Trồng rừng gỗ lớn ở Phú Thọ, nông dân có thêm việc làm, thu nhập tăng, môi trường tốt lên

Hoan Nguyễn Thứ bảy, ngày 19/11/2022 05:22 AM (GMT+7)
Tại Phú Thọ, chuyển hóa rừng gỗ lớn đang là hướng đi mới, hiệu quả, vừa tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, vừa giảm xói mòn, rửa trôi đất và chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Bình luận 0

Trồng rừng gỗ lớn thu lợi lớn

Tỉnh Phú Thọ có hơn 137.000ha diện tích rừng trồng sản xuất. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện thành công nhiều mô hình chuyển đổi trồng rừng gỗ dăm sang mô hình trồng rừng kinh doanh gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC). Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Hiệu quả từ việc trồng các cánh rừng gỗ lớn ở Phú Thọ - Ảnh 1.

Hiện rừng cây keo của ông Đỗ Quốc Thuận có đường kính từ 25-30cm bán được từ 2,3-2,5 triệu đồng/m3 gỗ. Ảnh: Nguyễn Chương

Ông Đỗ Quốc Thuận (khu Đồng Phú, xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, từ năm 2003, gia đình ông đã triển khai trồng rừng gỗ lớn nhằm phục vụ vùng nguyên liệu chế biến và xuất khẩu. Qua quá trình triển khai mô hình, ông nhận thấy rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với rừng gỗ nhỏ.

Hiện ông Thuận có gần 200ha rừng trồng sản xuất, phần lớn là rừng gỗ lớn. Bình quân, mỗi năm ông Thuận thu nhập hơn 2 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.

"Nếu trồng rừng gỗ nhỏ thì chỉ dùng làm gỗ dăm hoặc nguyên liệu giấy. Giá bán được khoảng 1 triệu đồng/m3, mà cứ 5 - 6 năm là phải dốc vốn liếng để đầu tư cho chu kỳ mới.

Trong khi đó, trồng cây gỗ lớn để lấy gỗ xẻ phục vụ chế biến thì mình nuôi càng lâu, đường kính thân cây càng lớn càng được giá, bởi từ năm thứ 5 và năm thứ 8, cây rừng có sự sinh trưởng, phát triển mạnh. Hiện cây có đường kính từ 25-30 cm bán được từ 2,3-2,5 triệu đồng/m3 khối gỗ, chưa kể chỉ đầu tư vốn, giống để trồng một lần nên giá trị kinh tế vừa cao hơn vừa góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường" - ông Thuận nói.

Theo ông Trương Quang Đăng, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Thọ), so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chuyển hóa rừng gỗ lớn hiện là hướng đi mới, đúng đắn, là xu hướng tất yếu của ngành lâm nghiệp tỉnh nhà.

Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, trồng rừng gỗ nhỏ 7 năm tuổi khai thác, cho năng suất 80m3, lợi nhuận đạt 6 triệu đồng/ha/năm. Nhưng trồng, chuyển hóa gỗ lớn 11 năm cho năng suất 150m3, lợi nhuận đạt 12 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả từ việc trồng các cánh rừng gỗ lớn ở Phú Thọ - Ảnh 2.

Lực lượng kiểm lâm huyện Yên Lập đi cơ sở để vận động nhân dân chuyển hóa rừng trồng cây gỗ lớn. Ảnh: Hoan Nguyễn

"Bên cạnh đó, trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng.

Đặc biệt, trồng rừng gỗ lớn còn hạn chế việc doanh nghiệp thu mua ép giá, tạo vùng nguyên liệu tập trung, góp phần bảo đảm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Đồng thời, chống biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái" - ông Đăng nhấn mạnh.

Giúp người dân yên tâm trồng rừng gỗ lớn

Tính riêng năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tỉnh Phú Thọ đã phát triển thêm 4.885,6ha rừng gỗ lớn. Trong đó, trồng mới là 4.348,4ha, chuyển hóa rừng gỗ lớn 537,2ha; đưa tổng diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh lên 11.799,6ha.

Phú Thọ cũng là một trong những tỉnh đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC cho các tổ chức, mô hình nhóm hộ gia đình. Đến nay, diện tích được cấp chứng chỉ FSC tại Phú Thọ là 17.766,5ha.

Hiệu quả từ việc trồng các cánh rừng gỗ lớn ở Phú Thọ - Ảnh 3.

Tỉnh Phú Thọ phấn đấu mỗi năm trồng và duy trì 2.200ha rừng gỗ lớn, từ năm 2025 trở đi duy trì tổng diện tích 20.000ha rừng sản xuất gỗ lớn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Để gia tăng diện tích trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp như: Nhân rộng và phát triển các mô hình liên kết sản xuất với mục tiêu gắn kết chặt chẽ sản xuất với thị trường; tăng cường vận động tuyên truyền và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo hình thức liên doanh, liên kết, từng bước hình thành vùng sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng tập trung để tạo điều kiện thuận lợi khi đánh giá, cấp chứng chỉ FSC...

Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ ban hành cơ chế cụ thể để hỗ trợ người dân chuyển hóa rừng gỗ lớn với tổng mức hỗ trợ 12 triệu đồng/ha đối với rừng trồng keo tai tượng và có cam kết khai thác sau 10 năm tuổi của các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình.

Biện pháp này là cú hích, có ý nghĩa quan trọng góp phần giải quyết các khó khăn về vốn để người làm lâm nghiệp chuyển từ "làm ăn nhỏ" sang "làm ăn lớn".

Mục tiêu của ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là giữ ổn định độ che phủ rừng đạt 38,8%; thúc đẩy trồng, chuyển hóa đạt 20.000ha rừng cây gỗ lớn (trồng mới 15.350ha, chuyển hóa 4.650ha); hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng bền vững FSC cho 25.000 ha rừng; sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng đạt 3.500m3; năng suất rừng trồng đạt 15m3/ha/năm.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Phú Thọ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mô hình trồng rừng gỗ lớn tại nhiều địa phương.

Để đồng hành với người dân triển khai mô hình, ngành nông nghiệp triển khai các dự án hỗ trợ người dân như: Thực hiện các mô hình sinh kế dưới tán rừng; xây dựng vườn ươm keo nuôi cấy mô; mở các lớp tập huấn trồng rừng…

Tuy nhiên, để mô hình được triển khai rộng khắp cần có sự đồng hành của các cấp chính quyển địa phương và các ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân nguồn vốn vay để bà con yên tâm bước vào sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem