Kết quả bước đầu cho thấy, các lớp thợ mới đã có tay nghề bài bản hơn, các vùng làm nghề vệ tinh cũng có bước phát triển vững chắc.
Mở rộng giao lưu
Trong năm 2011, Doanh nghiệp Thêu tranh Nguyên Đào (làng nghề thêu truyền thống xã Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội) đã chủ trì dạy nghề thêu tranh phong cảnh tại xã Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội). Lớp học có 40 chị em, độ tuổi khá đa dạng, từ 15 - 50.
|
Đào tạo nghề đúc đồng tại Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh). |
Bà Nguyễn Thị Hương- Giám đốc Trung tâm Khoa học và Công nghệ phát triển làng nghề, đơn vị tổ chức lớp học cho biết: “Nghệ nhân và thợ giỏi của cơ sở đã về Cổ Đô trực tiếp truyền nghề cho người học, sau đó UBND xã tiếp sức bằng cách hỗ trợ cho vay vốn hình thành nhóm thêu tranh phong cảnh. Hiện các học viên tiếp tục nâng cao tay nghề, trực tiếp nhận hàng làm cho doanh nghiệp thêu tranh ở Thắng Lợi”.
Tại Cổ Đô cũng còn một lớp học nữa là nghề mây tre đan, hiện khu vực này đã phát triển theo hướng làng nghề (tuy còn ở dạng sơ khai, làm gia công) nhưng người dân đã có thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/tháng từ nghề mới. Bà Hương nói: “Tâm lý người dân, nhất là thanh niên chỉ thích làm thuê công việc giản đơn chứ không thích học nghề, quan trọng nhất là họ chưa tin tưởng sau học nghề có thu nhập tốt hơn. Các lớp học nghề này đã xua tan nghi ngại đó”.
Các lớp dạy nghề, phát triển làng nghề nói trên được mở rộng rãi trong năm 2011 ở hầu hết các làng nghề trong nước với hàng nghìn lớp học. Điển hình như nghề đúc đồng (Đại Bái), chạm bạc (Đồng Xâm); thêu, móc (Hải Phòng), mây tre đan (Hà Nam)… Đây được xem như một hướng đi mới tích cực bởi nó không chỉ giải quyết bài toán thiếu nhân lực cho các làng nghề, mà còn góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống lao động ở khu vực nông thôn, qua đó bảo tồn và phát triển được các làng nghề truyền thống.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ngoan (Kiến Xương, Thái Bình) - Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề mỹ nghệ kim hoàn chạm bạc xuất khẩu chia sẻ: “Các lớp đào tạo nghề không chỉ nâng cao tay nghề cho các lớp thợ lớn tuổi, mà còn giúp số thợ mới được học nghề bài bản. Ngoài ra, các lớp học cũng tạo môi trường giao lưu giữa các làng nghề, nghệ nhân cùng nhóm nghề nên kiến thức, kinh nghiệm được trao đổi với nhau rất hiệu quả”.
80 - 90% học viên học xong có việc làm
Tại buổi tổng kết đánh giá các lớp thí điểm dạy nghề thủ công nghiệp cho lao động nông thôn để phát triển làng nghề cũng đưa ra mục tiêu đào tạo nghề theo hai hướng. Thứ nhất, đào tạo lao động để xây dựng làng nghề mới và khôi phục các làng nghề đã bị mai một nhằm phát triển các làng nghề mới. Thứ 2 là tổ chức việc làm kết hợp xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm thủ công xuất khẩu và đào tạo nghề, tổ chức việc làm để duy trì phát triển làng nghề truyền thống.
Việc đào tạo nghề tại các làng nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 1956) có ba cấp độ khác nhau: Một là đào tạo cho những lao động phổ thông chưa biết nghề để họ có ít nhất một nghề thông thạo; hai là bổ sung những kiến thức, kỹ năng mới cho những người đã có tay nghề nhưng tay nghề chưa đủ mức thành thạo, để họ trở thành thợ giỏi; ba là bổ sung kiến thức khoa học, công nghệ mới cho nghệ nhân để họ cập nhật được kiến thức mới, công nghệ mới…
Ông Vũ Quốc Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhận định, các lớp dạy nghề ở làng nghề gắn bó chặt chẽ với nhu cầu của người dân và mong muốn tạo lập nghề mới nên có khoảng 80 - 90% học viên sau khi học nghề có việc làm ổn định với mức thu nhập 1 – 3 triệu đồng/tháng/người. Riêng những ngành nghề như đúc, dát đồng, chạm khảm, chế biến thủ công mỹ nghệ có những học viên thu nhập 5 – 6 triệu đồng/tháng/người.
Đến nay, các lớp thí điểm đã tuyển sinh được 2.149 lao động theo đúng đối tượng của Đề án 1956. Hiện các làng nghề đang giải quyết việc làm cho 11 triệu lao động, chiếm 24% số lao động nông thôn.
Ông Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm định chất lượng dạy nghề cho biết: “Việc đào tạo nghề tại các làng nghề Việt Nam là một việc làm cần thiết trong bối cảnh các làng nghề đang khủng hoảng vì thiếu lao động lành nghề. Làm tốt công tác đào tạo nghề sẽ góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn; huy động các nghệ nhân, thợ giỏi giảng dạy góp phần truyền bá và lưu giữ các nghề truyền thống của dân tộc”.
Ngô Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.