Vụ cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô: “Hé lộ” danh sách 15 cơ sở liên kết với trường

Nguyễn Đức Thứ năm, ngày 26/11/2020 12:08 PM (GMT+7)
Quá trình điều tra vụ án xác định trường Đại học Đông Đô đã ký hợp đồng giao khoán tuyển sinh, hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo với 15 cá nhân, cơ sở đào tạo.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, trước đó, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô (TP. Hà Nội).

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố các bị can nguyên cán bộ trường Đại học Đông Đô gồm: Dương Văn Hòa (nguyên hiệu trưởng); Trần Kim Oanh (nguyên phó hiệu trưởng kiêm phó viện trưởng Viện đào tạo liên tục); Lê Ngọc Hà (Phó hiệu trưởng); Trần Ngọc Quang (nguyên phó trưởng Phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên) cùng 6 bị can khác về hành vi "Giả mạo trong công tác".

Tài liệu điều tra xác định các bị can đã cấp 626 bằng cử nhân ngôn ngữ Anh. Đối với 193 người được trường Đại học Đông Đô cấp bằng giả, có 60 người đã sử dụng bằng. Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...

15 cá nhân, cơ sở đào tạo ký hợp đồng với trường Đại học Đông Đô

Kết luận điều tra nêu rõ, trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD & ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2 theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ BGDĐT ngày 26/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quy định về đào tạo cấp bằng đại học thứ hai.

Tuy nhiên, từ năm 2015, trường được Bộ GD & ĐT thông báo chỉ tiêu tuyển sinh và cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD & ĐT, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Vụ cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô: “Hé lộ” danh sách 15 cơ sở liên kết với trường - Ảnh 1.

Trường Đại học Đông Đô. Ảnh D.T

Quá trình điều tra vụ án xác định trường Đại học Đông Đô đã ký hợp đồng giao khoán tuyển sinh, hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo với 15 cá nhân, cơ sở đào tạo gồm :

Phòng Tuyển sinh trường Đại học Đông Đô do Phạm Ngọc Tuấn làm Trưởng Phòng đại diện ký hợp đồng, địa chỉ đặt lớp tại tầng 5 Học viện Âm nhạc, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội.

Ông Vũ Bá Sinh, Phó Trưởng khoa Thú Y trường Đại học Đông Đô đại diện ký hợp đồng với trường, địa điểm đặt lớp tại địa chỉ 170 Phạm Văn Đồng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội (sau đó chuyển về địa chỉ khán đài B sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội.

Công ty cổ phần đầu tư quốc tế Mũi Tên Vàng do ông Hoàng Văn Sơn làm Giám đốc, cơ sở đào tạo tại số 1, số 9 Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội ký hợp đồng nhưng quản lý trực tiếp là Vũ Thị Xuân, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Hải Yến. 

Công ty cổ phần giáo dục và đào tạo FMT do Nguyễn Đức Tùng làm chủ tịch HĐQT đại diện ký hợp đồng, địa điểm đặt lớp tại Trường trung cấp Xiếc và tạp kỹ Việt Nam, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Viện kỹ thuật xây dựng và quản trị doanh nghiệp do ông Lê Anh Vân làm Chủ tịch hội đồng viện kiêm Viện trưởng, địa chỉ đặt lớp học tại Học viện Khoa học xã hội, 59 Sương Nguyệt Anh, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Trường Trung cấp Thái Nguyên, do ông Nguyễn Công Sáng, Phó hiệu trưởng làm đại diện ký hợp đồng, trụ sở tại số 36 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Viện khoa học phát triển nhân lực và tài năng do ông Nguyễn Văn Toàn làm Viện trưởng đại diện ký hợp đồng, địa chỉ đặt lớp học tại số 254 Trọng Tấn, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Hoài Vũ - Giám đốc Trung tâm Action English, địa chỉ 105 Điện Biên Phủ, Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Trường Cao đẳng công thương Việt Nam, địa chỉ ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội do ông Lê Đại Hùng là Chủ tịch HĐQT.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, ở phường 4, quận 4, TP. Hồ Chí Minh, địa điểm đặt lớp tại Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

Ông Trịnh Hữu Tuấn, Trưởng khoa Ngoại ngữ Trường Đại học Đông Đô đặt địa điểm lớp tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Thanh Xuân, Trung tâm giáo dục thường xuyên Cầu Giấy.

Ông Lê Đức Thọ đặt địa điểm lớp tại trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm giáo dục thường xuyên Tân Phú.

Trung tâm ngoại ngữ - tin học ECO, số 4 Kiệt 56 Đặng Huy Trứ, phường Trường An, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế ký hợp đồng nhưng chưa tuyển sinh, đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, địa chỉ ở phường Tiến An, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, ký hợp đồng nhưng chưa tuyển sinh, đào tạo.

Trung tâm ngoại ngữ - tin học Trí Đức, số 73 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do ông Phạm Thành Trí làm Giám đốc, ký hợp đồng nhưng chưa tuyển sinh, đào tạo.

12 cơ sở đã nộp cho trường Đại học Đông Đô hơn 24 tỷ đồng

Theo kết luận thanh tra, trong số 15 cơ sở, cá nhân đã ký hợp đồng với Trường Đại học Đông Đô có 12 cơ sở, cá nhân đã triển khai tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo bằng hình thức thuê địa điểm đặt lớp, giới thiệu giáo viên để ký hợp đồng Trường Đại học Đông Đô.

Vụ cấp bằng giả ở Đại học Đông Đô: “Hé lộ” danh sách 15 cơ sở liên kết với trường - Ảnh 3.

Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố đối với các bị can tại Trường Đại học Đông Đô. Ảnh: Bộ Công an.

Tổng số 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho Trường Đại học Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Trong đó, Trường Đại học Đông Đô xác định được 2.523 người đã nộp tổng số tiền là hơn 18 tỷ đồng. Còn trong số 12 cá nhân, cơ sở đã tuyển sinh, thu tiền của học viên mới chỉ có Trường Cao đẳng Công thương Việt Nam đã trả lại số tiền đã thu của 24 học viên là 431 triệu đồng.

Kết luận cũng nêu rõ, làm việc với đại diện các cá nhân, cơ sở đào tạo đã ký hợp đồng với Trường Đại học Đông Đô xác định các cá nhân, cơ sở đào tạo không biết trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo hệ văn bằng 2 mà chỉ căn cứ vào các văn bản thông báo tuyển sinh của trường Đại học Đông Đô ký để thực hiện việc tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo.

Ngoài các cá nhân có liên quan gồm: Vũ Bá Sinh, Nguyễn Hải Yến, Nguyễn Thị Nhung nêu trên, không có cơ sở xác định các cá nhân, cơ sở đào tạo khác có liên quan đến hoạt động cấp bằng cử nhân ngành ngôn ngữ Tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy không đúng quy định.

Quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra đã thông báo trên phương tiện thông tin, đại chúng đề nghị các cá nhân tham gia học hệ văn bằng 2 tại các cơ sở của trường Đại học Đông Đô trình báo, cung cấp tài liệu để làm cơ sở giải quyết.

Tuy nhiên chỉ có 119 cá nhân đã tham gia học có đơn trình báo, ngoài ra còn xác định 23 người đã học tại các cơ sở đào tạo của Trường Đại học Đông Đô từ năm 2017 đã được cấp bằng năm 2019 nhưng do Trường Đại học Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo hệ văn bằng 2 nên bằng không có giá trị sử dụng

Mặt khác cơ quan điều tra đã yêu cầu Trường Đại học Đông Đô và các cá nhân, cơ sở đào tạo cung cấp tài liệu, chứng từ liên quan đến việc tuyển sinh, hỗ trợ đào tạo nhưng tài liệu do trường Đại học Đông Đô và các cơ sở cung cấp không đầy đủ nên không có cơ sở xác định cụ thể việc thu tiền, tổ chức đào tạo của trường Đại học Đông Đô và các cơ sở đối với từng học viên,

"Việc ký hợp đồng và triển khai tuyển sinh, đào tạo của các cá nhân, cơ sở đào tạo nói trên không có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Cơ quan cảnh sát điều tra đã có văn bản yêu cầu trường Đại học Đông Đô và các cơ sở, cá nhân nói trên có trách nhiệm giải quyết đảm bảo quyền lợi cho các học viên đã nộp tiền để học hệ văn bằng 2 Tiếng Anh của trường Đại học Đông Đô", kết luận thanh tra nêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem