Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Từ "lượng" sang "chất": Nâng tầm nông thôn mới (Bài 1)

Hoàng Hữu Thứ sáu, ngày 01/12/2023 15:51 PM (GMT+7)
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tỉnh Yên Bái đang tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng chuyển từ “lượng” sang “chất”, bền vững, toàn diện và có chiều sâu.
Bình luận 0

Ngược dòng sông Hồng đến các xã nông thôn mới (NTM) của huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái như: Xã Nga Quán, Việt Thành, Đào Thịnh, Báo Đáp, Quy Mông, Y Can, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt trong diện mạo làng quê. Khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Trấn Yên có xuất phát điểm thấp, bình quân mỗi xã chỉ có 4- 5 tiêu chí, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 30%...

Đến nay, Trấn Yên đã xây dựng được 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 10 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao và 114 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn Trấn Yên đã thay đổi căn bản, hệ thống cơ sở hạ tầng được hoàn thiện đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 

Đặc biệt, với quan điểm xây dựng NTM không chỉ là nâng cấp về cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, hiện đại mà hơn hết phải là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân.

Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Từ "lượng" sang "chất" Bài 1: Nâng tầm nông thôn mới - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) thăm mô hình phát triển kinh tế trồng thanh long của nông dân. Ảnh: PV.

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Huyện chỉ đạo mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết bền vững trong sản xuất như vùng tre Bát độ, vùng quế, vùng chè chất lượng cao, vùng trồng dâu, đặc biệt là vùng trồng cây ăn quả có múi trên 1.260 ha tại các xã phía Tây. 

Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với NTM tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả các sản phẩm chủ lực. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Trấn Yên ước đạt 54,6 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,52%".

Thành công trong công tác xây dựng NTM ở huyện Trấn Yên đã khơi dậy, tạo động lực đưa xây dựng NTM trở thành phong trào sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Tại huyện Văn Yên, qua gần 13 năm thực hiện, đến nay đã có 18/24 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 30 thôn đạt chuẩn NTM và 55 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 

Từ xây dựng NTM, diện mạo nông thôn của huyện Văn Yên có bước chuyển mình rõ nét, an sinh xã hội bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao, kinh tế nông thôn có bước chuyển dịch tích cực và phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các thành phần kinh tế, các ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn phát triển mạnh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Về xã vùng cao Châu Quế Thượng (huyện Văn Yên) hôm nay, ai cũng dễ nhận thấy những đổi thay của miền quê núi này với những con đường bê tông rộng rãi, cơ sở hạ tầng khang trang, những ngôi nhà cao tầng san sát… Bà Đinh Thị Châm - Trưởng thôn Đồng Tâm cho biết: "Từ năm 2020, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, cuộc sống của người dân thôn Đồng Tâm được nâng lên trông thấy, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. 

Người dân ai nấy đều vui mừng phấn khởi bởi diện mạo của thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp". Đến cuối năm 2022, xã Châu Quế Thượng đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, về đích theo đúng kế hoạch.

Bà Đinh Thị Hồng Loan - Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng cho biết: "Để người dân hiểu rõ xây dựng NTM là nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người dân nên xã chú trọng công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị cấp xã, cấp thôn. 

Từng đoàn thể trong xã được giao triển khai những công việc cụ thể và coi đó là nhiệm vụ chính trị, như: Hội Nông dân triển khai phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; Hội Phụ nữ xã đẩy mạnh thực hiện phong trào "5 không, 3 sạch", giúp nhau làm kinh tế, vận động hội viên thu gom rác thải, cải tạo vườn tạp, trồng hoa ven đường; Đoàn Thanh niên xã đã phát huy được tính xung kích đi đầu trong bảo vệ an ninh, tham gia phát triển các mô hình kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư...". 

Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 12,93 %; thu nhập bình quân đầu người đạt 40,77 triệu đồng/người/năm.

Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Từ "lượng" sang "chất" Bài 1: Nâng tầm nông thôn mới - Ảnh 2.

Bộ mặt Nông thôn mới ở thôn Đồng Tâm, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: PV.

Nói về những đổi thay từ xây dựng NTM, ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: "Có thể nói, ngoài những thay đổi rất lớn về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn, đời sống và thu nhập của người dân được nâng lên, cái được lớn nhất trong xây dựng NTM đó là thay đổi nhận thức của người dân. 

Từ chỗ trông chờ, ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ của Nhà nước thì người dân đã chủ động tham gia, góp công, góp của để cùng Nhà nước chung sức xây dựng NTM. 

Bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi căn bản so với trước khi triển khai chương trình, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững".

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp tỉnh Yên Bái, đến nay toàn tỉnh Yên Bái hiện có 100 xã/150 xã đạt chuẩn NTM (trong đó, có 13 xã thuộc khu vực III); 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 6 xã NTM kiểu mẫu; 75 thôn đạt chuẩn thôn NTM, 191 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã có 91/150 xã, đạt 60,7% số xã đạt tiêu chí số 1 về Quy hoạch thuộc Bộ tiêu chí về xã NTM (dự kiến hết năm 2023 có 98/150 xã, đạt 65,3%); 102/150 xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học và 118/150 xã đạt chuẩn tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo; 114/150 xã đạt tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hoá; 126/150 xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông; 80/150 xã đạt tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm. 

Cùng với đó, toàn tỉnh đã có 105/150 xã đạt tiêu chí số 10 về thu nhập; 114/150 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động; 93/150 xã đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Từ "lượng" sang "chất" Bài 1: Nâng tầm nông thôn mới - Ảnh 3.

Xã Mường lai, huyện Lục Yên là xã thứ 100 của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: PV

Các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng NTM; trong phát triển sản xuất đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ; trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; chủ động triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: Tiêu chí môi trường, tiêu chí về xóa đói giảm nghèo, tiêu chí về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, tiêu chí về xây dựng thôn, bản văn hóa... 

Thông qua xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân dần được cải thiện, an ninh chính trị được giữ vững; công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của các cấp luôn thường xuyên, liên tục; nhận thức của người dân đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào xây dựng NTM tại địa phương.

Ông Nhâm Xuân Trường - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM của tỉnh cho biết: "Tỉnh sẽ tiếp tục triển khai chương trình NTM này gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. 

Bên cạnh việc thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, tỉnh tập trung tuyên truyền, quán triệt sâu kỹ đến các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là Chương trình "chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc". Từ đó sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt thông qua chương trình, kế hoạch thật cụ thể, đề ra chỉ tiêu và mốc thời gian hoàn thành. Cùng với đó, phải tìm cách huy động mọi nguồn lực để triển khai chương trình, trong đó, việc phát huy nội lực trong chính người dân, địa phương là yếu tố then chốt dẫn tới thành công".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem