Xuân Bắc, Tự Long, đạo diễn Việt Tú tham dự Talkshow “Bảo vệ tài sản sáng tạo”

Huy Hoàng Thứ tư, ngày 24/04/2019 16:51 PM (GMT+7)
Xuân Bắc, Tự Long, đạo diễn Việt Tú, ca sĩ Bảo Trâm… cùng nhiều nghệ sĩ Việt và nhà báo, luật sư Mỹ tham dự talkshow “Bảo vệ tài sản sáng tạo” nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2019 – 26.4.
Bình luận 0

Sau những ồn ào xung quanh vụ kiện bản quyền vở thực cảnh "Ngày xưa" hay vụ tranh chấp bản quyền "Thần đồng đất Việt" giữa hoạ sĩ Linh Lê và Công ty Phan Thị, dường như rất nhiều nghệ sĩ đã quan tâm và tìm cách bảo vệ tài sản sáng tạo của mình hơn.

Theo đó, chiều 23.4, tại Trung tâm Mỹ (170 Ngọc Khánh – Hà Nội) đã diễn ra talkshow “Bảo vệ tài sản sáng tạo” với sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam như: NSƯT Xuân Bắc, NSND Tự Long, đạo diễn Việt Tú, ca sĩ Bảo Trâm, cây guitar Trần Tuấn Hùng, hoạ sĩ Đinh Công Đạt, các nhà báo cùng các luật sư Quách Minh Trí, luật sư Phan Cẩm Tú, Đại diện đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam…

img

Talkshow với chủ đề "Creation: Value and Protection - Bảo vệ Tài sản Sáng tạo" là sự chia sẻ về quá trình sáng tạo nghệ thuật, việc ứng dụng công nghệ trong thời 4.0 lên các sản phẩm sáng tạo dành cho lĩnh vực giải trí, các hậu quả tác động tới đời sống với một xã hội đối xử không công bằng về quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và bảo vệ loại tài sản này.

Chia sẻ tại buổi talkshow, đạo diễn Việt Tú cho biết, năm 2002 - 2003, khi anh là ở Đài Truyền hình Việt Nam với rất nhiều chương trình, trong đó có “Con đường âm nhạc”, anh đã thấy mình cần phải đi đăng ký bản quyền cho chương trình này. Và sau đó anh đã đến Cục bản quyền và đăng ký bản quyền cho chương trình. Theo anh, thời điểm đó, suy nghĩ này là kinh nghiệm khá mới mẻ đối với anh về những giá trị sáng tạo.

img

Đạo diễn Việt Tú chia sẻ tại talkshow "Bảo vệ tài sản sáng tạo"

Nói về lý do nhận thức được và đi đăng ký bản quyền sáng tạo của mình, đạo diễn Việt Tú cho biết: “Thời điểm đó tôi nghĩ đơn giản, nếu tôi rời khỏi Đài truyền hình thì với những gì tôi đã tạo ra, nếu người ta muốn dùng thì người ta phải xin phép tôi. 

Năm 2003 -2006, khi tôi đi học về quản trị nghệ thuật ở New York, tôi càng thấy điều mình đã nghĩ là rất quan trọng. Bởi người nghệ sĩ không chỉ được chia phần tại thời điểm đó mà sẽ được chia phần mãi về sau. 

Tôi được biết, câu chuyện một diễn viên phụ ở Hollywood một ngày đẹp trời bỗng được chuyển vào tài khoản của mình 10.000 USD. Anh ấy không hiểu gì nhưng đó là lợi ích từ bộ phim mà nhà sản xuất phải chia cho những người liên quan tới bộ phim đó. Diễn viên phụ đó có quyền được hưởng.

Tuy nhiên, ở Việt Nam không có chuyện đó, nếu ai đó đòi quyền theo cách như vậy thì có 1.000 người khác sẵn sàng ra và chiếm lấy chỗ ấy, đấy là lý do tôi ý thức về quyền và tài sản trí tuệ có giá trị”.

Nói thêm về việc người nghệ sĩ không sáng tạo nhưng vẫn mang tác phẩm đó đi đăng ký bản quyền, đạo diễn Việt Tú chia sẻ thêm về kinh nghiệm của mình từ vụ thực cảnh "Ngày xưa".

Theo đạo diễn Việt Tú: “Tôi biết rất rõ về trường hợp này. Tôi khẳng định nếu người nào không sáng tạo mà lại mang thứ không phải của mình đi đăng ký bản quyền tác giả thì người đấy sai. Bạn có quyền khởi kiện người ta nếu như có đầy đủ bằng chứng”.

img

Tiếp nối chia sẻ của đạo diễn Việt Tú, luật sư sở hữu trí tuệ Quách Minh Trí đã có lời khuyên với các nghệ sĩ cũng như những người làm sáng tạo: “Các bạn hãy bảo vệ trước khi pháp luật bảo vệ mình, bảo vệ ở đây là gì, hãy tuyên bố sở hữu đối với những sản phẩm của mình. Tức là đi đăng ký bản quyền tác giả ngay khi ra mắt công chúng”.

Một câu hỏi cũng được ra với luật sư Quách Minh Trí, rằng: "Tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam quá  nhiều, không có nhiều nghệ sĩ bỏ tiền ra để đi kiện, hơn nữa với những tác phẩm quá lớn, họ chỉ vi phạm một đoạn, một phần nhỏ, nếu đi kiện sẽ cảm thấy rất cô đơn và đơn độc. Liệu chúng ta cần một cơ quan đại diện, chúng ta đang thiếu một trung tâm ủy thác bảo vệ quyền hay không?".

img

Luật sư Quách Minh Trí

Luật sư Quách Minh Trí cho biết: “Để giải quyết vấn đề đó, từ trước tới nay nghệ sĩ chỉ biết kêu, kêu và kêu. Tôi đồng ý với giải pháp, chúng ta cần có những hiệp hội và Nhà nước cần có cơ chế để bảo vệ những hiệp hội. Tên hiệp hội ở đây là Bảo vệ tập thể, Quản lý tập thể.

Những tổ chức này rất phát triển ở các quốc gia khác, những người vi phạm bản quyền trong thời công nghệ số rất nhiều, và những người chủ sở hữu không thể đi tìm từng người vi phạm để thu từng đồng, nên tổ chức này sẽ đi làm công việc đấy thay cho các nghệ sĩ. Ở  Việt Nam đã có trong lĩnh vực âm nhạc và văn học. Tôi rất mong và hy vọng tương lai gần sẽ có ở lĩnh vực sân khấu, có thể đã có rồi và hy vọng nó sẽ hoạt động hiệu quả hơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem