Hình ảnh đồ họa về một vệ tinh trong hệ thống của Aireon sản xuất, Iridium vận hành. Ảnh: Iridium.
Theo Sputnik, công Aireon có trụ sở chính tại bang Virginia (Mỹ) đã hoàn thiện hệ thống giám sát máy bay dựa trên vệ tinh của mình. Thông qua tên lửa Falcon 9 của SpaceX, công ty này đã phóng nốt 10 vệ tinh thế hệ mới của mình, nâng tổng số vệ tinh của Aireon lên 75 vệ tinh.
Chòm vệ tinh của Aireon có tổng giá trị 3 tỷ USD, được vận hành bởi Iridium - công ty dịch vụ vệ tinh đã đồng sáng lập ra Aireon vào năm 2011. Theo phía Iridium, các vệ tinh mới sẽ có hạn sử dụng 15-20 năm, bền hơn rất nhiều so với những vệ tinh được phóng vào cuối thập niên 90 của thế kỷ 20.
Hệ thống theo dõi máy bay toàn cầu này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa giải quyết vấn đề muôn thủa: máy bay biến mất khỏi màn hình radar khi bay trên biển - giống như trường hợp của chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
“70% máy bay trên thế giới đều không được giám sát”, CEO Aireon Don Thoma nói với CBS News.
“Khi bay trên biển, cứ sau 10-15 phút, phi công sẽ báo lại tọa độ vị trí với kiểm soát không lưu. Trong khoảng thời gian giữa những lần báo cáo, không thể biết máy bay ở đâu cả”.
Nhằm thay thế cho các radar mặt đất vốn có tầm hoạt động hạn chế trên bề mặt biển, Aireon đã đề xuất các máy bay phát vị trí GPS của mình tới kiểm soát không lưu thông qua vệ tinh. Bằng cách này, vị trí máy bay sẽ được cập nhật liên tục và việc máy bay biến mất khỏi radar sẽ chỉ còn là chuyện trong quá khứ.
MH370 vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử ngành hàng không. Ảnh: Getty.
Được biết, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã yêu cầu toàn bộ máy bay của nước này vào năm 2020 phải trang bị công nghệ cần thiết để truyền phát dữ liệu. Các máy bay thuộc các nước châu Âu cũng đang dần “sắm” công nghệ này.
Song song với sự mất tích của nữ phi công Amelia Earhart và giai thoại về Tam giác Quỷ Bermuda, sự mất tích của chuyến bay MH370 là một bí ẩn hàng không lớn nhất lịch sử.
Vào ngày 8.3.2014, chiếc máy bay chở theo tổng cộng 239 hành khách và phi hành đoàn đã biến mất không dấu vết khi đang bay từ Kuala Lumpur (Malaysia) tới Bắc Kinh (Trung Quốc). Bất chấp nhiều chiến dịch tìm kiếm quy mô, số phận của MH370 vẫn là một bí ẩn không lời giải. Hiện tại, chỉ có một số mảnh vỡ của chiếc máy bay xấu sổ được tìm thấy tại bờ biển Madagascar và Australia.
Theo Sputnik, đã có nhiều giả thuyết về sự biến mất của MH370 như bị đánh chặn hoặc bắn hạ, phi công lao máy bay xuống biển để tự sát hay máy bay đổi hướng và đâm xuống rừng tại Campuchia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.