Vùng cao Minh Sơn đuổi nghèo

Thứ hai, ngày 04/07/2011 15:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ chăn nuôi trâu, bò và trồng chè, xã nghèo Minh Sơn huyện Bắc Mê, Hà Giang đang đổi thay từng ngày. Nhiều hộ đã mua được ti vi, xe máy...
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Tình - Chủ tịch UBND xã Minh Sơn cho biết: "Xã có 992 hộ với 5.342 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 93%. Xã có 17 thôn, thì có tới 16 thôn thuộc diện khó khăn, số hộ nghèo chiếm gần 50%. Thôn Phia Đeng, Khuổi Lòa tới 100% hộ nghèo".

img
Chè - cây xóa đói, giảm nghèo ở xã Minh Sơn.

Đuổi cái đói

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã 5km, nhưng hai thôn Phia Đeng, Khuổi Lòa bị chia cắt bởi dòng suối sâu, đường lên bản chỉ có thể cuốc bộ. Không điện, không trường, trạm…

Chủ tịch Tình bảo, cái khó nhất của xã là địa hình đồi núi, các thôn ở cách xa trung tâm, nên việc phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước, cũng như động viên bà con gặp rất nhiều khó khăn. Giờ nhờ có sóng điện thoại, nên việc liên lạc với các thôn cũng dễ dàng hơn. Chứ như trước thông báo họp, hay tiêm vaccin… đi được đến bản cũng mất nửa ngày rồi.

Xã có 992ha đất nông nghiệp và 7.130ha đất lâm nghiệp, thế mạnh của xã là phát triển cây chè và chăn nuôi. Mấy năm trở lại đây, nhờ xây dựng được thương hiệu chè Thành Hưng và chăn nuôi trâu, bò… đời sống bà con đang từng bước thay đổi. Nhiều ngôi nhà khang trang đã và đang xuất hiện, nhiều nhà đã mua xe máy, ti vi, trẻ em được đi học...

Làm giàu

Xã Minh Sơn có gần 60ha chè, trong đó 30ha đã cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở thôn Pó Pèn, Lục Quốc và Kho Là. Chè ở đây đa số là chè cổ thụ, chất lượng tốt. Những năm trước, do chưa tìm được thị trường và trồng chè lâu có thu nhập nên bà con không mặn mà lắm. Từ năm 2000 đến nay, phong trào trồng chè phát triển rất mạnh, nhiều hộ có tới 4-5ha chè, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Minh Sơn hiện có khoảng 300 con bò, 200 con trâu và khoảng 2.000 con lợn. Thời gian tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi trâu, bò nhốt ra tất cả các bản trong xã.

Anh Trương Văn Lăng, bản Kho Là, có 3ha chè khoe: "Năm 2007, xã xây dựng được thương hiệu chè Thành Hưng, nhờ đó mà giá được nâng lên. Chè lá khoảng 30.000 đồng/kg, chè búp từ 40.000-50.000 đồng/kg khô. Trừ chi phí, mỗi năm nhà mình dư 40 triệu đồng, mình vừa mua xe máy và ti vi cho gia đình xem phim, xem thời sự...".

Nằm trong diện hộ nghèo, gia đình chị Lý Thị Bé ở bản Kẹp B năm nào cũng thiếu ăn từ 3 - 5 tháng. Năm 2006, anh được Dự án "Chia sẻ Việt Nam - Thụy Điển" tài trợ cho đôi bò. Sau 5 năm, anh đã có 4 con bò nhỡ, 2 con bò sinh sản. "Nhà mình gần đồi, đất rộng, mình muốn nuôi bò nhưng không có vốn. Được dự án hỗ trợ nuôi bò, mình đã làm được nhà. Giờ mưa gió cũng đỡ lo rồi" - chị Bé chia sẻ. Ngoài nuôi bò, chị còn trồng chè. Hơn 1ha chè của chị chuẩn bị cho thu hoạch.

Gia đình chị Lý Thị Hú ở bản Kẹp A làm giàu bằng nuôi bò nhốt. "Nhà mình có 8 con bò, mình thấy người Kinh trồng cỏ voi cho bò ăn, bò vừa nhanh lớn lại giữ được phân để bón ruộng nên học theo. Mùa rét năm trước, ở bản nhiều trâu, bò chết lắm do rét không kịp đuổi chúng về. Mình nhốt trâu, bò trong chuồng, đói thì cho ăn, rét thì quây bạt lại nên không sợ chúng chết rét" - chị Hú chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem