Yên Bái: Bài học từ xây dựng trường dân tộc bán trú

Thứ bảy, ngày 19/10/2013 17:34 PM (GMT+7)
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Yên Bái, năm học 2009 - 2010, toàn tỉnh có gần 5.000 học sinh thuộc 63 trường tiểu học, THCS và THPT phải ở nội trú trong trường hoặc thuê trọ quanh trường.
Bình luận 0
Mặt khác, các công trình nhà bếp, nhà ăn, công trình nước sạch phục vụ học sinh ở lại trường đều khó khăn, thiếu thốn. Điều này đã khiến cho nguy cơ học sinh DTTS, vùng cao bỏ học rất lớn. Có thời điểm, cả huyện vùng cao Trạm Tấu chỉ huy động được 3 học sinh là người dân tộc Mông vào học trường THPT.

Đó là chuyện cách đây ít năm, còn nay theo báo cáo của Sở GD-ĐT Yên Bái, năm học 2012-2013, toàn tỉnh chỉ có 6 học sinh tiểu học bỏ học. Ông Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở GDĐT Yên Bái cho hay: Trước những khó khăn trên, nhiều giải pháp khắc phục đã được đưa ra, trong đó tỉnh đã ban hành chính sách riêng cho hai huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải hỗ trợ mỗi em học sinh THPT người Mông 15kg gạo mỗi tháng đến trường. Mặt khác, để cải thiện khó khăn về cơ sở vật chất, chỗ ăn, ở cho học sinh, UBND tỉnh Yên Bái đã quyết định đề án xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) giai đoạn 2010-2015 với mục tiêu huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Ngân sách tỉnh hàng năm hỗ trợ bình quân cho các trường PTDTBT là 195.000 đồng cho một học sinh và điều chỉnh theo mức lương tối thiểu; cứ 30 học sinh ở nội trú có một nhân viên phục vụ...

Nhiều địa phương còn có những cách làm sáng tạo như huyện Trạm Tấu đã vận động lãnh đạo các xã, thôn đến mùa thu hoạch, mỗi gia đình ủng hộ từ 3-5kg thóc để tới kỳ giáp hạt có gạo cho học sinh ở lại trường có cái ăn. Từ những vận động nhỏ lẻ, đến nay phong trào xây dựng “Kho thóc khuyến học” đã lan tới 100% số xã ở Trạm Tấu.

Nhờ những nỗ lực trên đã tạo điều kiện và động viên được các em đến trường và ở lại học bán trú, như ở xã Minh Tiến, huyện Lục Yên, nhiều học sinh, trong đó có những cặp anh, chị em nhà ở những bản xa, đã động viên nhau và tự động đến đăng ký ở học bán trú tại trường THCS của xã.

Sau 3 năm học triển khai mô hình trường PTDTBT, toàn tỉnh Yên Bái đã có 38 trường PTDTBT, trong đó có 9 trường tiểu học, 14 trường THCS và 15 liên cấp tiểu học và THCS và có 10.210 học sinh được hưởng chế độ, chính sách đối với học sinh bán trú.

Đoàn Lê (Đoàn Lê)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem