TP.HCM: Oan sai 38 năm, vì sao vẫn chưa bồi thường, chưa xin lỗi nạn nhân?
TP.HCM: Chịu oan sai 38 năm, người dân chưa được bồi thường
Hoàng Hưng
Thứ sáu, ngày 17/02/2023 15:29 PM (GMT+7)
Giữa tháng 2/2023, Tòa án nhân dân quận 6, TP.HCM đã chính thức tiếp nhận đơn khởi kiện đòi xin lỗi và bồi thường oan sai của ông Trịnh Dân Cường. Sau 38 năm bị bắt giam oan ức, cuộc đời người đàn ông này không còn gì, trong khi việc bồi thường oan sai vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Nguyên nhân vì đâu?
Từ vụ án oan bắt giam 3 người, vì… "nghi ngờ" trộm vàng
Ông Trịnh Dân Cường (sinh năm 1956, thường trú 196/93B Hậu Giang, phường 6, quận 6, TP.HCM) kể lại, thời điểm năm 1985 ông sinh sống bên nhà mẹ vợ là bà Đồng Thị Ba, tại 290B Bãi Sậy, phường 6, quận 6, TP.HCM.
Bi kịch cuộc đời ông Cường và 2 người thân khác trong gia đình xảy ra vào đêm 27/2/1985, bà Nguyễn Thị Kim Cúc (sinh sống trong căn nhà 288 B Bãi Sậy, sát nhà bà Đồng Thị Ba) hô hoán bị "mất trộm 5 lượng vàng"(?!).
Sau đó, lực lượng Công an quận 6 đã xuống hiện trường bắt giam 3 người nhà bà Ba là Hồ Văn Được, Trần Đức Ẩn và Đồng Văn Út. Sáng ngày 28/2/1985, ông Trần Văn Răng – Đội phó Đội điều tra hình sự Công an quận 6 cho rằng là "hiện trường giả", nên trả tự do cho Được, Ẩn và Út.
Theo hồ sơ, sau đó, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự - Công an quận 6 là Nguyễn Hữu Đô – đã xuống hiện trường, thấy mái tôn giáp với nhà 290B có lỗ hổng, người có thể chui qua được… Ông Đô về báo cáo với Võ Tấn Sĩ – Phó Công an quận 6. Ông Sĩ ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với Hồ Văn Được (con trai bà Ba), Trịnh Dân Cường và Trần Đức Ẩn (đều là con rể bà Ba).
Mặc dù chưa khởi tố vụ án, các đối tượng mới bị tạm giữ, nhưng họ vẫn bị chuyển về trại tạm giam PC.25. Tuy nhiên, vụ việc sau đó được làm sáng tỏ qua kết luận của Viện kiểm sát nhân dân quận 6. TAND cũng đã kết luận Nguyễn Hữu Đô, Võ Tấn Sĩ và Nguyễn Kiên Trung đã "bắt, giam, giữ người trái pháp luật"; Nguyễn Tấn Đồng "thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Theo bản án của HĐXX phúc thẩm TAND TPHCM: ngày 8/4/1985, hai cán bộ Công an TP.HCM tiến hành hỏi cung Hồ Văn Được, có Nguyễn Hữu Đô tham gia. Vì bị bức cung, Được buộc nhận tội. Nhưng, ngay tối hôm đó Được thắt cổ tự sát ngay trong buồng giam.
Sau khi Được chết, để hợp thức hóa hồ sơ nhằm che giấu việc bắt, giam, giữ người trái pháp luật, Nguyễn Hữu Đô chỉ đạo cho các cán bộ trong Đội cảnh sát hình sự Q.6 viết các quyết định và lệnh tạm giam từ ngày 9/3/1985 và quyết định khởi tố bị can, khởi tố vụ án đối với Hồ Văn Được, Trần Đức Ẩn và Trịnh Dân Cường - bản án nêu.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân quận 6 làm sáng tỏ, ông Trịnh Dân Cường và Trần Đức Ẩn được trả tự do. Ông Ẩn bị bắt ngày 1/3/1985 đến ngày 19/9/1985 được tha. Song, sau khi được tha không bao lâu, ông Ẩn đã chết tại gia đình ngày 27/7/1986.
Riêng ông Cường, bị bắt ngày 2/3/1985, chuyển lên trại giam Tống Lê Chân (tỉnh Sông Bé cũ) ngày 28/11/1985. Tới ngày 3/2/1986 thì ông Cường được trả tự do.
Vụ bắt giữ, giam người trái pháp luật xảy ra tại Công an quận 6 đã được Công an TP.HCM khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với: Nguyễn Hữu Đô (Tùng) – đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an quận 6; Võ Tấn Sĩ – phó Công an quận 6, Nguyễn Kiên Trung – trưởng phòng PC.14 – Công an TP.HCM và Nguyễn Tấn Đồng – nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận 6.
Qua 2 phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tội danh của Đô, Sĩ, Trung và Đồng đã được Hội đồng xét xử làm rõ. Hội đồng xét xử đã kết luận Nguyễn Hữu Đô, Võ Tấn Sĩ và Nguyễn Kiên Trung đã "bắt, giam, giữ người trái pháp luật"; Nguyễn Tấn Đồng "thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Việc bắt, giam, giữ 3 người dân là "do nghi ngờ chứ không có chứng cứ xác thực và không tuân thủ các thủ tục tố tụng hình sự theo luật định, đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây ra cái chết của anh Hồ Văn Được tại buồng giam Chí Hòa vào đêm 8/4/1985 và gây nhiều hậu quả khác".
Hội đồng xét xử còn cho biết: "Sau khi anh Hồ Văn Được chết, việc bắt giam giữ quá thời hạn đã lâu, vẫn không tìm ra được chứng cứ buộc tội nào đối với các anh Cường, Ẩn và Được, các bị cáo đã bàn bạc nhất trí với nhau bằng cách hợp thức hóa các thủ tục như: Lệnh phê chuẩn của VKSND quận 6, quyết định khởi tố đều ghi lùi lại, trước ngày anh Được chết 1 tháng, nhằm che dấu các hành vi sai trái trên".
Ông Trịnh Dân Cường nói về việc đòi bồi thường oan sai.
Chưa hết, Viện kiểm sát nhân dân quận 6 quyết định trả tự do cho Trần Đức Ẩn từ ngày 23/8/1985, nhưng mãi đến ngày 19/9/1985 Công an quận 6 mới thả. Anh Ẩn đã chết vì bệnh sau đó không đầy 1 năm.
Theo đơn tố cáo của bà Đồng Thị Ba thì con (Được) và rể của bà (Cường, Ẩn) có bị nhục hình. Riêng ông Trịnh Dân Cường bị đưa đi tập trung cải tạo tại trại Tống Lê Chân, nhưng không có quyết định của UBND TP.HCM và UBND quận 6.
Hội đồng xét xử kết luận: "Hành vi của các bị cáo đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do thân thể và tự do dân chủ của công dân được pháp luật quy định. Hậu quả đã làm cho tang tóc và tan nát 1 gia đình, gây hoang mang lo sợ trong quần chúng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các ngành trong bộ máy chuyên chính của nhà nước và trật tự trị an xã hội. Do vậy, vụ án mang tính chất rất nghiêm trọng, cần được xử lý nghiêm minh".
Mặc dù kết luận vụ án "rất nghiêm trọng", "cần được xử lý nghiêm minh"; thế nhưng, Hội đồng xét xử tuyên Nguyễn Hữu Đô 5 năm tù giam; còn lại Võ Tấn Sĩ, Nguyễn Kiên Trung và Nguyễn Tấn Đồng chỉ bị "cảnh cáo", không bị án tù.
Oan sai, vì sao 38 năm chưa bồi thường cho nạn nhân ?
Tiếp xúc với PV Dân Việt vào buổi trưa ngày 14/2/2023, ông Trịnh Dân Cường xót xa nói: "Tôi đã bị họ bắt giam, giữ trái pháp luật 21 tháng 4 ngày. May mắn còn sống sót, sau những hành hạ thập tử nhất sinh trong buồng giam. Được trả tự do, nhưng tôi đã mất tất cả: Vợ con bỏ đi, không nhà cửa, không nghề nghiệp…".
Ông Cường cho biết, ngay sau khi được trả tự do, ông Cường đã yêu cầu bồi thường oan sai, yêu cầu xin lỗi để trả lại danh dự, nhân phẩm để đi xin việc làm. "Nhưng không cơ quan nào ngó ngàng gì việc bồi thường, xin lỗi, ngoài những phiếu chuyển đơn khiếu nại, thư trả lời đẩy đưa qua lại giữa các cơ quan chức năng" – ông Cường nói.
Ông Cường cho biết thêm: "Họ có cho tôi chiếc xích lô để kiếm sống hàng ngày. Nhưng sau những ngày bị bức cung, nhục hình trong trại giam, sức khỏe tôi suy giảm trầm trọng, tôi không thể đạp xích lô nổi huống hồ chở khách? Nên tôi bán xích lô để có tiền sống qua ngày. Trong những năm 90, không nơi nương tựa, không gia đình, hàng ngày tôi lân la ở các ngã tư, công viên để xin ăn. Sau này, tôi xin quy y tại một ngôi chùa để được ăn cơm từ thiện".
Dù gia đình tan nát, cuộc đời không còn gì, hàng ngày sống lay lắt từ sự bố thí của bá tánh, nhưng ông Cường vẫn không dừng đội đơn đòi công lý. Tại đơn gửi tới Tòa án nhân dân quận 6 khởi kiện Viện kiểm sát nhân dân quận 6, ông Trịnh Dân Cường đã yêu cầu đơn vị này xin lỗi công khai, phục hồi danh dự cho ông.
Đồng thời, ông Cường cũng yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân quận 6 bồi thường thiệt hại do mất thu nhập trong thời gian bị giam giữ trái pháp luật (190,2 triệu đồng); bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm dẫn đến không lao động được, ảnh hưởng đến cuộc sống (2,5 tỷ đồng) và bồi thường thiệt hại về tinh thần khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam trái pháp luật (280,2 triệu đồng). Tổng giá trị ông Cường đòi bồi thường là hơn 3 tỷ đồng.
Báo Dân Việt sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ việc này trên những số báo tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.