Vườn "thập cẩm" ở An Giang, dưới đào mương nuôi cá đồng, trên "trồng lung tung" hóa ra bộn tiền
Vườn "thập cẩm" ở An Giang, dưới đào mương nuôi cá đồng, trên "trồng lung tung", nông dân thu lợi "kép"
Ánh Nguyên
Thứ bảy, ngày 11/06/2022 13:01 PM (GMT+7)
Từ nền đất ruộng canh tác lúa kém hiệu quả, nông dân xã Bình Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi, lên vườn trồng xen canh, đa dạng các loại cây trồng, như: Vú sữa hoàng kim, mít Thái, ổi, dừa, chuối, bông điên điển Thái…Bà con còn tận dụng diện tích mặt nước ao trống trong vườn để nuôi cá, trồng bông súng...
Hơn 1 năm trước, diện tích đất rộng 4.000m2 của ông Nguyễn Ngọc Chẵng (ấp Bình Phú 2, xã Bình Hòa) vẫn còn canh tác lúa 3 vụ. Tuy nhiên, do là nền đất trũng, dễ bị ngập nước, ảnh hưởng đến năng suất lúa vào cuối vụ, nên ông Chẵng mạnh dạn chuyển đổi lên vườn trồng cây mít Thái.
Ông Chẵng cho biết, trong vườn thiết kế thêm hệ thống tưới nước tự động, giúp nhà nông đỡ cực mà còn tiết kiệm được nước, chi phí thuê, mướn nhân công. Bên cạnh đó, với diện tích đất bờ ranh, mương còn trống, ông Chẵng tìm hiểu một số loại cây, như: Chuối, bông điên điển Thái… để trồng thêm.
Mục đích chính là “lấy ngắn nuôi dài”, trong lúc chờ đợi cây mít Thái cho thu nhập. Riêng diện tích mương nước còn trống, ông Chẵng cho trồng bông súng, dẫn dụ cá đồng tự nhiên vào sinh trưởng, giúp tăng thêm thu nhập.
Vậy là, chỉ sau 2,5 tháng trồng, cây điên điển Thái bắt đầu cho thu hoạch bông, sản lượng từ 15-18kg/ngày.
Mỗi ngày, bông điên điển được thương lái đến tận nơi để thu mua, với giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/kg.
“Trồng cây điên điển không cần tốn công chăm sóc, chỉ đầu tư chi phí mua hạt giống lúc ban đầu là có thể thu hoạch trong khoảng thời gian 6-7 tháng. Chỉ cực là mình phải thu hoạch buổi khuya, để kịp cân cho thương lái bán chợ buổi sáng sớm. Tôi trồng điên điển xen vào 2 bờ mương, cho thu nhập gần 40 triệu đồng, coi như là lấy lại vốn đầu tư chuyển đổi ban đầu từ đất ruộng sang làm vườn” - ông Chẵng phấn khởi.
Đó là ông Chẵng chưa kể đến nguồn thu nhập từ cá đồng và bông súng dưới mương ao. Cách 2 ngày, ao bông súng của ông Chẵng sẽ cho thu hoạch trên 20kg, bán với giá 4.000-5.000 đồng/kg, thu nhập gần 100.000 đồng.
“Bông súng trồng không bao lâu là cho thu hoạch, hái xong đem vô nhà có người lại cân, trả tiền tại chỗ. Thấy ít vậy chứ cũng đủ trang trải tiền điện, nước và chi phí sinh hoạt khác. Nhờ trồng xen canh thêm một số cây ngắn ngày, lcó tiền lai rai” - ông Chẵng chia sẻ thêm.
Nhân rộng mô hình xen canh
Ở ấp Bình Phú 2, ngoài ông Chẵng đã có thêm nhiều nông dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, với đa dạng các loại cây trồng. Như ông Lê Hữu Tài đã chuyển đổi 2.000m2 đất trồng lúa sang trồng sen.
Hiện, ông Tài đã lên vườn trồng dừa xiêm đỏ và chuối. Ông Tài cũng tận dụng diện tích đất mặt ao trống để trồng thêm bông súng, 2 bờ mương trồng bông điên điển Thái. Nhờ vậy, trong thời gian chờ đợi nguồn thu từ cây dừa, ông Tài đã có thu nhập mỗi ngày từ bông điên điển, bông súng.
“Nhiều bà con xung quanh lên vườn trồng cây ăn trái có hiệu quả, xen canh nhiều loại cây ngắn ngày nên tôi mạnh dạn làm theo. Lúc trước, nhà có 2.000m2 đất trồng lúa, thu nhập không được bao nhiêu, cuối vụ may mắn lắm đủ trả tiền phân bón. Hiện giờ, cây dừa đang lớn, nhưng thu hoạch từ chuối, bông điên điển, bông súng đã thấy đỡ hơn làm ruộng” - ông Tài chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Phạm Văn Minh, từ phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng xen canh các loại cây ăn trái, hoa màu trên địa bàn xã ghi nhận được hiệu quả kinh tế.
Trước khi chuyển đổi canh tác, nông dân luôn chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình trồng xen canh hiệu quả đã làm trước.
Thấy được nhu cầu của nông dân, địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn, kỹ thuật làm vườn, trồng cây ăn trái cho bà con cùng tham gia học tập. Qua đó, giúp cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi, triển khai ứng dụng hiệu quả trên chính mô hình của mình. Tại ấp Bình Phú 2 đã thành lập 1 tổ hợp tác trồng cây ăn trái, với 15 thành viên, đều là nông dân ở địa phương.
Theo ông Minh, các mô hình chuyển đổi cây trồng của nông dân rất đa dạng, xen canh nhiều loại cây trồng, từ mít Thái, dừa, cà na, ổi, bông điên điển Thái… Bước đầu cho hiệu quả kinh tế khả quan, nhờ vậy mà đời sống nông dân được cải thiện. Hiện tại, địa phương đã và đang thành lập các tổ hợp tác để tập hợp nông dân cùng tham gia sản xuất.
"Khi tham gia tổ hợp tác, nông dân sẽ nhận được hỗ trợ nhiều hơn từ vốn sản xuất, cũng như dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong quá trình canh tác, cho đến việc giới thiệu nông sản. Bên cạnh đó, địa phương đã tham gia sàn giao dịch nông sản điện tử của huyện Châu Thành nên đầu ra cho nông sản mà nông dân ở địa phương đang canh tác sẽ ổn định hơn” - ông Minh thông tin thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.