Sụt giảm tới 80%...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường gạo thế giới năm 2014 diễn biến phức tạp, nhiều bất ổn. Nguồn cung gạo lớn nên các nước xuất khẩu gạo đã phải cạnh tranh gay gắt để bán gạo trong suốt năm qua. Xuất khẩu gạo của ta nhiều thời điểm rơi vào khó khăn, không có các hợp đồng lớn để dẫn dắt thị trường. Đặc biệt với thị trường châu Phi, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã bị sụt giảm tới 80% và bị áp lực lớn khi Thái Lan bán gạo vào đây dưới giá thành sản xuất để giảm áp lực tồn kho.
Sụt giảm lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang một số nước châu Phi năm 2014.
Ông Lê Hồng Quang - Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) nhìn nhận: Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi giai đoạn gần đây gặp không ít trở ngại. Bên cạnh tình hình bất ổn ở một số khu vực, dịch Ebola tại một số nước Tây Phi, quan trọng hơn về trung và dài hạn đó là sự cạnh tranh của nhiều nước xuất khẩu đang có chiến lược đẩy mạnh sản lượng và xuất khẩu gạo với giá thấp sang châu Phi như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar và một số nước khu vực Mỹ Latinh như Brazil, Uruguay…
Người dân các nước châu Phi đã quen với gạo Việt Nam, trong đó Ghana và Bờ Biển Ngà là hai thị trường quan trọng nhất đối với gạo xuất khẩu của ta. Tuy một số thị trường đã có dấu hiệu bắt đầu quay lại nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều hơn như Senegal, Bờ Biển Ngà, nhưng xét chung trong năm 2014 cả lượng và trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ. “Đây là điều vô cùng đáng tiếc bởi những nỗ lực tạo dựng thị trường này với gạo Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây”- ông Quang nói.
Cụ thể, xuất khẩu gạo của ta sang Angeria giảm tới 60% về lượng và 58% về kim ngạch, sang Bờ Biển Ngà giảm 88% về lượng và 85% về kim ngạch, sang Bờ Biển Ngà giảm 74% về lượng và 69% về kim ngạch... Riêng xuất gạo sang thị trường Nam Phi có mức tăng trưởng không đáng kể, tăng 12% về lượng và 5% về kim ngạch. Nam Phi cũng không phải là thị trường quan trọng nhất về xuất khẩu gạo của Việt Nam trong khu vực.
Sẽ có thêm rào cản…
Tại hội nghị tổng kết lúa gạo mới đây, ông Nguyễn Hùng Linh- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tình hình xuất khẩu gạo trong quý I/2015 sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Hiện mới có hợp đồng thương mại của doanh nghiệp xuất khẩu gạo được ký kết, trong khi chưa có các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung. Với khu vực châu Phi thì xuất khẩu gạo năm tới còn khó khăn hơn.
Tại khu vực cộng đồng Đông Phi (EAC) gồm 5 nước Burundi, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda, một hàng rào bảo hộ gạo sản xuất trong nước đã được dựng lên. Biểu thuế hải quan ngoại khối áp dụng cho việc nhập khẩu gạo của các nước này trong năm 2015 đã tăng lên 35%, chứ không còn là 10% như trước tháng 7.2014. Theo quyết định này, gần như các bộ trưởng tài chính các nước trong khu vực tham gia ký kết đều mong muốn dựng lên một rào cản chống lại việc nhập khẩu gạo đến từ châu Á, trong đó có Việt Nam, do sản xuất lúa ở châu Á rẻ hơn, ảnh hưởng xấu đến sản xuất lúa gạo địa phương.
Đáng lưu ý là Uganda đã không ký vào quyết định trên vì nước này còn muốn áp dụng mức thuế nhập khẩu gạo cao hơn, lên tới 75% để khuyến khích phát triển sản xuất lúa trong nước.
Cách đây 2 năm, Nigeria cũng đã quyết định áp dụng mức thuế 110% đối với gạo nhập khẩu với những lý do tương tự. Còn mới đây, Tanzania cũng đã quyết định tăng thuế nhập khẩu gạo lên 15%. Năm cao nhất (2013), Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang Tanzania đạt giá trị 16,1 triệu USD, sang Kenya 13 triệu USD và sang Rwanda 131.400 USD. Do vậy, với các “rào cản” này, xuất khẩu gạo Việt Nam khó có cơ hội bứt phá hơn như vậy trong năm 2015.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu gạo của châu Phi không cao, chỉ ở mức 2-3%/năm do phụ thuộc vào tình hình sản xuất lúa trong nước, đặc biệt là yếu tố thời tiết. Trong bối cảnh hiện nay, để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu gạo vào châu Phi, Bộ Công Thương đã tổ chức các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại tại nhiều nước châu Phi; đề xuất đàm phán và ký Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp...
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng: Cần nghiên cứu các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết sẽ ảnh hưởng thế nào đến
tình hình xuất khẩu gạo; nghiên cứu thị trường để có chiến lược phát triển trung và dài hạn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.