Trong cuộc họp triển khai chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010 tại TP.HCM mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu cho biết, ngân hàng có dư nợ cho vay nông nghiệp từ 40 - 59% trên tổng dư nợ sẽ được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc còn 1,5% (hiện tại là 3%), ngân hàng nào dư nợ cho vay nông nghiệp từ 60% trở lên dự trữ bắt buộc chỉ còn 1%.
Riêng ngân hàng No&PTNT (Agribank) tới đây nếu có dư nợ cho vay nông nghiệp trên 70% trong tổng dư nợ, tỷ lệ dự trữ bắt buộc chỉ còn 0,1% thay vì 1% như hiện nay. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu hứa sẽ dành một lượng vốn nhất định trong cung ứng tiền hàng năm, để tạo lập nguồn vốn trung dài hạn cho các ngân hàng phục vụ cho vay nông nghiệp, nông thôn.
|
Nhiều ngân hàng chưa mặn mà với việc cho vay ở khu vực nông thôn. (Ảnh minh họa). |
Ngân hàng cổ phần... lắc đầu
Thực tế không phải lúc này ngân hàng mới thiếu nguồn vốn trung dài hạn. Hầu hết các chi nhánh Agribank luôn trong trạng thái khát vốn dài hạn, hiện nguồn vốn huy động tại chỗ các chi nhánh chỉ đáp ứng khoảng 50% cho vay.
Trong khi đó nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng, máy móc, thiết bị… luôn ở mức cao, làm cho những ngân hàng lớn thường xuyên phải vay vốn tạm ứng của ngân hàng mẹ mới có vốn triển khai tín dụng. Cho vay nông nghiệp với các khoản vay nhỏ, chi phí lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận làm nhiều ngân hàng chê tín dụng nông nghiệp. Hơn nữa, bảo hiểm rủi ro trong nông nghiệp đến nay chưa ai dám làm, một số ngân hàng cho rằng nếu nhà nước bảo hiểm cho những rủi ro lớn, họ sẽ đẩy mạnh cho vay nông nghiệp.
Trong hơn 3 năm qua, nhiều ngân hàng đã bỏ khu vực nông thôn cho tín dụng chợ đen. Chẳng hạn như ngân hàng Đại Tín, mới chuyển mô hình hoạt động thành ngân hàng đô thị hơn 3 năm, nhưng tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn hiện chỉ còn khoảng 12% trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng này. Sacombank gần đây cũng nhào về nông thôn, nhưng tỷ lệ này cũng chỉ chiếm khoảng 12%, những ngân hàng khác cũng nằm trong tình trạng đó.
Đối với ngân hàng lớn như Vietinbank cũng không đạt nổi tỷ lệ 40% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn. Hiếm có những ngân hàng xác định mục tiêu thị phần ở nông thôn như Kien Long Bank, nhưng tỷ trọng cho vay nông nghiệp của ngân hàng này cũng mới chỉ đạt 40% trên tổng dư nợ.
Việc chuyển vốn về nông thôn đang bị cản trở bởi khâu thanh toán, do quy định mở mới chi nhánh ngân hàng phải đạt được các yêu cầu về tỷ trọng cho vay nông nghiệp và lợi nhuận tương ứng với vốn điều lệ. Lãnh đạo một số ngân hàng cổ phần cho rằng, nên có nhiều mức ưu đãi đối với ngân hàng cho vay nông nghiệp nông thôn. Chẳng hạn như việc ngân hàng cho vay mua vật tư nông nghiệp, xây dựng kho chứa lúa, đầu tư hạ tầng nông thôn… cũng phải được tính để hỗ trợ chi phí vốn cho ngân hàng, chứ không nhất thiết phải đặt đồng vốn vào tay người sản xuất mới là cho vay nông nghiệp…
Cầm sổ đỏ nhưng không phát mại tài sản
Nghị định 41 có hiệu lực từ 1-6-2010, theo đó nhà nông được vay vốn không cần thế chấp tài sản trong hạn mức tín dụng, đối với hộ sản xuất được vay tín chấp tối đa đến 50 triệu đồng (gấp 5 lần quy định cũ), đối với kinh tế hợp tác xãcó thể được vay tín chấp tối đa 300 triệu đồng. Với kinh tế trang trại, ngân hàng có thể xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, Nghị định 41 mới chỉ nói triển khai cho vay mà chưa đề cập nếu nợ xấu xảy ra trong các khoản vay. Nông dân vay vốn nằm trong hạn mức tín chấp sẽ không phải đăng ký giao dịch đảm bảo, công chứng giấy tờ như vay thông thường. Thế nhưng, ngân hàng vẫn giữ sổ đỏ của người dân vay vốn tín chấp.
Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu - ông Nguyễn Thành Bế cho rằng, nếu hạn mức cho vay tín chấp đối với hộ sản xuất tối đa 50 triệu đồng, mà ngân hàng giữ sổ đỏ của nông dân, rất có thể người dân sẽ không vay và dùng chính giấy tờ đó thế chấp vay tín dụng thông thường, số tiền vay có thể được nhiều hơn.
Về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, việc ngân hàng cầm sổ đỏ khi nông dân vay vốn là để hạn chế tình trạng một sổ đỏ thế chấp vay vốn nhiều nơi khác nhau và ngân hàng không phát mãi tài sản của nông dân khi khoản vay chậm trả nợ.
Hải Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.