|
Phà Cả Môn hoạt động 24/24 giờ, tạo ra nguồn doanh thu lớn cho Đồng Tháp1. |
Thiếu vốn nên bán đất cho... dân nghèo
Các số báo trước, NTNN đã chỉ ra rất nhiều điểm sai phạm về quản lý, sử dụng đất của Công ty Đồng Tháp 1. Trong 200ha đất ở xã Hưng Thạnh mà công ty này giao khoán, họ đã mặc nhiên để cán bộ nhận khoán cho dân nghèo thuê lại với chiêu bài “hợp tác sản xuất”.
Nguyên nhân của việc cho thuê lại, theo giải thích của ông Vũ Ngọc Bần - Giám đốc công ty là do cán bộ thiếu vốn sản xuất (?) nên “hợp tác” với dân (nghèo). Nghiêm trọng hơn, công ty này còn có dấu hiệu tiếp tay cho cán bộ bán luôn đất khoán.
Điển hình nhất là trường hợp Bí thư huyện Tân Hưng Nguyễn Hữu Nghĩa (nay là Bí thư huyện Vĩnh Hưng) bán luôn 4ha đất công cho người dân, sau đó cầm tiền này đi mua hơn 2ha đất ở gần nhà, có “giấy đỏ”.
Theo ông Trương Quang Phục - Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Long An, các trường hợp cán bộ “nhận khoán” của Đồng Tháp 1 rồi cho dân thuê lại, trước mắt UBKT Tỉnh uỷ yêu cầu làm tường trình, kiểm điểm, sau đó sẽ tổng hợp lại, báo cáo lên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ để có hướng chỉ đạo xử lý. Quan điểm của Tỉnh uỷ là cán bộ thuộc Tỉnh uỷ quản lý, liên quan đến đâu thì yêu cầu kiểm điểm tới đó.
Riêng trường hợp ông Nguyễn Hữu Nghĩa (nay là Bí thư Huyện uỷ Vĩnh Hưng), nhận khoán 4ha đất công ở xã Hưng Thạnh, sau đó đem bán cho một người dân ở Đồng Tháp, do huyện Vĩnh Hưng đang Đại hội Đảng bộ nên sẽ... tính sau.
“Né” thuế - chỉ thanh tra mới biết
Vùng đất chúng tôi đang sinh sống cách trung tâm tỉnh Long An đến 130km. Lâu nay cách trở cầu phà, giao thông khó khăn nên người dân chỉ biết đến chính quyền cấp xã. Nay các cơ quan cấp tỉnh, đặc biệt là đích thân Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội Nông dân đến tận nơi để biết đời sống của dân làm chúng tôi thấy mình được quan tâm nhiều hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Anh - xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, Long An
Không chỉ có dấu hiệu tiêu cực trong quản lý, sử dụng đất công, Công ty Đồng Tháp 1 còn có dấu hiệu trốn thuế. Suốt mười mấy năm qua, công ty này được “độc quyền” khai thác bến phà Cả Môn - nằm trên tỉnh lộ 831, tuyến huyết mạch nối huyện Tân Hưng với Long An, nối các huyện Tam Nông, Tháp Mười, Tân Hồng (Đồng Tháp) với Long An - mà không phải đấu giá.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bến phà Phước Lại (huyện Cần Giuộc) chỉ đi qua 2 xã Phước Lại và Long Hậu mỗi năm nộp ngân sách 400 triệu đồng. Trong khi đó, phà Cả Môn (chở được xe tải nặng và xe cơ giới) qua 12 xã, thị trấn của huyện Tân Hưng, 30 xã của tỉnh Đồng Tháp mỗi năm chỉ nộp thuế giá trị gia tăng 250 triệu đồng (số liệu năm 2009).
Chúng tôi đã phục ở 2 đầu bến phà nhiều lần và quay phim cách mà Công ty Đồng Tháp 1 “né thuế”: Nhân viên thu tiền khách qua phà nhưng không giao vé (chỉ khi khách yêu cầu mới giao). Bằng cách không giao vé (là một loại hóa đơn đặc thù), nên lượng khách qua phà Cả Môn dù cao gấp nhiều lần phà Phước Lại nhưng số tiền ngân sách thu được lại thấp hơn.
Kinh doanh đa ngành nghề (mua bán xăng dầu, vận tải, xây dựng, kinh doanh chợ…) nhưng năm 2009 công ty này chỉ lời trước thuế 305 triệu đồng, đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 25% là… 76 triệu đồng! Làm một phép tính đơn giản, chỉ khoản chênh lệch do công ty này “độc quyền bơm nước” (NTNN đã phản ánh) mỗi năm cũng cả trăm triệu đồng, dư đóng thuế cho nhà nước.
Đó là chưa kể khoản thu khổng lồ từ bến phà Cả Môn (hoạt động 24/24 giờ, ban đêm thu cước gấp đôi) và những hoạt động kinh doanh khác. Theo chúng tôi, Công ty Đồng Tháp 1 có “né” thuế hay không, chỉ có cơ quan thanh tra mới có thể làm rõ.
Phương Dung – Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.