Xuyên qua vùng đất “anh hùng sử ca” (kỳ 5): Xứ sở những hồ đập khổng lồ
Xuyên qua vùng đất “anh hùng sử ca” (kỳ 5): Xứ sở những hồ đập khổng lồ
Bùi Phụ - Đức Cường
Thứ sáu, ngày 22/10/2021 06:00 AM (GMT+7)
Huyện Ninh Sơn và Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận là cửa ngõ giao thông quan trọng với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là xứ sở của các hồ, đập chứa nước khổng lồ nằm trên núi rừng Bác Ái.
Trong đó, có hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tiên tiến hiện đại nhất Việt Nam hiện nay với hệ thống kênh chính kín bằng đường ống thép dài 29km.
Cánh đồng lớn ở miền núi
Trong những ngày xuyên qua vùng đất "anh hùng sử ca", chúng tôi tìm đến cánh đồng lớn gần 20ha ở xã Phước Chính, huyện Bác Ái và ghi nhận không khí nô nức xuống giống cho vụ lúa đông xuân của bà con dân tộc Raglai.
Theo UBND huyện Bác Ái, mô hình cánh đồng lớn này được huyện triển khai đầu năm 2020. Trước khi thực hiện, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con người dân tộc Raglai, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, phát huy tinh thần đoàn kết, hoán đổi các thửa ruộng nhỏ kém hiệu quả để liên kết với nhau tạo thành cánh đồng lớn. Nhờ đó vốn đầu tư giảm nhưng năng suất từng bước tăng cao.
Ông Hồ Xuân Ninh - Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết, tinh thần đoàn kết, đồng lòng trong đồng bào Raglai rất lớn. Đã có nhiều trường hợp hiến đất làm đường, đóng góp ngày công, tham gia dồn điền, đổi thửa để phát triển nông nghiệp. Nhờ đó, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người. Nếu năm 2011, khoảng 4,8 triệu thì năm 2020 đạt 17 triệu đồng/người/năm (tăng 3,5 lần).
Theo Công ty TNHH MTV khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 21 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế gần 195 triệu m3. Khu vực thương lưu ở huyện Ninh Sơn có hồ Cho Mo dung tích 8,80 triệu m3 và Bác Ái có 4 hồ chứa: Hồ Sông Sắt (69,33 triệu m3), hồ Trà Co (10,10 triệu m3), hồ Phước Trung (2,35 triệu m3) và Hồ Phước Nhơn (0,78 triệu m3).
Nông dân Trượng Quốc Bóng (xã Phước Chính), phấn khởi: "Nhờ tham gia cánh đồng lớn nên thu hoạch 6 tấn/ha, giá bán từ 5.200 - 5.5000 đồng, thu lời 22 triệu đồng/vụ. Từ ngày sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, vốn đầu tư và công lao động giảm hẳn, thu nhập gia đình tôi lại cao, đời sống khá hơn...".
Huyện Ninh Sơn cũng trên đà đổi mới, kinh tế phát triển khiến đời sống nhân dân ngày càng đi lên. Sải bước trên những con đường bêtông uốn lượn quanh các khu vườn cây ăn trái trĩu quả tại xã Lâm Sơn, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi của vùng nông thôn mới này.
Theo UBND huyện Ninh Sơn, tính đến cuối tháng 5/2021, toàn huyện có 3/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trung bình mỗi xã trên địa bàn huyện đạt được 16,7/19 tiêu chí. Trong năm 2021, UBND huyện sẽ tập trung hoàn thiện bộ tiêu chí nông thôn mới tại các xã còn lại…
Những hồ chứa nước khổng lồ
Vùng đất "anh hùng sử ca" Bác Ái - Ninh Sơn, sỡ hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và địa danh nổi tiếng như: Đèo Ngoạn Mục, Nhà máy thủy điện Đa Nhim, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ… Nổi tiếng nhất là Nhà máy thủy điện Đa Nhim, một trong những công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản (khánh thành ngày 15/1/1964).
Người Nhật đã xây hồ Đa Nhim (ở thị trấn Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng), nằm trên độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, rộng 11 - 12 km² và dung tích 165 triệu m³ nước để cung cấp nước cho nhà máy thủy điện. Dưới đáy hồ có một đường hầm thủy áp dài 5km xuyên qua lòng núi nối tới hai ống thủy áp bằng hợp kim dốc 45°, dài 2.040m, đường kính trên 1m mỗi ống.
Nước từ hồ Đa Nhim theo ống thủy áp đổ xuống các tuabin ở nhà máy dưới chân đèo Ngoạn Mục (thuộc huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận). Dòng điện từ đây phát ra cung cấp điện cho các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận… thông qua các đường dây 110kV và hòa vào hệ thống quốc gia thông qua đường dây 230kV.
Đi trên Quốc lộ 27, nhìn từ xa hàng chục km, chúng tôi vẫn thấy hai ống thủy lực song song, dài khoảng 2km, dẫn nước từ trên đỉnh núi băng xuyên qua đèo Ngoạn Mục xuống nhà máy dưới chân đèo. Nước từ thủy điện Đa Nhim cung cấp hơn 550 triệu m3/năm phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000ha đất nông nghiệp của Ninh Thuận.
Tuy nhiên, Ninh Thuận là địa phương khô hạn nhất cả nước. Những năm qua, tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó hạn hán và cho xây dựng các hồ chứa cùng hệ thống liên hồ, để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và phát triển nông nghiệp.
Nhằm "giải khát" cho Ninh Thuận, Bộ NNPTNT đã quyết định đầu tư dự án thủy lợi Tân Mỹ và trong đó có hồ Sông Cái ở xã phước Hòa, huyện Bác Ái. Đây là công trình trọng điểm có dung tích trữ nước lớn hơn tổng dung tích của 21 hồ chứa nước hiện có của tỉnh (tổng 194,49 triệu/so với 219 triệu).
Dự án có tổng vốn đầu tư 5.951 tỷ đồng, gồm 5 đập dài 2.770m, cao 66m, dự kiến khi đưa vào hoạt động cuối năm 2021 sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho 7.480ha sản xuất nông nghiệp ở vùng hạ lưu.
Theo sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận, công trình này quy mô lớn nhất từ trước tới nay được đầu tư trên địa bàn tỉnh, có vai trò, ý nghĩa quan trọng cho phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh. Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ thuộc tiên tiến hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, công trình có hệ thống kênh chính kín bằng đường ống thép dài 29km. Ngoài việc cung cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống này còn cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và các dịch vụ khác… Hiện nay, công trình đã hoàn thành 98% tiến độ thi công và dự kiến sẽ nghiệm thu và đưa vào hoạt động trong thời gian tới.
Tỉnh Ninh Thuận cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước Sông Than, ở xã Hòa Sơn, huyện Ninh Sơn, có dung tích 85,04 triệu m3 nước, tổng mức đầu tư trên 1.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2018-2022. Khi hoàn thành, hồ này góp phần giải quyết căn bản tình trạng thiếu nước phục vụ cho 4.500ha đất canh tác và nước sinh hoạt ổn định cho 20.000 hộ dân vùng hạ lưu huyện Ninh Sơn và khu vực phía Nam của tỉnh Ninh Thuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.