Giàu nhờ “món quà sáng”
“Với quá trình đô thị hóa đất sản xuất của người dân bị thu hẹp và lượng lao động dư thừa nhiều người dân quay trở lại với nghề truyền thống của cha ông. Ngày trước đồ xôi là nghề phụ thì nay trở thành nghề chính. Cũng chính nhờ nghề này mà nhiều hộ gia đình nơi đây đã xây được nhà, tậu được xe”. Đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Lượng - Giám đốc Hợp tác xã phường Phú Thượng khi được hỏi về sự phát triển của làng nghề.
Chị Nguyễn Thị Tuyến và thúng xôi chuẩn bị đi bán. Bảo Yến
Được sự giới thiệu của ông Lượng, tôi tìm đến gia đình anh Hồ Văn Quang, chị Nguyễn Thị Tuyến. Anh Quang cho biết gia đình đã có truyền thống đồ xôi bán quà sàng hơn 30 năm. Cũng nhờ nghề đồ xôi, hiện anh Quang đã có cơ ngơi khang trang với ngôi nhà 3 tầng đầy đủ tiện nghi hiện đại. Anh Quang cho biết: “Ngày trước nhà tôi chỉ nấu những nồi xôi nhỏ, khoảng 10 - 15kg gạo/ngày. Nhưng từ năm 2004 đến nay tôi nấu khoảng 40 - 45kg gạo/ngày và có những ngày cao điểm thì có thể lên tới 70 – 80 kg gạo”.
Tiếp lời chồng, chị Tuyến vui vẻ khoe: “Mỗi chuyến đi chợ mình cũng có được không dưới 400.000 - 500.000 đồng, mỗi tháng tính bình quân thu nhập nhà mình đạt 10 triệu đồng/người vậy nên thôi không làm ruộng nữa giờ chỉ tập trung vào nghề nấu xôi”. Cũng theo chị Tuyến, không chỉ có thu nhập ổn định mà gia đình chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động với mức lương từ 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình anh Hồ Quang Khải hiện cũng nấu trung bình từ 15 -20kg gạo mỗi ngày, những ngày lễ tết hay khi được đặt hàng thì có thể lên tới 70 - 80kg. Đắn đo khi nói về thu nhập của gia đình, anh cho biết: “Với nghề xôi, tôi được cha mẹ truyền lại cho. Doanh thu không nhiều, bữa ít thì cũng lãi được 10%, còn nhiều thì 20% so với số vốn bỏ ra. Nói chung là cũng đủ ăn đủ tiêu”.
Theo ông Hoàng Văn Lượng: “Hiện nay, phường có khoảng gần 500 hộ làm nghề đồ xôi với thu nhập bình quân khoảng 7-12 triệu đồng/tháng. Bên cạnh nhà anh Quang, anh Khải còn có gia đình bà Mỏng, chị Thúy và rất nhiều hộ khác đang vươn lên có cuộc sống sung túc hơn nhờ những bếp xôi”.
Xôi làng vào… khách sạn
Quan điểm
Bà Hoàng Thị Hà (phố Phùng Hưng, Hà Nội)
Sáng nào các cháu cũng mua quà là xôi Phú Thượng để ăn sáng. Xôi ở đây là xôi quê truyền thống nên rất ngon. Hôm nay nhà có cỗ tôi cũng ra đây mua mấy đĩa về để cúng. Không chỉ tôi mà cả phố này ai cũng thích ăn xôi Phú Thượng”.
Mặc dù hiện nay việc nấu xôi đã đỡ vất vả hơn nhờ những kỹ thuật mới nhưng kinh nghiệm quý báu của cha ông vẫn là thứ quan trọng nhất. Để có được những nắm xôi hương vị thơm dẻo, thu hút được khách hàng là cả sự công phu từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Chị Đặng Thị Thúy – người làm nghề xôi hơn 10 năm nay tại Phú Thượng cho biết: “Chọn nguyên liệu là việc quan trọng hàng đầu, gạo dùng để nấu xôi phải là loại nếp cái hoa vàng; lạc phải chọn hạt to, đều; đỗ phải là nguyên cả vỏ sau đó về mình mới ngâm rồi đãi chứ không dùng đỗ đã bóc vỏ; gấc phải là những quả tươi, chín”.
Cũng theo chị Thúy, nghề đồ xôi đòi hỏi phải có sự chịu khó, cẩn thận và tỉ mỉ. Để có được những nắm xôi sáng ngon dẻo, nóng hổi những người làm nghề phải dậy từ lúc 2 – 3 giờ sáng để đồ. Ngay khi bán hết hàng và đi chợ mua nguyên liệu về là phải bắt tay vào ngâm gạo, đỗ, lạc, chiều lại xóc gạo, rửa lá, đãi đỗ, giã gấc… chuẩn bị trước cho kịp sáng mai. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, một nồi xôi có thể chia thành nhiều loại: Xôi xéo, xôi lạc, xôi ngô, xôi đỗ đen, xôi dừa, xôi gấc, xôi Hoàng Phố, xôi đỗ xanh…
Theo ông Lượng, không chỉ bó hẹp trong những gánh xôi vỉa hè mà xôi Phú Thượng đã có mặt trong các bàn tiệc của những khách sạn, nhà hàng cao cấp như: Sofitel, Hilton, Daewoo... Mỗi lần được đặt hàng, các gia đình nấu xôi phải thức cả đêm để đảm bảo xôi dẻo, thơm ngay cả khi không còn nóng. Những đĩa xôi lúc đó không còn là quà sáng bình dị nữa mà đã trở thành biểu tượng cho ẩm thực Việt.
Làng Phú Thượng nay đã lên phố, nhưng nhiều con em trong làng vẫn tiếp lửa nghề làm xôi của cha ông để lại từ đời này sang đời khác. Cụ bà Công Thị Bội (80 tuổi) cho biết: “Nhà tôi bao đời nay làm nghề nấu xôi. Giờ tôi già rồi không làm nữa nhưng 4 đứa con tôi cũng đang làm nghề cha mẹ để lại. Nghề này tuy vất và nhưng ổn định và thu nhập khá”.
Để động viên con cháu giữ nghề, cụ Bội vẫn thường nhắc: “Xôi Kẻ Gạ có tiếng cả trăm năm nay, các con phải có trách nhiệm duy trì, giữ gìn nghề do cha ông để lại.”
Phú Thượng đã lên phường, cảnh làng quê ngày nào không còn nhưng câu ca dao ngày nào nói về nghề truyền thống của mảnh đất này vẫn luôn đúng: “Làng Gạ có gốc cây đề - Có sông tắm mát có nghề bán xôi”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.