Vụ mua iPhone XS Max trên Facebook nhận được cục gỗ: Có thể khởi tố hình sự?

Thanh Phong Thứ bảy, ngày 17/08/2019 14:56 PM (GMT+7)
Theo một số luật sư, hiện nay, chiêu trò lừa đảo khi mua hàng online xuất hiện nhiều, một số trường hợp có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản có thể khởi tố hình sự. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về hoạt động bán hàng online vẫn thiếu sót, khách hàng cần tự bảo vệ mình tránh tình trạng “được vạ thì má đã sưng” .
Bình luận 0

Muôn hình vạn trạng chiêu trò lừa đảo online

Mới đây, tài khoản Facebook L. Socola chia sẻ bài viết về việc mua một chiếc iPhone X trên mạng xã hội (MXH) với giá 290.000 đồng nhưng nhận lại một cục gỗ. Theo thông tin trên đơn hàng, người gửi có tên “fpt telecom”, ngày gửi là 10/8, phần ghi chú khách hàng ghi rõ “Không cho xem hàng”.

Theo tài khoản này chia sẻ: “Ông anh gần nhà xem livestream Facebook mua iPhone XS Max giả với giá 290.000 đồng. Biết là ông anh mình ham rẻ nhưng cũng chuyển cho cái điện thoại chứ ai lại chuyển cục gỗ như thế này.”

Không chỉ riêng trường hợp mua hàng nhận được “rác” như trên, hiện nay, báo chí, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội nhiều lần phản ánh tình trạng lừa đảo khi mua hàng online.

img

Vụ mua iPhone XS Max 290.000 đồng trên Facebook nhận được cục gỗ đang gây sốt trên mạng xã hội.

Thủ đoạn của các đối tượng rất đa dạng, từ bán các mặt hàng chất lượng kém, không đúng với quảng cáo, để các loại “rác” như cục gạch, gỗ thay vì sản phẩm. Không chỉ với các shop trôi nổi trên mạng xã hội, nhiều khách hàng chia sẻ, khi một số sàn điện tử uy tín như shopee, lazada, tiki… hoặc các cửa hàng chỉ quen trên mạng đôi khi cũng phải nhận “quả đắng”.

Anh Lê Xuân Hòa (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường mua phụ kiện ô tô như tẩu cắm sạc, đèn gầm, quạt… trên một trang Facebook quen. Nhiều lần mua hàng thấy sử dụng được nên đã mua một chiếc camera hành trình giá hơn 1 triệu đồng. 

Chiếc camera có ngoại hình khá đẹp nhưng chỉ sử dụng được vài ngày thì chân hút bị mất tác dụng hay rơi ra khỏi kính xe, điện không vào… Tôi có liên hệ lại với bên bán để phản ánh và yêu cầu bảo hành thì bị block, chặn số điện thoại. Vì sản phẩm trị giá không cao nên cũng không mất thời gian truy cứu sâu coi số tiền là “học phí” mua sắm online.” 

img

Một shop bán phụ kiện ô tô trả lời với thái độ thách thức khi được khách hàng phản ánh.  

Cùng hoàn cảnh như anh Hòa, một tài khoản tên T. Nguyen cũng từng suýt bị “người quen” lừa tiền chia sẻ trên một nhóm kín: “Em đã mua hàng của tài khoản tên Dùng nhiều lần. Lần nào cũng tiền trao cháo múc. Lần này Dùng nói shipper ăn cắp tiền của mấy đơn hàng trước, năn nỉ chuyển khoản, bạn ấy sẽ gửi hàng ra xe. Em nghĩ mua bán nhiều rồi chắc tin được. Thế là em chuyển khoản 2 triệu.

8 ngày chưa có hàng. Em điện thoại, Dùng nói: ''ba tui mất, bà cho tui thời gian, tui sẽ chuyển hàng liền''. 10 ngày chưa thấy hàng. Em điện thoại Dùng không nghe máy. Em vẫn chưa tin là bị lừa, nghĩ bạn ấy đang bận rộn với con bị bại não như bạn ấy từng kể. Em nhờ bạn lấy số lạ giả vờ mua hàng, Dùng nghe máy, tư vấn nhiệt tình. Vậy là em bị lừa chắc. 2 triệu tuy không nhiều nhưng là tiền của mình thì nhất định phải đòi lại.”

Sau đó, chị T. Nguyen phải dùng đủ mọi cách từ nhờ bạn xin địa chỉ nhà, tác động đến gia đình, bạn bè, cơ quan của đối tượng tên Dùng, thậm chí đăng tải lên các trang để cảnh báo. 

Cuối cùng, chị nhận lại được số tiền 2 triệu đồng, tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như vậy, đa phần các đối tượng lừa đảo thông qua mô hình bán hàng online đều không dùng địa chỉ, thông tin thật, mỗi lần lừa số tiền nhỏ khiến khách hàng ngại không đi đòi.

Quy định chưa chặt chẽ, khách hàng cần tự bảo vệ mình

Trao đổi với Dân Việt về tình trạng trên, chị Sầm Hoa, chủ đại lý dao Phúc Sen, Cao Bằng tại 173B Lương Thế Vinh, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, hiện nay cơ chế “giao hàng – kiểm tra- trả tiền” là rất phổ biến, khách hàng cần yêu cầu shop thực hiện để đảm bảo quyền lợi.

“Trước đây, khi chưa có cửa hàng tại Hà Nội, HTX chúng tôi chủ yếu bán hàng qua đường chuyển phát. Bây giờ, mặc dù có đại lý nhưng vẫn chủ yếu bán hàng online vì có khi khách ở các tỉnh hoặc ở Hà Nội nhưng không qua cửa hàng được. 

Hiện nay, các đơn vị giao hàng đều có hình thức COD (giao hàng, kiểm tra, trả tiền) tận nơi cho khách hàng nên có thể đảm bảo chất lượng. Khách hàng khi mua hàng online cần kiểm tra tính minh bạch của trang để tránh bị lừa.”, chị Hoa nói. 

img

Một tình huống dở khóc dở cười khi mua hàng online được phản ánh trên MXH.

Cũng theo chị Hoa, đối với những shop online không thực hiện được yêu cầu trên thường không phải các cơ sở uy tín, khách hàng nên tránh giao dịch.

“Quy trình giao hàng, khách kiểm tra xong mới trả tiền đôi khi cũng rủi ro cho người bán vì thỉnh thoảng khách không nhận hoặc không liên lạc được, đơn vị chuyển phát đưa hàng trả lại, cửa hàng phải chịu chi phí. Nhưng chúng tôi vẫn phải làm như vậy mới có uy tín, niềm tin của khách hàng",  chị Hoa thông tin thêm.

Theo một đại diện văn phòng luật Trí Minh, việc các shop online có hành vi gian dối, lừa đảo khách hàng, tùy từng trường hợp có thể khởi tố hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản.

“Tùy vào trường hợp cụ thể, khách hàng cần xác định rõ xem đơn vị bán hàng có đăng ký, giấy phép kinh doanh hay không? Đối với đơn vị có giấy phép kinh doanh, địa chỉ đăng ký chỉ là giao dịch dân sự, nhưng nếu là hành vi mua bán chui, hàng lậu, hàng giả có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có thể khởi tố hình sự”, đại diện văn phòng luật Trí Minh nói.

Luật sư Nông Thị Hồng Dung, Đoàn luật sư TP.HCM, thông tin thêm theo quy định pháp luật hiện hành, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đối tượng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo các luật sư, việc quản lý bán hàng online đang còn là một lỗ hổng. Chỉ cần 1 tài khoản mạng xã hội bất kỳ, ai cũng có thể đăng bán hàng mà không có cơ quan nào kiểm tra, kiểm soát chất lượng; nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra, khi tố cáo hành vi lên cơ quan chức năng, vấn đề kiểm tra, xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do việc đăng ký tên các tài khoản thường không đúng sự thật. Do vậy, người tiêu dùng cần cận trong trong việc mua sắm online, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Điều 139 BLHS quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
“Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.”
 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem