LTS: Từ
thuở sơ khai lập quốc cho đến ngày nay, võ thuật Việt Nam không ngừng phát
triển, hấp thụ tinh khí trời đất, vượng khí quốc gia để sáng tạo nên những môn
phái lẫy lừng, ngoài ra còn giao lưu với nhiều môn phái của các quốc gia lân
cận để từ đó hun đúc nên một nền võ thuật đa dạng, góp phần trong việc dựng
nước, giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Bên cạnh đó, võ Việt cũng làm nổi bật tinh thần thượng võ, đạo đức cao cả của dân tộc Việt.
Bài 1: Phát triển cùng dòng chảy lịch sử dựng
nước, giữ nước
Nhìn vào địa thế, lịch sử của Việt Nam, các quốc
gia lân bang thường xuyên có sự tranh chấp, xâm lược, chúng ta thấy ngay nhu cầu
tranh đấu để tồn tại bao giờ cũng được xếp hàng đầu, để hình thành và kiện toàn
một nền võ học dân tộc.
Với lịch sử hơn bốn ngàn năm dựng nước và giữ
nước, nền võ học Việt đã trải qua bao thăng trầm, thậm chí có lúc suy tàn bởi những định
chế cấm đoán nghiêm ngặt của các triều đình Bắc thuộc. Tuy nhiên sau đó nó lại
bùng phát mạnh mẽ bởi các cuộc nổi dậy đánh đuổi ngoại xâm của cha ông. Theo
thời gian hình thành nên một nền võ Việt vô cùng đa dạng, phong phú, đề cao
tinh thần thượng võ.
Các
thế võ của bài Hùng Kê quyền trứ danh do Nguyễn Lữ- người em út của Tây Sơn Tam
kiệt sáng tạo- được cố võ sư Ngô Bông (Quảng Ngãi) biểu diễn tại Liên hoan võ
thuật truyền thống thế giới Chungju (Hàn Quốc) năm 2004. (nguồn Thanhnien).
Cũng bởi quá trình phát triển thăng trầm và trải
dài như vậy, nên trong khuôn khổ của một bài viết không thể đăng tải hết tường
tận lịch sử phát triển võ Việt qua từng thời kỳ mà các bậc tiền nhân đã dày
công tìm hiểu, ghi chép lại. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại những thời điểm quan
trọng, mang tính điểm nhấn của quá trình phát triển võ Việt.
Theo các chuyên gia nghiên cứu lịch sử võ thuật, 10
thời kỳ võ học Việt được quy định và phân biệt theo các mốc lớn của quốc
gia:
Thời huyền sử: Chế độ thị tộc (2879-111 tr. CN;
Thời Bắc thuộc (111 tr. CN – 906); Thời kỳ lập quốc Ngô, Đinh, Tiền Lê
(906-1009); Thời kỳ Lý, Trần (1010-1341); Thời kỳ trung suy: Trần mạt, Hồ, Minh
thuộc (1341-1427); Thời kỳ phục hưng: Hậu Lê, Mạc (1427-1540); Thời kỳ
Trịnh-Nguyễn phân tranh (1540-1802); Thời kỳ thống nhất: Hậu Nguyễn (1802-1883);
Thời kỳ Pháp thuộc (1883-1945); Thời kỳ hiện kim (1945 tới nay).
1. Võ học thời huyền sử - Chế độ thị tộc (2879-111
tr. CN):
Võ học trong thời huyền sử đã đi từ đơn đấu đến quần đấu, rồi thâm
nhập vào binh pháp. Hiện tượng này khởi đầu bằng những cuộc giao đấu cá nhân
(như truyền thuyết Lạc Long Quân đánh Ngư Tinh, Sơn Tinh đấu với Thủy Tinh)
chuyển sang trường hợp "nhất hổ địch quần hồ" theo lối Phù Đổng Thiên
Vương phá giặc Ân, rồi mới tới trình độ đưa võ học vào binh pháp như các trận
đánh của An Dương Vương... Nhưng nhìn chung vẫn mang tính truyền thuyết, phi
thực tế.
2. Võ học thời Bắc thuộc (111 tr. CN. - 906):
Trong thời kỳ này, 2 phát kiến mới được hình
thành: Quần chúng bị áp bức, thường có xu hướng hâm mộ những vị anh hùng đã
giải thoát họ, như những vị hiệp sĩ, nữ kiệt và võ dũng, mở đầu cho sự kết hợp
những lực lượng chống ngoại xâm.
Nhân vật điển hình trong thời kỳ này đều là
những bậc võ dũng và có tài lãnh đạo quần chúng, như Triệu Quang Phục, Trưng Nữ
Vương, Triệu Trinh Nương, Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương...
Xu hướng phát triển chiến pháp “du kích chiến” và
chiến pháp “lấy yếu chống mạnh, lấy ngắn chống dài” do các lực lượng nghĩa binh
được kết hợp để chống quan quân nhà Hán. Triệu Quang Phục, người rút quân về
Bãi Sậy (Hưng Yên) chống quân Hán được coi như vị thủy tổ du kích chiến của
Việt Nam.
3. Thời kỳ lập quốc (906-1009):
Thời kỳ này bắt đầu từ họ Khúc (Khúc Thừa Dụ) dấy
nghiệp tới chấm dứt nhà Tiền Lê khi võ học đã thâm nhập hẳn vào binh pháp và
trở thành một yếu tố quyết định trong sự thành lập và duy trì sự tồn tại của
quốc gia.
Tinh thần thành lập quốc gia được phôi thai từ họ
Khúc, được thử thách quyết định bằng trận Bạch Đằng Giang năm 931 của Ngô Quyền
đại phá quân Nam Hán, và quốc gia trước nguy cơ sụp đổ vì nạn "Thập nhị Sứ
quân" thì được Đinh Bộ Lĩnh dẹp tan và thống nhất lại quốc gia.
Võ học hội nhập vào binh pháp trong thời kỳ này
đã được nâng cao và phát triển mạnh mẽ về phương diện: Thủy chiến (thời Ngô
Quyền), Bộ chiến (thời Đinh Bộ Lĩnh), Lâm chiến (thời Đinh Bộ Lĩnh-Lê Hoàn), Phối
hợp tác chiến thủy bộ (Ngô Quyền-Đinh Bộ Lĩnh), Tổ chức quân đội (thời Đinh:
mỗi "Đạo" quân gồm 100.000 binh sĩ. Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn chỉ
huy 10 "Đạo", là 1 triệu quân).
Công
phu đặc dị của các môn sinh môn phái võ thuật cổ truyền Bình Định gia.
4. Võ học trong thời kỳ Lý –Trần (1010-1341):
Trong
suốt hai thời kỳ nhà Lý và nhà Trần từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14, Phật giáo trở
thành Quốc giáo. Những phương thức nghiêm ngặt nhằm tự kiểm soát, hoàn thiện
mình và rèn luyện những bí kíp về thần, khí, ý, lực đã giúp các nhà sư không
chỉ am tường tôn giáo mà còn rất giỏi võ.
Thời Lý, các nhà sư thường tổ chức lễ
hội ở chùa chiền và đền miếu, nơi có những hoạt động mang đậm tinh thần thượng
võ như đấu vật và tỉ thí võ nghệ tay không hoặc có binh khí.
Thời kỳ của 2 triều đại Lý-Trần, đã phát huy võ
học không những len vào mọi tầng lớp xã hội, mà còn phát huy cả ý thức dụng võ
bằng tinh thần Phật giáo đời Lý và tinh thần Tam giáo đời Trần, vào cả những
công cuộc chống xâm lăng, bình định nội loạn, khẩn hoang lập ấp, và mở rộng
lãnh thổ.
Ý thức dụng võ nâng cao thành tinh thần thượng võ
được khuyến khích triệt để trong mọi tầng lớp xã hội bằng các sự việc: Tại kinh
đô, có Giảng Võ Đường thành lập song hành với Quốc Học Viện, để đào tạo những
nhân tài "văn võ kiêm toàn". Công chúa, phi tần, công tử, văn quan,
thứ dân đều phải cưỡng bức học võ (múa gươm, cưỡi ngựa). Mỗi vị võ dũng hữu
trách đều phải chiêu mộ dân chúng khẩn hoang lập ấp.
Binh pháp Lý Thường Kiệt chủ về công, binh pháp
Trần Hưng Đạo chủ về tự vệ, được phát huy rộng rãi, làm nền tảng cho binh pháp
học Việt Nam. Các chiến công lừng lẫy của Lý Thường Kiệt chống Tống và Trần
Hưng Đạo chống Nguyên Mông đã làm các nước lân bang kính nể, tạo được một thời
kỳ ổn định, kiến thiết và phát triển lâu dài.
5. Thời kỳ trung suy: Trần mạt, Hồ, Minh thuộc
(1341-1427):
Võ học dân dã lần lần thay thế hẳn võ học quý tộc
trong mọi trách vụ quốc gia: Trong thời kỳ Minh thuộc, hệ thống võ học quí tộc
tại các vùng thị trấn bị hoàn toàn tiêu diệt, và quan quân nhà Minh triệt để
cấm dân chúng học võ bằng cách kiểm tra dân số, bắt đeo "hộ thiếp",
nhưng võ học dân dã vẫn phát triển, qua các tổ chức huấn luyện võ tại các địa
điểm bí mật.
6 . Võ học trong thời kỳ phục hưng đất nước
(1427-1540):
Thời kỳ này khởi đầu từ nhà Lê, và chấm dứt năm
1540 (Nguyễn Kim phù Lê diệt Mạc).
Sau khi đại thắng quân Minh lên nắm chánh quyền,
Bình Định Vương Lê Lợi chú trọng đặc biệt tới việc phát triển võ học tại dân
dã, bằng cách tổ chức các khoa thi "Minh Kinh khoa" cả văn lẫn võ để
tuyển dụng nhân tài võ học văn văn học.
Cưỡng bức học võ: Các khoa "Minh
Kinh khoa" cũng đặc biệt áp dụng cho cả quan văn từ hàng tứ phẩm trở
xuống, phải trúng tuyển mới được lưu dụng.
7. Võ học trong thời kỳ Trịnh- Nguyễn phân tranh
(1540-1802):
Thời kỳ này khởi đầu từ năm Nguyễn Kim khởi nghĩa
mở đầu tình trạng phân ly Lê-Mạc, rồi Trịnh-Nguyễn, tới nhà Tây Sơn và chấm dứt
vào năm 1802, khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) thống nhất lãnh thổ.
Võ học quý tộc thời kỳ này được phục hồi và phát
triển song song với võ học dân dã. Các danh tướng của các bên đối địch đều xuất
thân từ cả 2 hệ thống võ học trên.
Võ học dân dã đã có lúc lấn lướt võ học quý tộc
(nhà Tây Sơn đuổi Nguyễn, dẹp Trịnh), với các danh tướng xuất thân từ võ học
dân dã như 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ, danh tướng Trần Quang
Diệu, Bùi Thị Xuân…, nhưng vì vua Quang Trung đột ngột qua đời, nên chúa Nguyễn
Ánh (Gia Long), với các danh tướng xuất thân từ võ học quý tộc, đã phục thù
được và thống nhất lãnh thổ.
8. Võ học trong thời kỳ 1802-1883:
Thời kỳ này khởi đầu từ khai nguyên nhà Nguyễn
bởi Gia Long lập nên, tới năm chính thức đặt chế độ Pháp thuộc. Các vua chúa
triều Nguyễn không khuyến khích võ học dân dã phát triển. Các chức võ quan bị
đặt dưới các chức văn quan, tạo thành một quan niệm đặc biệt "trọng văn
khinh võ".
Tuy có triều đình có tổ chức các kỳ thi võ nhưng
thời kỳ này võ học suy yếu do chính sách bế quan toả cảng, vua chua trọng văn
thơ, phải dùng văn quan chỉ huy binh sĩ (Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản...) nên
thiếu khả năng đấu tranh chống ngoại xâm khi quân Pháp tấn công.
Quan niệm
"trọng văn khinh võ" đã đưa quốc gia tới tình trạng suy sụp, mở đầu
thời kỳ Pháp thuộc.
9 . Võ học trong thời Pháp thuộc (1883-1945):
Trong thời kỳ này, võ học không còn được coi là
một ngành học quan yếu cho sự sinh tồn của quốc gia, mà chỉ còn được coi là một
ngành thể thao có tính cách giải trí.
Chính sách ngu dân (phong trào lãng mạn, rượu ty,
thuốc phiện…) đã làm suy nhược tinh thần người Việt, để làm tê liệt hay suy
giảm tinh thần và khả năng đề kháng.
Thời Cần Vương trở đi, tự ái võ học dân tộc bùng
dậy, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám nổ ra. Người
Việt bắt đầu "về nguồn" võ học và hình thành một nền võ đạo Việt Nam
vào năm 1938, gọi là Vovinam - Việt Võ Đạo do võ sư Nguyễn Lộc sáng lập, nâng
cao tinh thần ái quốc và cứu quốc của người Việt.
10. Võ học thời kỳ 1945 tới nay:
Thời kỳ này bắt đầu từ 1945, võ học tân tiến dân
tộc sau khi hình thành từ 1938 đã phát triển mạnh trong các ngành sinh hoạt xã
hội, nâng cao giá trị võ học từ một bộ môn thể thao giải trí lên võ đạo (1968),
với danh xưng Việt Võ Đạo.
Song song với Việt Võ Đạo, các môn phái võ đạo du
nhập cũng hoạt động và phát triển mạnh: Nhu Đạo (Judo) từ 1946, Không Thủ Đạo
(Karatedo) từ 1954, Túc Quyền Đạo (Taekwondo) từ 1964, gây một tinh thần hiếu
võ sôi nổi trong các tầng lớp xã hội, cùng với các môn võ khác như Yoga, Aikido
(Hiệp Khí Đạo)...
Tinh thần võ đạo đã được biểu hiện trong nhiều
ngành sinh hoạt xã hội như cứu trợ nạn nhân chiến họa, nạn nhân bão lụt, khẩn
hoang lập ấp, và đặc biệt được huấn luyện và sử dụng cho lực lượng trinh sát,
đặc công trong các trường hợp cận chiến trên chiến trường Việt Nam.
-------------
Còn nữa
Chu Hồng Châu (tổng hợp từ voer.edu.net, wikipedia) (Chu Hồng Châu (tổng hợp từ voer.edu.net, wikipedia))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.