Xung đột Nga-Ukraine: Cuộc chiến thực sự là trận đại chiến pháo binh

Minh Nhật (theo 19fortyfive) Chủ nhật, ngày 27/11/2022 16:11 PM (GMT+7)
Cuộc chiến ở Ukraine vẫn tiếp tục chưa có hồi kết. Cả hai bên tham chiến tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công dữ dội nhắm vào nhau với niềm tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu của mình.
Bình luận 0
Xung đột Nga-Ukraine: Cuộc chiến thực sự là trận đại chiến pháo binh - Ảnh 1.

Pháo binh Nga khai hỏa. Ảnh: Creative Commons.

Theo 19fortyfive, cuộc xung đột kéo dài hơn chín tháng đang gây thiệt hại đáng kể cho cả 2 bên tham chiến. Cả quân đội Ukraine và Nga được cho là đều đã thiệt hại hàng chục nghìn binh sĩ trong các cuộc giao tranh ác liệt.

Kho vũ khí của hai bên cũng cạn kiệt. Đặc biệt, kho dự trữ pháo binh của Ukraine lẫn Nga "bốc hơi" nhanh chóng khi hai bên tham chiến liên tục sử dụng hỏa lực tầm xa để tấn công lẫn nhau.

Cả hai bên đều tích cực sử dụng “Vua chiến trường” - cách Napoléon gọi tên pháo binh - để giành lợi thế trên mặt trận.

Quân đội Nga vẫn đang giữ lợi thế về số lượng pháo và các loại pháo mà họ đã bắn hạ vào đối thủ Ukraine của họ.

Trong suốt mùa hè, khi giao tranh ở Donbass diễn ra gay gắt, con số của phương Tây ước tính quân đội Nga đã nã tới 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày.

Trong khi đó, người Ukraine chỉ có thể đáp trả với khoảng 6.000 quả đạn pháo/ngày. Hiện, các lực lượng Ukraine chỉ có thể bắn từ 2.000 đến 4.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi người Nga vẫn tiếp tục bắn số lượng đạn pháo lớn hơn nhiều.

Mỹ là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho người Ukraine, với gần 20 tỷ USD viện trợ an ninh cho nước này kể từ khi cuộc xung đột với Nga bắt đầu vào ngày 24/2.

Một phần lớn viện trợ an ninh mà Lầu Năm Góc đã gửi cho Ukraine là pháo binh.

Xung đột Nga-Ukraine: Cuộc chiến thực sự là trận đại chiến pháo binh - Ảnh 2.

Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) khai hỏa ngày 16 tháng 6 năm 2017. Ảnh quân đội Mỹ

Quân đội Mỹ đã gửi gần 190 khẩu pháo kéo 155mm và 105mm tới Ukraine. Ngoài ra, Mỹ đã gửi hoặc cam kết gửi 38 Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) cho Kiev.

Các hệ thống pháo trên đã trở thành một phần không thể thiếu trong các cuộc phản công của Ukraine ở phía đông và phía nam, giúp họ đẩy lùi lực lượng Nga và giải phóng hàng trăm km2 lãnh thổ trong suốt thời gian qua.

Các loại pháo của phương Tây cũng được đánh giá là có chất lượng cao hơn nhiều so với các loại vũ khí lỗi thời do Nga sản xuất mà quân đội Ukraine đang sử dụng.

Dần dần nhưng đều đặn, các lực lượng Ukraine đã loại bỏ dần các hệ thống vũ khí cũ từ thời Liên Xô của họ và thay thế chúng bằng các hệ thống tối tân của NATO.

Theo một báo cáo gần đây của New York Times dẫn lời các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, người Ukraine đã sử dụng các khẩu pháo rất tốt, rất hiệu quả. Nhưng việc sử dụng chúng liên tục đang tạo ra một số vấn đề, với rất nhiều khẩu pháo cần được bảo dưỡng khẩn cấp, đặc biệt là thay nòng.

Không giống như các công việc bảo trì khẩn cấp khác, chẳng hạn như thay bánh xích của xe tăng, quá trình thay nòng pháo đòi hỏi phải có máy móc đặc biệt và quân đội không thể thực hiện trên thực địa.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem