Theo kết luận điều tra, Công ty Nhật Cường được thành lập năm 2001 với vốn điều lệ 600 triệu đồng, do Bùi Quang Huy (SN 1974; đang bị truy nã quốc tế) làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật; Trần Ngọc Ánh (47 tuổi; trú tại Tây Hồ, Hà Nội) làm Phó Tổng Giám đốc.
Sau 28 lần thay đổi thông tin, đến năm 2019 vốn điều lệ của doanh nghiệp này ở mức 38 tỷ đồng, do Trần Ngọc Ánh và Bùi Quang Huy đóng góp. Trong đó, Trần Ngọc Ánh đóng góp 3,8 tỷ đồng (tương đương 10%) còn Bùi Quang Huy đóng góp 34,2 tỷ đồng (tương đương 90%).
Trong việc giao dịch đặt mua hàng lậu với 16 chủ hàng (nhà cung cấp) nước ngoài, Bùi Quang Huy là người quyết định việc chi tiền, tìm kiếm, giao dịch, làm việc với các đối tượng người Việt Nam và người nước ngoài để đặt vấn đề mua hàng tại nước ngoài. Sau đó, Huy trực tiếp hoặc chỉ đạo Trần Ngọc Ánh, Hoàng Văn Phong, Mai Tiến Dũng và Đỗ Quốc Huy giao dịch với các nhà cung cấp để thoả thuận về giá cả, số lượng, hình thức thanh toán, giao hàng... để đặt mua hàng; chỉ đạo Đỗ Quốc Huy tham gia tư vấn cho Trần Ngọc Ánh về giá mua, giá bán, số lượng, chủng loại điện thoại cần mua để Ánh tham khảo, quyết định việc mua hàng.
Vai trò cụ thể trong việc giao dịch đặt mua hàng lậu như sau: Từ năm 2014 đến giữa năm 2015 Bùi Quang Huy là người tìm kiếm, quan hệ để mua hàng hoá với nhiều nhà cung cấp tại nước ngoài sau đó thuê vận chuyển hàng hoá từ nước ngoài về Việt Nam mà không phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định. Ánh có nhiệm vụ quản lý, theo dõi hàng hoá bán ra, đồng thời tư vấn về số lượng, chủng loại hàng hoá để Huy mua.
Đến giữa năm 2015, Ánh được Huy giao trực tiếp giao dịch mua hàng với các nhà cung cấp và thuê người vận chuyển về Việt Nam mà Huy đã có quan hệ mua bán, thuê vận chuyển trước đó.
Thông qua ứng dụng Whatsapp, Ánh giao dịch thoả thuận với các nhà cung cấp về giá cả, số lượng, chủng loại hàng hoá... để mua hàng tại Hồng Kông. Hàng hoá chủ yếu là điện thoại di động các loại, máy tính để bàn, máy tính bảng, phụ kiện...
Sau khi chốt đơn với nhà cung cấp, Ánh báo cho nhà vận chuyển địa điểm, thời gian để nhận, vận chuyển về Việt Nam mà không phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định, Công ty Nhật Cường cũng không phải cung cấp tài liệu, chứng từ gì liên quan đến hàng hoá cho nhà vận chuyển.
Kết luận điều tra cũng cho biết, mỗi khi có hàng, Ánh sẽ chỉ đạo Nông Văn Lư (36 tuổi, ở Bắc Giang) là lái xe của công ty Nhật Cường đi nhận hàng và nói sẽ có đại diện của đường dây vận chuyển gọi điện để liên hệ giao hàng (Ánh cho bên vận chuyển số điện thoại của Lư). Sau đó, người vận chuyển gọi điện thoại (thường qua ứng dụng Wechat, Whatsapp...) cho Lư để trao đổi, thống nhất thời gian, địa điểm giao hàng.
Lư sử dụng xe ô tô của Công ty Nhật Cường để đi nhận hàng lậu từ người vận chuyển và chở hàng về kho số 39 Lý Quốc Sư (phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để cho một số nhân viên (thuộc bộ phận chuyển hàng từ kho ra các cửa hàng) bê hàng vào kho. Khi Lư bận, không nhận hàng được, Lư nhờ Bùi Quốc Việt (anh ruột của Bùi Quang Huy) đi nhận hàng.
Quá trình nhận hàng, Trần Ngọc Ánh còn chỉ đạo Lư đem tiền mặt để thanh toán tiền cước phí vận chuyển hàng cho các đường dây vận chuyển (Hùng HP, SRV, Việt LS, Hưng ĐA, SH, Hằng LS). Đồng thời, Ánh tạo một nhóm chát qua ứng dụng Whatsapp, Wechat để thông tin về hàng hóa, các công việc liên quan... Nhóm chát gồm có Bùi Quang Huy, Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc, Nông Văn Lư và Trần Tất Khoa (Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu, Trung Quốc).
Hành vi của của Trần Ngọc Ánh đã phạm vào tội "Buôn lậu", quy định tại khoản 4, điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với vai trò đồng phạm giúp Bùi Quang Huy thông qua hệ thống các cửa hàng của Nhật Cường tiêu thụ hơn 254.000 sản phẩm, thu trên 3.200 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 220 tỉ đồng.
Trước đó như Dân Việt đã đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án: Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong số 15 bị can, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Nhật Cường và Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Nhật Cường bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Trần Ngọc Ánh, Nguyễn Bảo Ngọc và 12 người còn lại bị đề nghị truy tố thêm về tội "Buôn lậu" gồm Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bán hàng Nhật Cường; Nông Văn Lư - nhân viên Nhật Cường; Nguyễn Bảo Trung - lao động tự do; Trần Tất Khoa - Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu; Lê Hoài Phương - nhân viên Nhật Cường Quảng Châu; Ngô Đức Tùng - lao động tự do; Ngô Tuấn Sửu - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Sơn; Hoàng Văn Phong - Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường; Mai Tiến Dũng - trưởng ngành điện thoại cũ Nhật Cường; Phạm Văn Hiệp - lao động tự do; Bùi Quốc Việt - nhân viên Nhật Cường; Đỗ Văn Dũng - lao động tự do.
Liên quan đến vụ án Nhật Cường, trước đó ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị phạt 5 năm tù về tội "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước".
Ông Chung và vợ là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án Nhật Cường nên nhờ điều tra viên Phạm Quang Dũng (cán bộ C03, Bộ Công an) thu thập và "nắm thông tin về hướng điều tra".
Từ tháng 7/2019 đến 6/2020, ông Chung đã nhận 6 tài liệu mật về vụ án từ Dũng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.