Chồng mất sớm, chị Đặng Thị Thanh (xã Khánh Vân, huyện Hiệp Hòa), một mình gánh vác việc nhà, lo cho 5 miệng ăn. Vất vả quanh năm, nhưng gia đình chị vẫn không đủ ăn. Năm 2006, Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Hòa cho chị vay 10 triệu đồng.
|
Bà Nguyễn Thị Nhung vay vốn ngân hàng đầu tư nuôi vịt đẻ. |
Chị Thanh tâm sự: "Nhà tôi có 7 sào ruộng, làm loáng một cái là xong, nhưng chỉ trông vào đồng ruộng thì cơm ăn còn đứt bữa nói gì tới lo cho các cháu đi học. Được Ngân hàng CSXH cho vay vốn, tôi đầu tư nuôi lợn, gà… Nhờ đó mà tôi có tiền nuôi 4 con ăn học".
Chị Thanh cho biết thêm: “Một cháu nhà tôi vừa tốt nghiệp đại học, một cháu học nghề, hai cháu đang học cấp ba. Cháu tốt nghiệp đại học đã đi làm, mẹ con tôi đang cố gắng dành dụm tiền để trả nợ ngân hàng".
Trước đây, gia đình anh Nguyễn Trường Thinh (xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa) năm nào cũng bị xếp vào diện những hộ nghèo nhất thôn. Năm 2006, Ngân hàng CSXH huyện cho vay 8 triệu đồng, anh đầu tư vào trồng bưởi. “Không ngờ trồng bưởi lại cho thu nhập khá cao. Sau 6 năm, kinh tế của gia đình không những ổn định mà còn dư dả để xây được nhà”- anh Thinh chia sẻ.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Nhung (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa) nuôi vịt, nhưng lúc nhiều nhất cũng chỉ có hơn chục con. Năm 2008, gia đình được Ngân hàng CSXH cho vay 20 triệu đồng, bà dành 10 triệu đồng mua vịt giống, số tiền còn lại mua máy ấp vịt giống. Do được chăm sóc cẩn thận, lúc nào đàn vịt của gia đình bà cũng có vài trăm con, cung cấp vịt giống cho các hộ quanh vùng.
Tính đến hết tháng 6.2012, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Hòa là 306 tỷ đồng với 19.042 hộ vay. Trong đó, cho vay học sinh, sinh viên là 172 tỷ đồng với 8.776 hộ; cho vay hộ nghèo 107,6 tỷ đồng với 11.141 hộ; cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn 10,9 tỷ đồng với 2.085 hộ.
Anh Bùi Văn Báo (xã Huyền Sơn, Lục Nam) cũng là một trong những hộ đã thoát nghèo nhờ đồng vốn Ngân hàng CSXH. Năm 2007, được Ngân hàng CSXH Lục Nam cho vay 27 triệu đồng, anh tập trung vào nuôi hươu,
Anh Báo tâm sự: "Nếu không được vay vốn ưu đãi, tôi không thể có đàn hươu này. Trước đây, gia đình tôi trong cảnh chạy ăn từng bữa, nhiều khi đi 5-6 nhà mới vay được ít gạo nấu cơm. Từ ngày nuôi hươu, nhà tôi thùng gạo lúc nào cũng đầy. Không những vậy, vợ chồng tôi không phải chạy vay tiền đóng học cho các cháu nữa...”.
Theo ông Ngô Gia Quát - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Bắc Giang, hầu hết các hộ được vay vốn đều làm đồng vốn sinh lời. Kết quả này là nhờ thực hiện tốt chương trình ủy thác giữa ngân hàng với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…".
Trung Chính
Vui lòng nhập nội dung bình luận.