Có vốn nuôi trâu, nuôi dê, người nghèo ở Ba Bể nhanh khá lên

Đức Thịnh Thứ ba, ngày 26/04/2022 10:25 AM (GMT+7)
Từ nguồn vốn vay ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể có điều kiện phát triển trồng trọt, chăn nuôi, qua đó giúp các hộ gia đình tăng nguồn thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Bình luận 0

Hàng nghìn hộ thoát nghèo

Bà Hoàng Thị Minh (thôn Nà Thẩu, xã Đồng Phúc) là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng CSXH. Bà Minh phấn khởi cho biết: Với số vốn được vay 70 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể, bà đã đầu tư vào chăn nuôi trâu, thả cá và trồng rừng. Sau nhiều năm đến nay, gia đình bà đã có 6 con trâu, hơn 2.000m2 ao cá, hơn 1ha rừng, mỗi năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Đến nay mô hình kinh tế của gia đình bà đã trở thành điển hình trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương.

Bà Minh chia sẻ: "Trước khi được vay vốn của Ngân hàng CSXH là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình tôi, muốn làm ăn cái gì cũng khó do thiếu vốn đầu tư. Sau khi được vay vốn từ Ngân hàng CSXH huyện, gia đình tôi có điều kiện để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, gia đình có thu nhập ổn định, xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định hơn trước".

Người nghèo ở Ba Bể khá lên từ vốn ưu đãi - Ảnh 1.

Mô hình nuôi trâu của bà Hoàng Thị Minh ở thôn Nà Thẩu, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể. Ảnh: H.T

Hết quý I/2022, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể trên 323 tỷ đồng. 3 tháng đầu năm nay trên địa bàn huyện có tổng số 563 lượt hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn.

Tương tự, gia đình ông Dương Văn So (ở thôn Bản Lài, xã Chu Hương, huyện Ba Bể) hiện đang nuôi đàn dê gần 20 con, đây là thành quả lao động sản xuất sau hơn 1 năm được vay vốn nguồn Ngân hàng CSXH.

Ông So chia sẻ, với số vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, gia đình ông tập trung nuôi dê. Ban đầu, ông mua 6 con về nuôi, đến nay dê cái đã sinh sản được 19 con. Nuôi dê cũng có phần vất vả nhưng tính đến lợi nhuận thì hơn chăn nuôi các con vật khác.

Những năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Ba Bể được tiếp cận với nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, phát triển thương mại, dịch vụ. Nhìn chung các hộ đều sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, nhờ đó đời sống kinh tế của người dân được nâng lên rõ rệt.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Ông Quản Thanh Tùng- Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể cho biết: Hết quý I/2022, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể là trên 323 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 1,8%. Tổng dư nợ ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội là 313 tỷ 773 triệu đồng, chiếm 97,1% tổng dư nợ. 3 tháng đầu năm nay trên địa bàn huyện có tổng số 563 lượt hộ nghèo, hộ chính sách được vay vốn.

Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được triển khai có hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời, niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại 14 xã, thị trấn.

Song song đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TKVV), kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhờ đó chất lượng tín dụng và hoạt động của tổ TKVV ngày càng được nâng lên. Hết quý I/2022 toàn huyện có 154 Tổ TKVV xếp loại tốt, chiếm 67,1%; 56 tổ xếp loại khá, chiếm 24,24%.

Theo ông Tùng, để nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thực sự trở thành người bạn đồng hành giúp người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể đã chỉ đạo cán bộ tín dụng luôn bám sát cơ sở, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các đoàn thể để thẩm định, giải ngân cho vay đúng đối tượng.

"Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, từ thôn ven đường đến xóm bản trong vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, giải quyết việc làm…, giúp cho hàng nghìn hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững"- ông Quản Thanh Tùng thông tin. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem