Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vụ trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội đề xuất xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân được tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ vẫn đang là chủ đề nóng của nhiều cuộc tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng, nhiều người đã hiểu sai ý của nhà trường, cũng có ý kiến cho là cần làm rõ những khó khăn mà nhà trường đang gặp phải để giúp trường tìm kiếm giải pháp.
Trao đổi với Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Đình Thi - Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết: "Chúng tôi chỉ đề xuất cho Nghệ sĩ Nhân dân có bằng Thạc sĩ đang giảng dạy ở tại trường được tính tương đương Tiến sĩ để đáp ứng tiêu chí: Cần 5 Tiến sĩ theo quy định khi mở mã ngành, đảm bảo điều kiện chất lượng đào tạo và xác định chỉ tiêu về đội ngũ cho các ngành theo Thông tư 08 của Bộ GD&ĐT.
Đề xuất này không mới, đã được đưa ra từ hơn một năm trước, khi nhà trường và Bộ VHTTDL đã có những buổi làm việc với Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên quan, nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác đào tạo nghệ thuật nói chung. Hiện nay, quy định mỗi ngành phải có 5 Tiến sĩ với một trường đào tạo nghệ thuật là rất khó, trong khi tài năng của đội ngũ Nghệ sĩ Nhân dân rất cần thiết đối với lĩnh vực đào tạo năng khiếu nghệ thuật".
Thực tế thì đây cũng một là "bài toán khó" đối với nhiều trường Đại học, Cao đẳng đào tạo về nghệ thuật khi lượng giảng viên có bằng Tiến sĩ hiện nay rất ít, các trường buộc phải mời các Nghệ sĩ Nhân dân ở bên ngoài vào giảng dạy, nhất là với các ngành nghệ thuật truyền thống (Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca, Múa Rối…). Tuy nhiên, vì vướng phải những quy định "cứng" nên nhiều trường rất loay hoay tìm "lời giải" cho "bài toán" mình gặp phải.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội trao đổi với Dân Việt rằng, đề xuất của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là xuất phát từ thực trạng đào tạo của ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, để khai thác tài năng của Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thì nên mời họ tham gia vào quá trình đào tạo Đại học ở bậc học cử nhân. Ở đó, có những phần kiến thức thiên về kỹ năng biểu diễn, rất cần có kinh nghiệm của họ.
Đặc biệt, ở bối cảnh nghệ thuật nước nhà, với nhiều loại hình nghệ thuật liên quan đến diễn xuất, nhất là nghệ thuật truyền thống - nơi có nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú có thể có những đóng góp nhất định đối với việc đào tạo đội ngũ kế cận. Còn với đào tạo thuần túy lý luận ở bậc học Thạc sĩ, Tiến sĩ thì chưa nên áp dụng. Vì đây là bậc học trình độ cao, đòi hỏi chuyên sâu về lý thuyết, phương pháp nghiên cứu khoa học, rất khác so với kỹ năng biểu diễn của Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, sự khác biệt nói trên cần có sự phân biệt rạch ròi, tránh để tính hàn lâm, lý thuyết của bậc học Tiến sĩ bị ảnh hưởng bởi tính kinh nghiệm, kiến thức thực tế của nghệ thuật biểu diễn làm lu mờ. Tạo ra sự nghiêm cẩn trong học thuật như mặt bằng chung của thế giới.
"Đề xuất này cũng là tín hiệu báo động về đội ngũ giảng viên Tiến sĩ cho các ngành nghệ thuật và cần có những giải pháp phù hợp hơn để lĩnh vực này cập nhật hơn với mặt bằng chung, đáp ứng với sự phát triển đất nước và tầm quan trọng của nghệ thuật. Các giải pháp này nên bắt đầu bằng việc quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ trí thức nghệ thuật đặc biệt này.
Đặc biệt, từ các cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa và giáo dục, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu nghệ thuật, cũng như toàn xã hội; thực hiện hiệu quả 03 đề án về đào tạo nguồn nhân lực mà Chính phủ đã thông qua cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; tăng cường cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ cho đào tạo Tiến sĩ ngành văn hóa nghệ thuật... Đó mới là giải pháp bền vững đối với các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật thay vì trông trờ vào việc chỉ áp dụng đặc thù để khỏa lấp các khoảng trống chuyên môn", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Trên thực tế, Bộ GĐ&ĐT đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ và Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh Đại học, Cao học, Nghiên cứu sinh và chỉ tiêu tuyển sinh Cao đẳng ngành Giáo dục mầm non.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTTDL) cho biết, hiện trên cả nước có 40 cơ sở đào tạo Trung cấp, Cao đẳng, Đại học trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và 60 cơ sở đào tạo có các ngành nghề trong lĩnh vực đặc thù; trong đó, 7 cơ sở giáo dục Đại học và 1 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ VHTTDL có đào tạo sau Đại học.
Điều 3 của Thông tư 02 đã quy định: "Giảng viên có danh hiệu là Nghệ sĩ Nhân dân, hoặc Nghệ nhân Nhân dân, hoặc Nhà giáo Nhân dân do Nhà nước trao tặng, đồng thời có bằng Thạc sĩ phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có bằng Tiến sĩ và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo (đối với mở ngành đào tạo trình độ đại học); hoặc đồng thời có bằng Tiến sĩ ngành phù hợp với ngành đào tạo dự kiến mở có thể thay cho giảng viên có chức danh Phó Giáo sư và không phải là giảng viên chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện giảng dạy chương trình đào tạo".
Điều 5 của của Thông tư 03 quy định giảng viên đào tạo đặc thù thuộc lĩnh vực nghệ thuật: a) Giảng viên trợ giảng là Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ đại học cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ thạc sĩ…;
b) Giảng viên là Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân được Nhà nước công nhận, trao tặng, đồng thời có bằng tốt nghiệp trình độ Thạc sĩ cùng ngành hoặc cùng nhóm ngành với ngành tham gia đào tạo được tính hệ số để xác định chỉ tiêu tương ứng hệ số tính chỉ tiêu của giảng viên có trình độ Tiến sĩ, được tính để xác định chỉ tiêu tương ứng với giảng viên có trình độ Tiến sĩ...
NSND Lan Hương bày tỏ với Dân Việt rằng, chị được trường Sân khấu – Điện ảnh mời giảng dạy từ cách đây hơn 10 năm. Trong trường luôn có đội ngũ giảng viên cơ hữu, còn các nghệ sĩ đứng lớp đều diện thỉnh giảng. Bản thân cố NSND Hoàng Dũng, NSND Lê Khanh, NSND Trung Anh, NSƯT Trần Lực… cũng từng được mời giảng dạy ở ngôi trường này nhiều năm. Và tất cả các nghệ sĩ tham gia giảng dạy chưa bao giờ nghĩ tới chuyện phải tính tương đương học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Mặc dù vậy, các nghệ sĩ vẫn dành rất nhiều tâm huyết cho công tác đào tạo, truyền lửa đối với thế hệ trẻ. Nhiều năm liền đứng lớp, NSND Lan Hương không chỉ giảng dạy mà còn làm công tác chủ nhiệm, hướng dẫn bài tập tốt nghiệp cho các cử nhân. Ngoài các nền tảng về lý thuyết, chị còn đem kinh nghiệm thực tế của mình để truyền dạy cho sinh viên.
"Thực ra, các quy định về đào tạo nghệ thuật ở các trường Đại học, Cao đẳng hiện nay đều vướng phải rất nhiều bất cấp. Thực tế mỗi thời đại mỗi khác, thời đại thay đổi nhưng quy định lại đi sau. Vì thế mới có chuyện trường Sân khấu – Điện ảnh nhiều lần đề xuất xin cơ chế đặc thù. Nếu chúng ta đặt mình vào góc độ của nhà trường sẽ hiểu được những khó khăn của họ.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, giới nghệ sĩ chưa bao giờ nghĩ cần phải tính Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú tương đương với Tiến sĩ, Thạc sĩ. Bởi hai khái niệm này khác biệt nhau. Một bên là danh hiệu thể hiện sự gắn bó, cống hiến của người tham gia nghệ thuật biểu diễn; một bên là học vị được công nhận khi hoàn thành quá trình học tập và nghiên cứu theo quy định. Dẫu vậy, cũng cần phải giúp các trường tháo gỡ những nút thắt và cái khó trong việc quy hoạch cán bộ, giảng viên tham gia đào tạo các ngành nghề đặc thù trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật hiện nay".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.