Vụ đường ống nước sông Đà vỡ 9 lần: Người dân có thể ủy quyền kiện đòi bồi thường

Lương Kết - PV (ghi) Thứ năm, ngày 24/07/2014 09:26 AM (GMT+7)
Xung quanh sự cố đường ống nước sông Đà vỡ 9 lần và xử lý trách nhiệm với Tổng Công ty Vinaconex, ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Vinaconex là công ty cổ phần nên UBND TP.Hà Nội, Bộ Xây dựng và Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đều không có quyền xử lý. 
Bình luận 0

Ông Long cũng cho biết thêm, dù thành phố hay Bộ Xây dựng không thể xử lý, nhưng khi một doanh nghiệp tồn tại dựa trên những quy định pháp luật thì Vinaconex không thể muốn làm gì thì làm. Về việc thành phố Hà Nội tiếp tục giao dự án tuyến ống số 2 cho Vinaconex, ông Long giải thích: “Vinaconex có tư cách là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và thành phố là khách hàng mua nước của họ nên Vinaconex phải có trách nhiệm tiếp tục thi công giai đoạn 2 nhằm bảo đảm việc cung cấp nước cho thành phố”. Bên cạnh đó, ông Long cũng nhấn mạnh: “Vinaconex làm kinh doanh, bán nước là sự sống còn của họ. Do đó, uy tín sẽ quyết định họ có bán được nước hay không nên dù không xử lý được, không có nghĩa Vinaconex sẽ vô trách nhiệm”.

Trao đổi với NTNN về việc khách hàng bị mất nước sinh hoạt do đường ống nước sông Đà vỡ 9 lần, luật sư Đỗ Viết Hải (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: Thực tế lâu nay việc khu vực này, khu vực kia bỗng nhiên bị mất nước sinh hoạt thì người dân thường chỉ phản ánh để đơn vị cung cấp dịch vụ sớm giải quyết để có nước sinh hoạt trở lại. Đây là một quyền của khách hàng, tuy nhiên họ vẫn còn một quyền lợi khác là có thể yêu cầu đơn vị cung cấp dịch vụ bồi thường thiệt hại, hoặc khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại từ việc bị mất nước gây ra.

Căn cứ theo Nghị định số 117/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch thì đơn vị cấp nước phải có nghĩa vụ bồi thường khi gây thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước theo quy định của pháp luật (điểm h, Điều 55). Bên cạnh đó, điểm d Điều 56 của Nghị định 117 cũng quy định quyền của khách hàng sử dụng nước là được bồi thường thiệt hại do đơn vị cấp nước gây ra theo quy định của pháp luật.

Luật sư Hải cho biết: Việc khách hàng khiếu nại hoặc khởi kiện có thể được thực hiện theo đơn của từng cá nhân chứ không thể ký đơn tập thể, kèm theo đơn là tài liệu để chứng minh việc bị thiệt hại từ chuyện mất nước gây ra. Việc mất nước thường diễn ra ở một diện rộng ảnh hưởng đến một khu vực dân cư nhất định. Nếu tính thiệt hại vật chất có thể từng gia đình không lớn, nhưng tính ra cả cộng đồng thì không hề nhỏ. Do đó người dân có thể theo nhóm ủy quyền cho một ai đó đứng ra khiếu nại hoặc khởi kiện đòi bồi thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem