Vụ Hồ Duy Hải và những kháng nghị Giám đốc thẩm đáng lưu ý
Vụ Hồ Duy Hải và những kháng nghị Giám đốc thẩm đáng lưu ý
PV
Thứ tư, ngày 06/05/2020 07:47 AM (GMT+7)
Vụ Hồ Duy Hải sẽ được TAND tối cao xem xét trong phiên Giám đốc thẩm ngày hôm nay (6/5). Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa Giám đốc thẩm vụ kỳ án được dư luận đặc biệt quan tâm này.
Giám đốc thẩm là thủ tục tố tụng đặc biệt, nhằm xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án.
Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao có quyền kháng nghị đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp cao và của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết (trừ Quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao).
Hồ Duy Hải bị tuyên án Tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản sẽ được xem xét Giám đốc thẩm từ ngày 6 – 8/5. Đây là một trong những vụ án đáng lưu ý được kháng nghị Giám đốc thẩm.
"Kỳ án" Hồ Duy Hải
Theo bản án đã có hiệu lực pháp luật, Hồ Duy Hải bị kết án Tử hình vì đã sát hại 2 nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi (Long An) vào năm 2008.
Hồ Duy Hải và gia đình liên tục kêu oan. Ngày 4/12/2012, Hội đồng thi hành án ra quyết định tạm hoãn thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải, một ngày trước khi thi hành án.
Ngày 22/11/2019, VKSND Tối cao ra kháng nghị Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ án.
Hôm nay (6/5/2020), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình sẽ làm chủ tọa Giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Kháng nghị tăng hình phạt trong vụ án Phạm Công Danh
Tháng 8/2019, VKSND tối cao ban hành "Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm", kháng nghị một phần bản án hình sự phúc thẩm số 712/2018/HSPT của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Cụ thể, VKSND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên theo hướng:
Hủy phần quyết định hình phạt đối với các bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân, Nguyễn Tấn Thành, Nguyễn An Vinh, Hồ Thị Đi để xét xử phúc thẩm lại không cho các bị cáo được hưởng án treo. Hủy phần quyết định hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với bị cáo Lê Đài và giữ nguyên phần quyết định hình phạt của bản án sơ thẩm.
Trước đó, các bị cáo trong vụ án gồm: Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CB, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Thiên Thanh); Nguyễn Thị Kim Vân (SN 1979); Nguyễn Tấn Thành (SN 1974); Nguyễn An Vinh (SN 1973); Hồ Thị Đi (SN 1984) Lê Đài (SN 1974) bị xét xử về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Các bị cáo bị truy tố, xét xử theo quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 có khung hình phạt từ 10 – 20 năm tù.
"Các bị cáo Vân, Đi, Thành, Vinh đã được hưởng án treo trong vụ án trước, nay tiếp tục bị xử phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm là vi phạm Điều 56, Điều 65 BLHS và khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2108 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo.
Như vậy, tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, tiếp tục xử phạt các bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm là trái với quy định của pháp luật" quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao nêu.
Kháng nghị vụ Vũ "nhôm"
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa ra quyết định kháng nghị một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HSST ngày 13/6/2019 của Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội về phần xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và đồng phạm gây ra.
Cụ thể, phần kết luận các giao dịch liên quan đến 7 tài sản của Nhà nước là giao dịch dân sự vô hiệu và xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu; phần nội dung ghi thêm trong bản án in so với nội dung bản án đã tuyên tại Hội trường xét xử.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao xác định, bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm có những nhận định và kết luận về giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm gây ra cho Nhà nước không phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án, không có căn cứ và không đúng pháp luật.
Trên thực tế, trong thời gian từ khi thực hiện hành vi phạm tội đến khi Phan Văn Anh Vũ bị phát hiện khởi tố, giá trị của 7 tài sản của Nhà nước nêu trên đã tăng lên gần 10 lần.
Thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm gây ra phải được xác định không chỉ là những ưu đãi về giá, hệ số sinh lợi mà Phan Văn Anh Vũ có được khi nhận 7 tài sản của Nhà nước mà còn bao gồm thiệt hại do Nhà nước đã mất đi quyền khai thác, quản lý, sử dụng 7 tài sản nói trên, giá trị tăng thêm của các tài sản này và cả những thiệt hại khác mà Vũ đang gây ra trong quá trình sử dụng.
Do đó, hậu quả thiệt hại của vụ án phải bao gồm các thiệt hại nêu trên và được tính từ khi Phan Văn Anh Vũ cùng các công ty của Vũ làm các thủ tục để nhận chuyển giao tài sản đến khi hành vi phạm tội bị phát hiện và ngăn chặn (thời điểm khởi tố, điều tra vụ án).
Hủy án vụ container đâm xe Innova lùi trên cao tốc Thái Nguyên
Vụ án xét xử tài xế Lê Ngọc Hoàng lái xe container đâm phải xe Innova đang đi lùi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Sau hai phiên xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, các cấp xét xử tại Thái Nguyên đã tuyên bị cáo Lê Ngọc Hoàng 6 năm tù giam về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Ngày 21/11/2019, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội đã kháng nghị hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm đối với vụ án để xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Sau đó, Ủy ban Thẩm phán của TAND Cấp cao (gồm 3 thẩm phán và đại diện VKSND Cấp cao) đã xét xử phiên giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị hủy bản án sơ và phúc thẩm vụ án xe đầu kéo container đâm xe Innova lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.