Vụ nữ sinh Hưng Yên bị đánh hội đồng: Người lớn đừng quá hung hăng

Chiến Văn Chủ nhật, ngày 31/03/2019 13:08 PM (GMT+7)
Một vài giáo viên bị kỷ luật ngừng dạy, hiệu trưởng bị về hưu sớm, kể cả Bộ trưởng Giáo dục có từ chức chăng nữa, chắc chắn không thể làm giảm tình trạng bạo lực học đường, nếu người lớn không cư xử tử tế.
Bình luận 0

Tôi không dám xem hết đoạn clip quay cảnh 5 cháu học sinh nữ lột quần áo rồi đánh đập bạn không thương tiếc xảy ra ngay giữa lớp học ở Trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thị, Hưng Yên). Thú thực là tôi không dám xem vì thấy xót xa, uất nghẹn thay cho cháu bé.

Xót xa hơn khi nghe ông hiệu trưởng giải thích rằng nhà trường yêu cầu học sinh xóa clip vì “đặt trường hợp đó là con gái tôi thì sẽ rất đau lòng và không muốn clip đó được phát tán rộng rãi. Chúng tôi muốn bảo vệ danh dự cho em...”. Và ông đã có ý kiến cho 5 học sinh đánh hội đồng bạn thôi học 1 năm, nhưng hội đồng kỷ luật và gia đình có ý kiến "rất nhân văn" là năm học cuối cấp, nên quyết định kỷ luật đuổi học 5 ngày đối với nhóm học sinh này.

img

Trường THCS Phù Ủng - nơi xảy ra vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng.

Sự nhân văn không đúng chỗ của ông hiệu trưởng không chỉ là bao che, giấu nhẹm sự việc, mà còn là sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, dung túng cho những hành động xấu, cho cái ác trong nhà trường. 

Câu trả lời bao biện của ông, cùng việc phân trần rằng ông bị tạm đình chỉ công tác hiệu trưởng bắt đầu từ ngày mai như thể là oan gia, là quá nặng... càng khiến dư luận thêm sôi sục phẫn nộ.

Tôi không dám đặt trường hợp con cháu mình không may bị bạn đối xử như vậy. Vì không dám chắc là nếu việc kinh khủng đó xảy ra với người thân của mình, tôi sẽ xử lý được một cách tỉnh táo nhất.

Nói vậy để thấy tôi không dửng dưng trước cảnh bạo lực trên. Nhưng nghe nhiều người, trong đó đa số là những người ở tuổi làm cha mẹ văng tục chửi bậy, đòi chém 5 đứa trẻ máu lạnh kia ra làm trăm mảnh, rồi tiện thể réo tên Bộ trưởng ra đổ trách nhiệm, thì tôi nghĩ ngay chính người lớn chúng ta thôi còn đang hung hăng thế, vậy trách gì đám trẻ?

Có mấy điều cần phải sòng phẳng với nhau về bạo lực học đường, (tất nhiên tôi không nói riêng trường hợp này, vì vụ việc này các thầy cô rất đáng trách) mà nói chung thực trạng: Bạo lực học đường là vấn đề muôn thuở, mấy chục năm nay đã có. Thời tôi học phổ thông, có những trường hợp bị bạn đánh không dám đến lớp phải bỏ học. Không chỉ nam, mà nữ cũng có những trò giật tóc, vật nhau giữa sân trường, rồi lôi bố mẹ họ hàng đến cổng trường chửi nhau ầm ĩ là không hiếm. Giờ họp lớp mọi người vẫn kể cho nhau nghe về những trò đó rồi... cười. Chỉ là thời đó chưa có mạng, chưa có máy quay nên người ta ít tạo thành cơn sóng dư luận như ngày nay thôi. Ngay bản thân tôi vẫn còn 1 vết sẹo ở đuôi mắt vì bị một cậu dùng kiếm bằng gỗ nhảy lên đâm bổ từ trên xuống. Máu ướt đẫm khăn quàng. Sợ quá phải nhờ thầy cô đưa về không bị bố đánh. Rồi thôi...

Nói thế không phải chấp nhận để học sinh sống chung với bạo lực học đường. Nhất là trong môi trường giáo dục hiện đại, văn minh ngày nay. Nhưng la lối om tỏi, cho đó là sự hoảng loạn mang tầm vóc của xã hội thì cũng hơi quá và oan cho giáo dục.

img

Bản tường trình của cô giáo chủ nhiệm lớp về sự việc nữ sinh bị đánh hội đồng.

Nói về sự rối loạn của xã hội, hãy nhìn lại cách ứng xử của người lớn đi đã. Các bậc phụ huynh có tự thấy mình đang ngày càng hung hăng, dễ nổi giận và hành động không cần suy nghĩ hơn không? Ra đường, nhìn những vụ va chạm rất đỗi bình thường mà người lớn sẵn sàng đứng chửi, rồi rút dao rút tuýp nước, thậm chí rút súng bắn vào nhau, là đủ hiểu. Bọn học trò mới lớn nhiễm những thứ bạo lực ấy từ nhà, ra ngoài đường đã rồi mới đến trường. Vì ở trường chẳng thầy cô nào hướng chúng đến cách hành xử bạo lực, trừ trường hợp cá biệt.

Lên án các thầy cô giáo, đổ lỗi cho họ là đương nhiên, rất dễ, nhưng không phải cách giải quyết tận gốc bạo lực ở giới trẻ! Dạy trò đánh nhau chắc là không rồi. Dạy bằng lời nói liệu chúng có sợ và răm rắp nghe theo không? Rất khó đối với đám trẻ cá biệt mới lớn và ngỗ ngược. Trước chúng còn có chút sợ nếu thầy cô dùng thước, dùng bạt tai, nhưng giờ thì chắc chắn các thầy cô chẳng ai dám làm.

Vậy họ phải điều chỉnh hành vi các em bằng cách nào khi sự việc xảy ra rồi? Đến phạt bắt dựa bảng nhiều phụ huynh còn cho đó là xúc phạm học sinh. Bắt quỳ xuống ghế nhựa cũng cho đó là sỉ nhục, vi phạm nhân quyền. Vậy phải chăng chỉ còn cách đuổi học? Mà đâu phải muốn là đuổi được? Còn phải dựa theo đủ thứ quy chế, và quan trọng nhất là, đuổi học chỉ vì "đám trẻ nó hiếu động đánh nhau vài cái", liệu các phụ huynh có con em như vậy có chấp nhận không? Hay lại dùng truyền thông gây sức ép, tạo dư luận, cho rằng trường đang đẩy mầm non đất nước ra tạo thành gánh nặng cho xã hội? Cái này thay vì gọi thầy cô, hãy nên mời công an đến, may ra mới xử lý được rốt ráo.

Một vài cô giáo bị kỷ luật ngừng dạy, một vài hiệu trưởng bị kiểm điểm hay về hưu sớm, kể cả Bộ trưởng Giáo dục có từ chức chăng nữa, chắc chắn không thể làm giảm tình trạng bạo lực học đường, nếu người lớn không chung tay với nhau. Bọn trẻ nhìn vào người lớn để hành xử, vì vậy, để trẻ bớt bạo lực, máu lạnh, trước tiên người lớn chúng ta cũng nên tự nhìn lại mình, xem mình có được thiện lành không đã?!?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem