Ngày 24/5, Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CBCC) và Luật Viên chức tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Theo Bộ Nội vụ, đến nay sau hơn 8 năm thực hiện Luật CBCC và hơn 6 năm thực hiện Luật Viên chức, đặc biệt là sau khi có Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4, 5, 6 và 7 khóa XII thì một số quy định của Luật CBCC và Luật Viên chức đã bộc lộ những bất cập, cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đồng bộ với các quy định mới của Đảng. Do đó Bộ Nội vụ đã xây dựng Luật sửa đổi trình ra Quốc hội tại kỳ họp này.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: quochoi)
Dự thảo Luật gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CBCC (sửa đổi 18 điều, khoản); Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức (sửa đổi 11 điều, khoản) và Điều 3 hiệu lực thi hành.
Cụ thể, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có một số điểm mới sau:
1. Không còn chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập
Theo dự thảo, Luật CBCC và Luật Viên chức vẫn quy định công chức bao gồm cả những người làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập. Quy định này trên thực tế đã phát sinh một số vướng mắc. Theo đó, Bộ Nội vụ sửa đổi quy định khoản 2 Điều 4 để thể chế hóa chủ trương "không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ nhà nước" tại Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.
2. Quản lý công chức, viên chức theo vị trí việc làm
Theo Bộ Nội vụ, hiện nay, do chưa xác định rõ việc xây dựng vị trí việc làm là bắt buộc, đồng thời còn có sự đồng nhất giữa vị trí việc làm và biên chế, số lượng người làm việc nên việc triển khai các quy định liên quan đến vị trí việc làm trong thời gian vừa qua gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị sửa đổi quy định tại khoản 3 Điều 7 về vị trí việc làm. Cụ thể, xác định rõ vị trí việc làm là căn cứ để xác định biên chế, thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và trả lương đối với cán bộ, công chức (thực hiện Nghị quyết số 27- NQ/TW về việc trả lương theo vị trí việc làm).
Cán bộ công chức làm việc trên địa bàn Hà Nội. (AMH:. TA)
3. Thêm 2 trường hợp được tuyển dụng thông qua xét tuyển
Trước đây, Luật Cán bộ, công chức quy định chỉ có 1 trường hợp công chức được tuyển dụng thông qua xét tuyển là người đủ điều kiện, cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung thêm 2 trường hợp khác nhằm: Thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; Thu hút người có tài năng.
4. Không khống chế ngạch công chức như hiện tại
Tại khoản 1 Điều 34 của Luật CBCC hiện nay phân loại công chức thành 4 loại theo các ngạch tương ứng: Ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương; ngạch chuyên viên hoặc tương đương; ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên…
Dự thảo đề xuất, Luật CBCC sẽ không khống chế số lượng ngạch công chức từ cao xuống thấp như trước đây mà giao cho Chính phủ quy định cụ thể thứ bậc các ngạch công chức chuyên ngành từ cao xuống thấp để tạo cơ sở thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.
Nhiều điểm mới trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được Bộ Nội vụ trình tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
5. Đánh giá định lượng bằng sản phẩm
Dự thảo kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 29, Điều 56 và Điều 58 về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức để thống nhất với quy định của Đảng về mức phân loại đánh giá; bổ sung quy định đánh giá định lượng, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương, bảo đảm xuyên suốt, liên tục, đa chiều, dân chủ, khách quan.
6. Nhiều đối tượng được tiếp nhận vào làm công chức
Ngoài thi tuyển và xét tuyển, dự thảo còn quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có thể tiếp nhận vào làm công chức đối với một số trường hợp như:
- Viên chức đang công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập
- Cán bộ, công chức cấp xã
- Người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nhân dân; người làm công tác cơ yếu…
Đây là nội dung không được đề cập đến trong Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
7. Bỏ hình thức kỷ luật giáng chức
Điều 79 của Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định 6 hình thức kỷ luật đối với công chức, gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức và Buộc thôi việc.
Dự thảo đã sửa đổi lại Điều 79 nêu trên, theo đó bỏ hình thức kỷ luật Giáng chức, chỉ giữ lại 5 hình thức kỷ luật còn lại.
Riêng hình thức cách chức chỉ áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; Hạ bậc lương chỉ áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo.
8. Kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật công chức
Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Dự thảo Luật sửa đổi quy định thời hiệu là 60 tháng; trong khi đó Luật hiện nay chỉ quy định là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
9. Sẽ chỉ xử lý cán bộ nghỉ hưu cấp thứ trưởng trở lên?
Ban soạn thảo xin ý kiến Chính phủ về 2 phương án, cụ thể như sau:
Phương án 1: Quy định xử lý kỷ luật đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức, viên chức.
Phương án 2: Quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương và cấp phó chủ tịch tỉnh và tương đương trở lên ở địa phương có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác nay đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mà không còn là cán bộ, công chức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.