dễ, nhưng gặp đá to thì mệt.

Khác với làm sa khoáng, quặng ở đây toàn là cục, bao giờ cũng thuôn, có những lỗ nhỏ xung quanh và cầm nặng hơn đá bình thường. Nhấc một cục quặng to bằng cái bát con, Ninh tự tin khoe: Chỉ cần thế này là bọn anh có thể đi chơi thoải mái rồi, ít nhất cũng phải 2kg. Giá hiện tại là 140 nghìn đồng/kg. Quặng thiếc khai thác tới đâu, các đầu nậu ra tận cửa rừng để đón hàng.

Nhóm của Ninh - Bằng có 8 người, thường chia làm 2 đợt vào lò, cứ 4 vào thì 4 người khác ở ngoài làm công việc đập quặng ngay tại cửa hang. Ngồi cầm búa đập những viên quặng ra để tiếp tục đãi lấy thiếc, Bằng nói: “Dân làm lò bọn tôi phải làm lán ăn ở luôn trên rừng, vài ngày mới về nhà một lần. Công việc thì làm đến lúc nào mệt mới nghỉ, ngủ dậy lại làm tiếp. Bây giờ còn có đèn pin mà vào lò chứ trước kia toàn sử dụng đất đèn để thắp, nhiều người đang làm bị ngạt hơi chết luôn ở trong lò”.

Theo Bằng, đầu tư được một đường lò như thế này cũng rất tốn kém, mất 2 tháng khai lò mới thấy quặng, lại phải lo lót chỗ nọ, chỗ kia để người ta làm ngơ đi cho mà làm. “Hôm nào có đoàn lên kiểm tra mình rút về nhà với vợ, lúc họ đi rồi mình lại tiếp tục làm” - Bằng nói.

Không hiểu dựa vào đâu mà những kẻ đào lò ăn cắp quặng có thể làm được những điều đó, để cho các vòi bạch tuộc trong lòng núi ngày càng lan rộng ra và không có dấu hiệu dừng lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem