Vừa công bố một xã cấp độ 4, Sở Y tế TP.HCM đính chính "do nhầm lẫn số liệu dân số"

Bạch Dương Thứ hai, ngày 08/11/2021 18:05 PM (GMT+7)
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 8/11, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết, do có sự nhầm lẫn trong số liệu dân số nên xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) chỉ ở cấp độ 3. Xã này vừa được UBND TP công bố là cấp độ 4, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM.
Bình luận 0
Vừa công bố một xã cấp độ 4, Sở Y tế TP.HCM đính chính "do nhầm lẫn số liệu dân số" - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam. Ảnh: B.D

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM - thông tin về cấp độ dịch của 22 địa phương tại TP.HCM. Theo đó, TP có 13 địa phương cấp độ 1, 7 địa phương cấp độ 2; riêng huyện Nhà Bè và Cần Giờ cấp độ 3.

Giải thích riêng về việc xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) được đánh giá cấp độ 4, ông Nam cho biết xã này có sự nhầm lẫn trong tính toán do nhầm liệu dân số. Số dân theo báo cáo của huyện là hơn 300.000 nhưng dân số thực tế của xã Phước Kiển đến thời điểm này là hơn 600.000 người. Vì thế, đánh giá lại mức độ dịch thì xã hiện ở cấp độ 3.

Điều đáng nói chỉ trước đó vài giờ đồng hồ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu đã có báo cáo đánh giá mức độ dịch của các địa phương gửi UBND TP. Căn cứ trên báo cáo này, UBND TP đã ra công bố về cấp độ dịch, trong đó xác nhận xã Phước Kiển là xã duy nhất ở cấp độ 4 – nguy cơ rất cao.

Về việc huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ trở thành 2 địa phương có nguy cơ cao, ông Nam lý giải do huyện Nhà Bè có 2 khu công nghiệp (Hiệp Phước và Long Hậu), nhiều công nhân khi quay trở lại làm việc đã phát hiện dương tính. Huyện Cần Giờ có một nhóm người dân ở Lý Nhơn làm việc ở Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Nhà Bè) và được phát hiện dương tính.

"Nhà Bè và Cần Giờ là hai huyện có nguy cơ cao" - ông Nam cho hay.

Để kiểm soát số ca nhiễm có xu hướng tăng trở lại, ông Nam cho biết theo kế hoạch hiện nay, thành phố tổ chức giám sát xét nghiệm kịp thời F0, không để dịch lan rộng, không để ảnh hưởng sinh hoạt người dân. Ngành y tế tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với khu vực chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở hỗ trợ xã hội; các hộ gia đình cần điều tra dịch tễ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát định vị ngẫu nhiên người lao động theo cấp độ dịch từng nơi.

Về lập trạm y tế lưu động, khi tình hình dịch căng thẳng, TP lập gần 550 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của lực lượng quân y; phối hợp với 312 trạm y tế phường, xã đã giúp chăm sóc F0 qua điện thoại cũng như cấp phát túi thuốc A, B, C giúp người dân an tâm hơn trong công tác điều trị.

Hiện, số F0 giảm nhưng việc duy trì trạm y tế lưu động vẫn rất cần thiết. Với địa phương có số F0 cao thì vẫn phải duy trì trạm y tế này, làm sao mỗi trạm có thể chăm sóc 50-100 F0.

Tuần vừa rồi, sở đã huy động 40 trạm y tế lưu động tại Hóc Môn. Ông Nam cho biết huyện Nhà Bè đang cách ly 772 F0 và chỉ có 7 trạm y tế lưu động. Như vậy, huyện phải thành lập ít nhất 15 trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà. Việc lập trạm y tế lưu động là rất quan trọng.

Vừa công bố một xã cấp độ 4, Sở Y tế TP.HCM đính chính "do nhầm lẫn số liệu dân số" - Ảnh 3.

Giám sát F0 tại nhà ở huyện Nhà Bè. Ảnh: HCDC

Hiện nay mỗi địa phương đang triển khai trạm y tế lưu động tùy theo tình hình F0 trên địa bàn. Sở Y tế TP đã có phương án cụ thể giao cho các bệnh viện công lập, ngoài công lập lên phương án tham gia các trạm y tế lưu động khi lực lượng quân y rút đi.

Về các ca F0 gia tăng trong nhóm công nhân các khu công nghiệp, ông Nam cho biết, Sở đã kiến nghị mỗi khu công nghiệp nên có một khu cách ly tập trung riêng, tuy nhiên do điều kiện nên nhiều nơi không thực hiện được, các F0 này phải giao lại cho địa phương. Đây cũng là gánh nặng và khó khăn không nhỏ cho các quận huyện, tuy nhiên các địa phương đều đã có phương án thành lập các bệnh viện dã chiến, trung tâm cách ly để tiếp nhận các F0 này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem