Xua tan cái nóng ngày hè: "Trốn" lên Bảy Núi ăn trái dại mà "đã đời"

Thứ sáu, ngày 06/07/2018 10:16 AM (GMT+7)
Sinh trưởng và phát triển hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên trái trâm, trái trường, trái hồng quân hay trái thị… được xem là món quà của thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng đất Bảy Núi (An Giang).
Bình luận 0

img

Hồng quân được trồng tự nhiên ở vùng Bảy Núi luôn hút khách mua và thưởng thức những ngày hè nắng nóng.

Dọc theo tuyến đường từ UBND huyện Tri Tôn đến xã Cô Tô có hàng trăm gốc trâm rừng cổ thụ mọc tự nhiên theo triền núi, bờ ruộng, không tốn công chăm sóc nhưng vẫn xanh tươi. Cây trâm khoảng 7 năm tuổi mới bắt đầu thu hoạch, tuổi thọ kéo dài đến trên 50 năm. Hàng năm, trâm cho trái từ cuối tháng 3 đến hết tháng 6, trái trâm nhỏ hơi dài, khi mới có trái có màu xanh, già màu đỏ tươi và lúc chín chuyển sang màu tím đen. Trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn vào có vị chua chua, ngọt ngọt và hơi chát, trái càng đen càng ngọt. Đây là loại đặc sản núi rừng luôn hấp dẫn du khách.

img

Đặc sản trái thốt nốt được du khách chọn mua

Cũng như trái trâm, trái trường mọc tự nhiên giữa các tán rừng rải rác khắp núi Cô Tô, núi Dài… nhưng muốn tìm được những cây sai trái phải lặn lội vào sâu trong rừng. Loài cây này phải trên 30 năm mới cho trái. Trái trường chín màu đỏ rất đẹp, trái nhỏ bằng đầu ngón tay cái, có vị chua chua, ngọt ngọt, trái sống chua hơn, càng chín càng có vị ngọt nhiều hơn.

Món này chấm muối ớt là hết sẩy trong cái nóng oi bức của mùa hè vùng Bảy Núi. Anh Nguyễn Lý Duy, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nào, tôi cũng đưa gia đình về An Giang để vía Bà Chúa Xứ núi Sam và chạy qua Tịnh Biên, Tri Tôn để mua thốt nốt và trái trâm rừng vừa ăn, vừa làm quà. Năm nay, thấy trên mạng xã hội giới thiệu ở Tri Tôn có trái trường nên tìm mua ăn thử cho biết…”.

img

Trái trâm rừng ở Bảy Núi

Một loại trái cây mà khách du lịch không thể bỏ qua khi đến Bảy Núi, đó là trái hồng quân. Hồng quân mọc nhiều dưới các tán rừng ở núi Két, núi Cấm và núi Dài nhỏ. Hồng quân thường chín rộ vào khoảng giữa tháng 7 (âm lịch). Những trái hồng quân khi chín thì ửng đỏ và tròn đều.

Đặc điểm của trái hồng quân là trước khi ăn phải vò cho mềm, càng mềm ăn càng ngọt. Nếu trái chưa chín hẳn thì thịt có vị chát và hơi chua, không ngon bằng trái chín muồi. Trẻ con thường hái trái xanh hoặc chín hườm chấm muối ớt vừa chát chát, chua chua thật hấp dẫn... Ở Bảy Núi, không thể không kể đến trái chúc. Tiếng Khmer gọi là Kôt-sôt, một loài cây đặc hữu của các huyện miền núi.

Cùng họ với chanh nhưng trái chúc có vỏ xù xì, vị chua dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu. Cây sử dụng được cả trái lẫn lá, trái chúc to, tròn, thịt bên trong màu vàng xanh nhưng ít nước và có vị the và rất chua. Trái chúc chưa chín có màu xanh, lúc chín là màu vàng. Trái chúc được người dân vùng Bảy Núi dùng ăn kèm với món đặc sản là cháo bò. Mùi hương từ trái sẽ kích thích và tạo cảm giác thèm ăn. Khi kết hợp trái chúc ăn kèm với các món ăn đã nấu lâu sẽ không bị mất mùi thơm và nếu cho quá nhiều cũng không bị đắng như chanh. 

img

Ở Bảy Núi, cây thị mọc tự nhiên rải rác nhiều nơi. Tháng 8, không khó để bắt gặp những cây thị cho trái chín vàng, căng mọng, hương thơm phảng phất...

Trái thị chín có mùi thơm nồng, nhưng dịu nhẹ, ai cũng thích đưa lên mũi ngửi, hít hà… Cách ăn trái thị cũng thú vị giống một vài loại trái cây trên núi như: bòn bon và hồng quân, phải vò trái đều cho phần thịt bên trong thật mềm, rồi mới bóc cuống, tách đôi trái thưởng thức.

Những đứa trẻ thường thích ăn trái thị theo kiểu vò trái xong, mút ở đầu cuống đến khi vỏ ngoài xẹp lại. Mùi thị thơm nồng hấp dẫn, vị ngọt thanh bên trong càng khiến người ăn phát ghiền. Nổi tiếng nhất là trái thốt nốt vùng Bảy Núi, trái thốt nốt được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn hoặc có thể ăn tươi, hễ 1 lần được thưởng thức chắc chắn sẽ không thể nào quên hương vị đặc trưng.

Dọc theo tuyến đường từ Tịnh Biên đi Châu Đốc, rất dễ bắt gặp những hàng quán bày bán trái thốt nốt, nước thốt nốt và các sản phẩm khác từ trái thốt nốt. Sau khi tách bỏ lớp vỏ cứng, múi thốt nốt được bao phủ bởi một lớp vỏ lụa mỏng, bỏ lớp vỏ lụa này sẽ có được múi thốt nốt màu trắng đục. Trái vừa ăn, cơm mềm, bên trong có một ít nước hơi ngọt, có vị béo và mùi thơm thoảng, rất ngon.

Trọng Tín (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem