Ý kiến với Quốc hội

Chủ nhật, ngày 21/10/2012 17:11 PM (GMT+7)
Dân Việt - Trước kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII, Dân Việt đã ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri cả nước, bày tỏ mong muốn Quốc hội nghiên cứu, tìm giải pháp về các vấn đề trong cuộc sống.
Bình luận 0

Nhiều thông tư, quy định có tính khả thi thấp

Tôi nghĩ Quốc hội kỳ này cần chấn chỉnh các thông tư, quy định của nhiều ngành, bởi tính khả thi của nhiều văn bản rất thấp. Ví dụ như hàng loạt quy định về “bia rượu”, “tiệc cưới”… vừa qua. Riêng Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi các tỉnh, thành để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm. Thế nhưng, vấn đề đặt ra ở đây là việc kiểm tra thực tế và xử lý như thế nào để đủ sức răn đe đối với việc dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn còn nhiều bất cập.

Theo thông tư của Bộ GD-ĐT, không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường hiện nay rất khó kiểm soát, bởi diễn ra dưới nhiều hình thức và giờ giấc khác nhau.

Nếu chiếu theo thông tư mới chắc chắn nhiều cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường ở khu vực nông thôn và cả ở nhiều TP, thị xã cũng không đáp ứng theo tiêu chuẩn. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là liệu có kiểm tra thực tế hay là kiểm tra trên giấy? Đồng thời, khi có sai phạm nên xử lý như thế nào để đủ sức răn đe đối với các cơ sở dạy thêm, học thêm trái quy định?

Thực tế cho thấy, việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đã trở nên quá phổ biến. Các biện pháp để chấn chỉnh đều không hiệu quả. Đôi khi những biện pháp cứng rắn cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ làm tổn thương nghề giáo mà thôi. Vấn đề căn bản để giải quyết việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Bộ GD-ĐT đã không giải quyết được nên những thông tư có tính cách đối phó như vậy, tính khả thi rất thấp.

Ông Ngô Mã Thiên (giáo viên Trường THPT Lê Thành Phương, Phú Yên)

Thời gian qua, các cấp ngành trung ương và địa phương đã đưa ra nhiều chủ trương và chính sách để hỗ trợ cho nông dân và các vùng nông thôn, miền núi phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Theo đó người dân ở khu vực trên có nhiều điều kiện thuận lợi để vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi bộ mặt của vùng quê.

Tuy nhiên so với thực tế hiện nay thì sự trợ giúp đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cầu của nông dân. Thể hiện ở mức vay vốn cho nông dân vẫn còn hạn chế, việc tiếp xúc nguồn vốn cũng gặp nhiều khó khăn, ràng buộc. Nguồn vốn rót về để xây dựng Nông thôn mới vẫn chậm và chưa nhiều... dẫn đến việc thực hiện chủ trương này gặp nhiều trở ngại. Tại không ít nơi, chính quyền địa phương vẫn thiếu sự quan tâm, chỉ đạo để giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình. Vì vậy mong rằng trong kì họp lần này, Quốc hội sẽ đưa ra giải pháp để khắc các phục tồn tại trên.

Ông Nguyễn Văn Ngọc (49 tuổi, người dân ở phường Chánh Lộ, TP Quảng Ngãi)

Không nên lãng phí đất nông nghiệp cho các dự án

Nhiều nông dân đang rất băn khoăn về tình trạng lãng phí đất nông nghiệp cho các dự án công nghiệp và giải trí, làm cho diện tích bình quân đất nông nghiệp của nông dân ngày càng thu hẹp, đời sống nông dân từ đó cũng bấp bệnh hơn.

Trong kỳ họp Quốc hội lần này, chúng tôi tin tưởng Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm về chính sách về quản lý đất đai, tốt nhất là giao đất lâu dài và vĩnh viễn cho người dân, để nông dân yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất với quy mô lớn, từ đó đời sống người nông dân mới từng bước nâng lên, phát triển. Để được như vậy, thì cần có chính sách chế tài hạn chế “xén” đất nông nghiệp để giao cho các dự án công nghiệp, rồi các khu công nghiệp lại “đắp chiếu”, còn nông dân thì không có đất sản xuất.

Ông Phạm Hồng Đức, Phó chủ Hội ND huyện Phú Ninh, Quảng Nam

Nên có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân

Gần 6 năm gắn bó với nghề nuôi cá trong bè, tôi thấy khó khăn lớn nhất đối với người nuôi cá là thiếu vốn. Một số ngân hàng có chính sách cho vay vốn phát triển chăn nuôi nhưng thủ tục rất phiền phức. Điển hình như bản thân tôi 2 năm trước, do cần vốn đầu tư nuôi 3 bè cá điêu hồng nên tôi phải thế chấp giấy tờ nhà để vay ngân hàng 200 triệu đồng trong thời hạn 1 năm.

Vài tháng sau tôi thu hoạch được cá nên đem tiền đến trả nợ sớm nhưng ngân hàng vẫn tính lãi 1 năm. Ngược lại, khi đến hạn thanh toán mà không có đủ tiền, nhiều nông dân phải vay “tín dụng đen” với lãi suất lên đến 3%/ngày để trả cho ngân hàng, sau đó mới được vay vốn đáo hạn.

Bởi vậy, đa số người nuôi cá hiện nay đều chấp nhận vay “nóng” bên ngoài với lãi suất cao hơn gấp đôi ngân hàng do thời gian vay linh động, không phải thế chấp tài sản, khi cần vốn là có ngay chứ không phải chờ đến hạn như vay ngân hàng.

Tôi mong muốn tại kỳ họp Quốc hội lần này, đại biểu sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp mở rộng các kênh phân phối vốn cho nông dân ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như bảo lãnh cho nông dân được vay tín chấp. Đồng thời, nhà nước có thể làm cầu nối giữa người nuôi cá với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Theo đó, doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn để nông dân nuôi cá theo “đơn đặt hàng” và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Ông Đặng Văn Lĩnh, nông dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP Long Xuyên, An Giang)

Tăng cường vai trò của Nhà nước trong bình ổn giá lúa

Những năm gần đây, tình trạng giá lúa không ổn định là khó khăn lớn nhất đối với nông dân. Tại kỳ họp lần này, rất mong các đại biểu bàn giải pháp tăng cường vai trò quản lý, điều hành của nhà nước. Tôi đề nghị không nên tập trung vốn cho doanh nghiệp vay mua lúa tạm trữ mà ở từng vùng sản xuất lúa, nhà nước nên đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi và đứng ra thu mua lúa cho dân để đưa vào dự trữ. Sau đó tổ chức bán đấu giá cho doanh nghiệp. Nếu giá bán lúa chênh lệch với giá sàn ban đầu thì chia thêm lợi nhuận cho nông dân.

Cách làm này sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp sử dụng vốn của nhà nước nhưng mua lúa “ép” giá nông dân để tạm trữ, sau đó hưởng lợi nhờ xuất khẩu giá cao. Tức là doanh nghiệp làm ăn theo kiểu “1 mình 1 chợ” như hiện nay.

Ông Nguyễn Lợi Đức, nông dân xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang)

Là người trực tiếp làm ra hạt gạo, trái cây đặc sản, nuôi ra con cá cung cấp cho mọi người khắp mọi nơi trong và ngoài nước nhưng người nông dân chúng tui luôn gặp khó khăn và không khá lên được. Nguyên nhân có lẽ ai cũng biết, giá cả bấp bênh, trúng mùa mất giá, sản phẩm bị tương lái ép giá, giá cả vật tư phân bón tăng cao… cộng thêm thời tiết, dịch bệnh… và đặc biệt gần đây nhất là nông sản Trung Quốc tràn vào ĐBSCL với giá rẻ khiến cho nông sản của người dân làm ra bị rớt giá thê thảm.

Do đó nông dân chúng tôi rất mong kì họp Quốc hội lần này quan tâm hơn nữa chính sách hỗ trợ nông dân. Trước tiên đó là kiềm chế tăng giá vật tư nông nghiệp; quản lý tốt các doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ của nông dân; các chương trình hỗ trợ vốn cho nông dân cần đơn giản thủ tục để mọi nông dân đều tiếp cận được nguồn vốn vay để tăng gia sản xuất, làm ăn có lời, nâng cao đời sống. Và đặc biệt là cần có giải pháp ngăn chặn hàng hóa nông sản Trung Quốc kém chất lượng nhập tràn lan, vừa hại sức khỏe của người dân, vừa khiến cho nông sản của nông dân chúng tôi làm ra không thể tiêu thụ hoặc không thể cạnh tranh về giá.

Ông Trần Thanh Toại, ấp Thới Bình, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ:

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem