Xuống giống sớm vụ thu đông ở ĐBSCL: Nguy cơ dịch bệnh bùng phát

Thứ năm, ngày 23/06/2011 06:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vụ lúa hè thu 2010-2011, khu vực ĐBSCL đã có 13.500ha trên tổng số 1,6 triệu ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá. Hiện nay nông dân ở nhiều tỉnh đang gấp rút chuẩn bị làm lúa thu đông (vụ 3), với nguồn bệnh như trên nguy cơ dịch bệnh trên lúa là rất lớn.
Bình luận 0

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, sau khi thu hoạch hè thu lúa xong, nông dân nên cho đất nghỉ ít nhất 20 ngày để cách ly mầm bệnh. Tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), Phòng NNPTNT huyện khuyến cáo: Bà con chỉ nên xuống giống tập trung theo lịch quy định, khi rầy vào đèn rộ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tấn công gây hại của lứa rầy đầu vụ, truyền bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá. Theo đó, lịch xuống giống của huyện đưa ra như sau: Đối với khu vực có đê bao khép kín xuống giống tập trung từ 20-30.6. Những diện tích ngoài đê bao để đảm bảo né lũ, tùy vào điều kiện của địa phương nên xuống giống tập trung từ 1-10.6.

Dù có khuyến cáo vậy, nhưng tại các huyện phía tây Quốc lộ 1A như: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành (Tân Phước); Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh (Long An) bà con đã xuống giống vụ lúa thu đông sớm trước lịch quy định từ 5-10 ngày. Ông Ba Đờ (Tân Hòa, Tân Thạnh, Long An) cho biết: "Tôi tranh thủ sạ trước để sớm thu hoạch, bán được giá hơn".

Như đã biết, sau 11 vụ lúa áp dụng các biện pháp gieo sạ tập trung, né rầy…, dịch bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá tại các tỉnh ĐBSCL cơ bản đã được khống chế, nhưng trong vụ lúa hè thu sớm 2010-2011, dịch bệnh đã tái bùng phát và và có chiều hướng lây lan trở lại. Ông Lê Hữu Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy cho biết: Nguyên nhân là do bà con xuống giống rải rác, không theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn và không làm đất kỹ trước khi gieo sạ.

Trước tốc độ lây lan của dịch bệnh, Bộ NNPTNT đã có công điện gửi Sở NNPTNT các tỉnh khu vực ĐBSCL, yêu cầu tập trung phòng trừ, ngăn chặn dịch bệnh trên lúa cấy.

Theo thạc sĩ Hồ Văn Chiến - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, vụ lúa thu đông sớm sản xuất trong điều kiện ẩm độ cao, không có điều kiện đốt đồng tiêu diệt mầm bệnh trên ruộng, nên việc xuống giống không theo lịch là điều kiện để rầy nâu và các loại dịch bệnh khác có nơi trú ẩn gây hại.

“Đối với lúa có triệu chứng bị nhiễm bệnh bà con nên nhổ bỏ. Đối với diện tích xuống giống không theo lịch thời vụ, bà con phải thường xuyên thăm đồng, kịp thời phun thuốc trừ rầy khi rầy xuất hiện. Bên cạnh đó, với những diện tích chưa xuống giống, cần phải tuân thủ nghiêm xuống giống theo khuyến cáo của các nhà chuyên môn"- ông Chiến cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem