Xôi ngũ sắc của người Thái

Thứ sáu, ngày 31/01/2014 08:18 AM (GMT+7)
Với 5 màu rực rỡ, đều được chế từ rau, quả, củ vừa ngon, bổ, rẻ mà lại an toàn, xôi ngũ sắc của người Thái ở Sơn La là một nét văn hoá ẩm thực độc đáo đi liền với văn hoá lễ hội, quan niệm nhân sinh.
Bình luận 0
Trong kho tàng văn hoá đặc sắc của người Thái,văn hoá ẩm thực là một khối giá trị đồ sộ với những món ăn vừa dân dã, vừa độc đáo, lại ngon, bổ rẻ. Xôi ngũ sắc chính là một trong những nét đặc sắc ấy, gắn liền với đời sống tâm linh, nhân sinh quan, thế giới quan của người Thái vùng Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng.
img

Đẹp và thiêng liêng

Xôi có 5 màu: Trắng nguyên thuỷ của gạo nếp và các màu vàng, xanh, đỏ, tím. Các màu này tượng trưng cho: Sức khoẻ, tiền tài, hạnh phúc, môi trường sống, sự thuỷ chung. Mâm xôi ngũ sắc thường được bày ở trung tâm mâm cỗ. Các nắm xôi được bày bên nhau theo kiểu quần tụ hoặc xếp thành núi, xếp thành 5 cánh hoa ban bày trên lá cây (trước đây) hoặc kết đĩa vòng tròn (bây giờ).

Theo ông Lò Văn Sơn (90 tuổi), già bản đất Phiêng Pằn, huyện Mai Sơn, Sơn la thì việc kết xôi ngũ sắc còn mang khát vọng đại đoàn kết các dân tộc anh em của người Thái ở Sơn La, Tây Bắc. “Người Thái là dân tộc luôn sống quần tụ thành những bản làng đông đúc, bên những phiêng bãi, khe sông suối; chấp nhận sẻ chia quyền lợi cùng các bản khác, dân tộc khác về nguồn nước, cây rừng để tăng tình đoàn kết, tạo thành sức mạnh chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc” - ông Sơn tâm sự.

Xôi tam sắc được sử dụng thông dụng hơn  trong những dịp vui: Hỏi, cưới, nhà mới...
Xôi tam sắc được sử dụng thông dụng hơn trong những dịp vui: Hỏi, cưới, nhà mới...

Chính bởi ý nghĩa thiêng liêng của xôi ngũ sắc nên món ăn này chỉ được dân bản chế ra nhân những dịp lễ hội lớn: Ngày tết, lễ hội Hoa ban, Xam xíp, Xên lẩu nó, cúng vào mùa, vui cơm mới... Việc làm xôi ngũ sắc được lựa chọn cẩn thận ngay từ khâu đầu: Lựa người làm. Người làm xôi ngũ sắc phải là phụ nữ trung niên trở lên, khéo tay, cẩn thận và là người có gia đình hạnh phúc. Khâu chọn gạo nếp làm nguyên liệu cũng rất quan trọng, thường là phải nếp tan nhe hoặc nếp Mường Chanh, nếp thơm Mường Tấc. Gạo được đem ra lựa chọn bỏ những hạt gãy, hạt nhỏ, bạc bụng... nhằm làm cho đĩa xôi khi đồ lên có các hạt xôi đều nhau, đẹp mắt hơn.

“Ngày nay việc làm xôi ngũ sắc đơn giản hơn vì có nhiều loại gạo, có nhiều loại màu nhưng với người Thái thì xôi ngũ sắc vẫn là một lễ vật nông sản đặc sắc, linh thiêng và mang đậm nét văn hoá từ ngàn đời xưa, đáng để lưu truyền lại cho con, cháu sau này”.

Bà Lường Thị Hin

Hội tụ hương sắc núi rừng

Khi người phụ nữ chuẩn bị gạo thì đàn ông trong bản cũng chuẩn bị nguyên liệu làm màu. “Trong rừng có đủ các loại cây, quả, củ để tạo các sắc màu mà không gây độc hại, lại đẹp tự nhiên. Người Thái có các loại cây khẩu căm (một loại cây thân mềm, lá nhỏ, mọc thành từng búi) trồng quanh nhà để lấy lá cây làm xôi ngũ sắc.

Thường thì màu tím, vàng, đỏ là dùng 3 loại lá cây khẩu căm ngâm gạo là sẽ được màu; màu xanh phải dùng lá cây gùn-họ nhà cây cỏ, còn màu trắng thì để nguyên gạo, thế là được 5 màu rất đẹp. Cũng có nơi dùng gạo nếp cẩm thay màu tím; dùng gấc hoặc lá rau dền tía thay màu đỏ... Nhưng tóm lại là phải dùng sản phẩm tự nhiên của đất của rừng để tạo màu sắc; vừa nói lên sự phong phú của đất trời, vừa nói lên sự sáng tạo, sự cần cù của người nông dân.

Gạo nếp phải được ngâm với các nguyên liệu gạo màu từ ngày hôm trước để màu ngấm sâu vào hạt gạo, sẽ tươi và đẹp hơn”- bà Lường Thị Hin, 81 tuổi, dân bản Huổi Hin, thành phố Sơn La giảng giải.

Xôi ngũ sắc thường được bày dưới cây nêu, là trung tâm vật tế trong lễ  và trung tâm biểu diễn văn nghệ của hội trong văn hoá dân tộc Thái Sơn La.
Xôi ngũ sắc thường được bày dưới cây nêu, là trung tâm vật tế trong lễ và trung tâm biểu diễn văn nghệ của hội trong văn hoá dân tộc Thái Sơn La.

Khi đồ xôi, căn cứ vào tính chất của lễ hội và số lượng xôi, người ta có thể đồ riêng từng loại màu hoặc đồ chung cả các màu trong một chõ xôi. Chõ xôi của người Thái làm bằng thân cây gỗ mềm, khoét rỗng ruột, đồ xôi vừa dẻo, vừa không nhão lại không bị nóng bỏng tay như đồ kim loại.

Nếu số lượng xôi ít, có thẻ đồ chung một chõ thì người ta thường dùng vỉ (mảnh nan tre đan thành tấm có lỗ thủng để hơi nóng lọt qua) để ngăn cách giữa các lớp xôi, không cho lẫn màu. Nếu số lượng gạo ít hơn thì có thể dùng khung gỗ đã chia thành 5 ngăn như 5 cánh hoa ban để đựng gạo. Loại khung gỗ này còn dùng để đóng cỗ xôi thành hình bông hoa ban ngũ sắc khi bày cỗ.

Xôi tím được nhuộm màu  từ lá cây Khẩu Căm của người Thái ở Sơn La.
Xôi tím được nhuộm màu từ lá cây Khẩu Căm của người Thái ở Sơn La.

Xôi đồ xong phải đổ ra, quạt cho bay hết hơi nước rồi mới đóng cỗ: thành từng nắm tròn, dẹt hoặc hình hoa 5 cánh, hình núi nhiều tầng... Xôi ngũ sắc là trung tâm của mâm cỗ mang theo khát vọng về cuộc sống, ẩn chưa tâm linh của người dân tộc Thái Sơn La. Với loại xôi ngũ sắc này, sau 2-3 ngày ăn vẫn dẻo, vẫn thơm và chẳng bao giờ ngộ độc bởi những nguyên liệu làm ra nó không chỉ “lành tính” mà còn là những vị thuốc dân gian rất tốt cho sức khoẻ.

Kiều Thiện (Trang Trại Việt) (Kiều Thiện (Trang Trại Việt))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem