Vụ Bệnh viện Vũ Anh: Đã quyết định giám đốc thẩm, vẫn chưa đình chỉ thi hành án

Hoàng Hưng Thứ năm, ngày 18/05/2023 09:52 AM (GMT+7)
Bệnh viện đa khoa Vũ Anh đang bị Cục thi hành án dân sự TP.HCM tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, việc thi hành án này đang gây tranh cãi về mặt pháp lý, sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao có kháng nghị và Tòa án nhân dân tối cao có quyết định giám đốc thẩm trong vụ án này.
Bình luận 0

Quyết định giám đốc thẩm chưa ngăn được văn bản Cục THADS 

Báo Dân Việt đã đăng bài: "Bệnh viện do Hoa hậu Quý bà Trương Thị Tuyết Nga sáng lập, trước nguy cơ bị xóa sổ" (ngày 10/5/2023). Nội dung bài báo phản ánh xung quanh vụ án dân sự "Tranh chấp hợp đồng tín dụng và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng vốn góp giữa các thành viên công ty".

Ông Vũ Hải Anh - thành viên góp vốn trong Công ty TNHH Bệnh viện Vũ Anh (nay là Công Anh Minh, chủ quản Bệnh viện Vũ Anh) - có ký hợp đồng tín dụng vay Ngân hàng Oceanbank số tiền 230 tỷ đồng vào tháng 5/2012. Sau đó, Oceanbank đã giải ngân 83,8 tỷ đồng cho ông Vũ Hải Anh.

Vụ bệnh viện Vũ Anh trước nguy cơ bị xóa sổ:  Vì sao không đình chỉ thi hành án? - Ảnh 1.

Bệnh viện đa khoa Vũ Anh hiện trong tình cảnh ngưng hoạt động, sau vụ án dân sự "tranh chấp hợp đồng tín dụng". Ảnh: V.A

 

Quá trình vay, ông Vũ Hải Anh đã trả cho Oceanbank 14,9 triệu đồng và nợ vốn còn lại 83,7 tỷ đồng. Tính đến ngay 24/12/2019, ông Vũ Hải Anh chưa trả được nợ, nên bị phía ngân hàng cộng các khoản nợ gốc, lãi, tiền phạt… lên tới 238,2 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tổng số tiền trên, số tiền nợ lãi quá hạn đã trên 150,6 tỷ đồng.

Sau các lần mua bán số nợ trên giữa Oceanbank, Công ty TNHH Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát, ông Vũ Hải Anh bị chủ nợ khởi kiện ra tòa. Qua 2 phiên xử sơ thẩm (24/12/2019) và phúc thẩm (15/7/2020), 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm buộc ông Vũ Hải Anh phải thanh toán số tiền 238,2 tỷ đồng.

Sau khi bản án phúc thẩm số 36/2020/KDTM-PT ngày 15/7/2020 của Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP.HCM được ban hành. Ngày 14/6/2021, Cục thi hành án dân sự (THADS) TP.HCM đã ra quyết định số 260/QĐ-CTHADS, cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa quốc tế Vũ Anh (nay là Công ty Anh Minh).

Vụ bệnh viện Vũ Anh trước nguy cơ bị xóa sổ:  Vì sao không đình chỉ thi hành án? - Ảnh 3.

Hiện nay, Công ty Anh Minh (tức Công ty Vũ Anh trước đây) đã lập vi bằng toàn bộ thiết bị y tế gắn liền với tài sản trên đất của Bệnh viện đa khoa Vũ Anh. Các thiết bị y tế hiện chưa được thể hiện trong vụ án. Ảnh: V.A

Tài sản kê biên trên thực tế là toàn bộ diện tích đất (2.810,1m2) và tài sản gắn liền trên đất - là 2 tòa nhà của Bệnh viện Vũ Anh (do Hoa hậu Quý bà Trương Thị Tuyết Nga sáng lập), tại địa chỉ 15-16 Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Tuy nhiên, quá trình Cục THADS TP.HCM thi hành án, ngày 27/12/2021, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã ra Quyết định số 19/QĐ-VKS-KDTM kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm số 36, ngay 15/7/2020 của TAND cấp cao tại TP.HCM.

Theo đó, VKSND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ về TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng yêu cầu Cục THADS TP.HCM "tạm đình chỉ thi hành" bản án phúc thẩm.

Vụ bệnh viện Vũ Anh trước nguy cơ bị xóa sổ:  Vì sao không đình chỉ thi hành án? - Ảnh 4.

Tại một buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc y tế tại Bệnh viện đa khoa Vũ Anh. Ảnh: V.A

Ngày 29/4/2022, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã mở phiên tòa giám đốc thẩm và ra Quyết định giám đốc thẩm số 07/2022/KDTM-GĐT. Quyết định giám đốc thẩm số 07 đã "chấp nhận một phần" Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 19 của VKSND tối cao.

"Hủy một phần" bản án sơ thẩm ngày 24/12/2019 và bản án phúc thẩm ngày 15/7/2020 của vụ án trên. Quyết định giám đốc thẩm cũng chỉ đạo "giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật".

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 19 của VKSND tối cao và Quyết định giám đốc thẩm số 07 của TAND tối cao, đều được gửi đến Cục THADS TP.HCM và nhiều cơ quan liên quan khác để thực hiện.

Vụ bệnh viện Vũ Anh trước nguy cơ bị xóa sổ:  Vì sao không đình chỉ thi hành án? - Ảnh 5.

Cơ quan chức năng đang thống kê chi tiết giá trị tài sản tại Bệnh viện đa khoa Vũ Anh. Ảnh: V.A

Tuy nhiên, từ sau Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND tối cao và Quyết định giám đốc thẩm của TAND tối cao, Cục THADS TP.HCM vẫn liên tục ra hàng loạt quyết định, thông báo, công văn… về việc tiếp tục thi hành án, cưỡng chế thi hành án đối với ông Vũ Hải Anh (?!).

Ngày 3/3/2023, Cục THADS TP.HCM còn cho phép tổ chức đấu giá tài sản của Công ty Vũ Anh là Bệnh viện Vũ Anh, với giá khởi điểm 308,4 tỷ đồng. Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát (chủ nợ) đã trúng đấu giá Bệnh viện Vũ Anh với mức giá 440,7 tỷ đồng.

Sau đấu giá, Cục THADS TP.HCM đã ra nhiều thông báo về "kết quả đấu giá tài sản", "cưỡng chế thi hành án"… và nhiều quyết định như "giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá", "cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá"…

Đình chỉ thi hành án, tại sao không ?

Theo tìm hiểu của PV, Khoản 1, Điều 49 - Luật THADS năm 2008, quy định rất rõ: "Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thông báo về việc tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được quyết định tạm đình chỉ thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm…"

Bên cạnh đó, quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 50 - Luật THADS năm 2008 cũng quy định: "Thủ trưởng cơ quan THADS phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ". Thời hạn ra quyết định đình chỉ thi hành án là 5 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ thi hành án.

Vụ bệnh viện Vũ Anh trước nguy cơ bị xóa sổ:  Vì sao không đình chỉ thi hành án? - Ảnh 6.

Hình ảnh các y-bác sĩ Bệnh viện đa khoa Vũ Anh đang chữa trị cho bệnh nhân. Ảnh: V.A

Như vậy, đối với vụ án dân sự liên quan đến Bệnh viện Vũ Anh, từ ngày 27/12/2021, VKSND tối cao ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 19/QĐ-VKS-KDTM. Trong Quyết định kháng nghị này, VKSND tối cao đã yêu cầu "tạm đình chỉ thi hành" bản án phúc thẩm. Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đã được gửi cho Cục THADS TP.HCM.

Sau đó, ngày 29/4/2022, TAND tối cao ban hành Quyết định giám đốc thẩm số 07/2022/KDTM-GĐT, "hủy một phần" đối với 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, "giao hồ sơ vụ án cho TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật".

Theo căn cứ pháp luật, sau Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm (VKSND tối cao) và Quyết định giám đốc thẩm (TAND tối cao) nêu trên, cơ quan thi hành án cần tuân thủ quy định về thi hành án tại Luật THADS năm 2008. 

Tuy nhiên, sau khi ra Thông báo "Tạm đình chỉ thi hành án" số 3891/TB-CTHADS ngày 6/1/2022, Cục THADS TP.HCM ban hành Quyết định số 62/QĐ-CTHADS ngày 29/6/2022, về việc "tiếp tục thi hành án" (?).

Theo quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 50 - Luật THADS năm 2008, sau khi TAND tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 07, Thủ trưởng cơ quan Cục THADS TP.HCM phải ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với vụ án tại Công ty Vũ Anh.

Trong khi đó, trao đổi với PV ông Trần Văn Thọ - chấp hành viên Cục THADS TP.HCM, chủ trì việc thi hành án đối với Công ty Anh Minh (tức Công ty Vũ Anh trước đây) cho rằng: Việc cưỡng chế thi hành án là căn cứ trên Bản án số 36 (phúc thẩm, ngày 15/7/2020); căn cứ Bản án số 1928 (sơ thẩm, ngày 24/12/2019); căn cứ kết quả đấu giá tài sản và quyết định về việc cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá…

Nên Cục THADS TP. HCM sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Anh Minh. Buộc Công ty Anh Minh giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trến đất tại 15 - 16 Phan Văn Trị, phường 7, quận  Gò Vấp, TP. HCM cho Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam Thịnh Phát (người mua trúng đấu giá tài sản).

PV Dân Việt đề nghị ông Thọ cho biết quan điểm về việc thi hành án có trái với quy định của Luật THADS, khi không đình chỉ thi hành án, sau khi TAND tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm ? Tuy nhiên, ông Thọ đã từ chối phát ngôn về điều này.

Trong khi đó, tại nhiều thông báo, quyết định do chấp hành viên Trần Văn Thọ ban hành sau ngày TAND tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm ( 29/4/2022), không thấy văn bản nào đề cập tới Quyết định giám đốc thẩm đã được ban hành(?).

Việc không xem xét Quyết định kháng nghị, Quyết định giám đốc thẩm của VKSND và TAND tối cao, Cục THADS TP.HCM còn tổ chức bán đấu giá tài sản của Công ty Vũ Anh (tức Công ty Anh Minh hiện nay) là không đúng quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 50 - Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến vụ án dân sự này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem