Yên Bái: Đổi thay từ "Chương trình vàng" 135

Trần Quang Thứ tư, ngày 27/11/2019 19:35 PM (GMT+7)
"Chương trình vàng" là tên mà nhiều bà con ở các xã vùng cao, vùng sâu của tỉnh Yên Bái đặt cho Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (Chương trình 135). Nhờ sự hỗ trợ từ chương trình này, các vùng đặc biệt khó khăn này có điều kiện hơn để bứt phá, người dân có thêm thu nhập vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Bình luận 0

Bản làng đổi thay mạnh mẽ

Đến Minh An (huyện Văn Chấn) vào những ngày này, đâu đâu cũng thấy đường giao thông khang trang, sạch đẹp, gặp bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi. "Trước đây đường đất khổ lắm, giờ được Nhà nước đầu tư bê tông đi lại, buôn bán dễ lắm", ông Triệu Phương Thanh ở xã Minh An chia sẻ.

img

Nhờ được hỗ trợ của nhà nước, gia đình bà Hoàng Thị Pọm ở Trấn Yên đã có thu nhập cao nhờ nuôi lợn đặc sản. Ảnh: Hải Đăng

Nói về sự thay đổi của quê hương mình, Chủ tịch UBND xã Minh An Triệu Đức Quý phấn khởi: "Những năm trước đây, đời sống của trên 1.000 hộ dân thuộc 4 dân tộc Dao, Tày, Mường, Kinh trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng hôm nay, được sự đầu tư của Nhà nước, nhất là từ nguồn vốn Chương trình 135 mà đường giao thông thôn ở các thôn Đồng Thập, Đồng Quẻ, Tân An, An Thái… với tổng chiều dài gần 4km đã được cứng hóa. Đây là điều kiện rất tốt để nhân dân trong xã đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới". 

Cũng như xã Minh An, bộ mặt hầu hết các xã vùng khó khăn của huyện Văn Chấn như: An Lương, Suối Quyền, Suối Giàng, Nậm Lành, Nậm Mười… đều có sự đổi thay nhờ Chương trình 135.

Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, Văn Chấn có diện tích tự nhiên trên 120.000ha. Toàn huyện có 31 đơn vị hành chính thì có tới 17 xã đặc biệt khó khăn và 40 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc xã vùng II, tỷ lệ hộ nghèo khu vực này chiếm trên 70%. 

Bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân tộc huyện Văn Chấn cho biết, đối với Tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2019, tổng vốn thực hiện là 24.567 triệu đồng, đã có 11.420 hộ dân vùng khó khăn được hưởng lợi. 

Trong đó, hỗ trợ giống vật nuôi là 16.246 con, trị giá trên 11 tỷ đồng cho 2.057 hộ; hỗ trợ 520 tấn phân bón các loại, kinh phí trên 3,4 tỷ đồng cho 6.579 hộ; hỗ trợ cây trồng, kinh phí trên 1,3 tỷ đồng cho 2.157 hộ; hỗ trợ giảm nghèo, kinh phí 300 triệu đồng cho 40 hộ. 

Đối với Tiểu dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn kế hoạch là 109.691 triệu đồng, vốn thực hiện 120.741 triệu đồng. Đã đầu tư 120 công trình, trong đó có 73 công trình xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn và 52 công trình cơ sở hạ tầng thôn, bản đặc biệt khó khăn, duy tu bảo dưỡng 11 công trình”. 

Đánh giá hiệu quả Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2019, bà Tuyến cho hay: Hàng năm, có từ 450 - 500 hộ (15%) được hưởng lợi đã thoát nghèo; góp phần để 100% xã của huyện có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; 85,7% diện tích cây trồng hàng năm được bảo đảm tưới tiêu do các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư xây dựng; nhiều thôn, bản có đường giao thông đi lại tốt do được cứng hóa… 

Hồng Ca là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), ở cách trung tâm huyện 40km, xã có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 90% dân tộc Tày và Mông.

Anh Cháng A Vàng, thôn Khuôn Bổ chia sẻ, trước đây gia đình anh là một hộ nghèo trong thôn, kinh tế gia đình rất khó khăn. Năm 2014, gia đình anh được Nhà nước hỗ trợ giống cây tre măng bát độ và cây quế. Sau gần 4 năm, tre măng bát độ đã cho thu hoạch, với 150 gốc tre anh thu về được hơn 10 triệu đồng. Đồi quế của gia đình cũng sinh trưởng, phát triển tốt 1-2 năm nữa có thể tỉa cành bán. Nhờ có thêm thu nhập mà gia đình anh đã thoát nghèo.

Anh Sổng A Dũng - Trưởng thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca cho biết, nhờ có đầu tư, hỗ trợ của nhà nước mà tuyến đường nối từ thôn xuống trung tâm xã được bê tông hóa, thuận lợi hơn cho người dân trong việc đi lại, giao lưu, buôn bán hàng hóa, các cháu học sinh đến trường.

Bên cạnh việc đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn từ Chương trình 135 còn hỗ trợ bà con trong xã phát triển sản xuất và mang lại những hiệu quả thiết thực, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, đời sống người dân bước đầu được nâng lên.

img

Nghề sản xuất chè đặc sản Suối Giàng đang mang lại thu nhập cao cho bà con ở Văn Chấn. Ảnh: Hải Đăng

Tiếp tục hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, sau 5 năm thực hiện Chương trình 135, tỉnh đã được đầu từ trên 900 tỷ đồng xây dựng 672 công trình cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn như giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt tập trung, điện sinh hoạt; duy tu bảo dưỡng trên 157 công trình; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 48.649 lượt hộ nghèo.

Thực hiện Chương trình 30a tại hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2014-2019 với tổng số vốn hỗ trợ là 269.226 triệu đồng. Từ số tiền hỗ trợ này đã đầu tư xây dựng 35 công trình; duy tu, bảo dưỡng được 40 cơ sở hạ tầng bị hư hỏng, xuống cấp; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số, từ năm 2016 đến nay đã có 21.845 hộ nghèo, 5.771 hộ cận nghèo, 1.790 hộ mới thoát nghèo được xét duyệt cho vay với số tiền giải ngân 1.098 tỷ đồng; mức vay bình quân đạt 37,3 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh đó, các nguồn vốn khác tiếp tục được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng quy định và phát huy hiệu quả tốt. Chương trình mở rộng vệ sinh và nước sạch nông thôn đã hỗ trợ cho 30.000 hộ gia đình nghèo, cận nghèo cải tạo, xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh. Từ năm 2014 đến nay đã mở mới, mở rộng được 820,35 km đường giao thông; kiên cố trên 1.147 km mặt đường bê tông xi măng...

Theo ông  Khánh, để đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc trong tỉnh ngày càng được nâng cao, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập chung chăm lo, đảm bảo mọi cơ chế, chính sách ban hành phải hướng về với đồng bào.

"Cùng với các chính sách của Trung ương, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục khơi dậy lòng tự tin, tự trọng, tự hào của đồng bào, lấy đồng bào làm chủ thể của việc giảm nghèo và xây dựng nông thông mới; tiếp tục ưu tiên xây dựng hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Đặc biệt là ngăn chặn tái trồng cây thuốc phiện ở vùng cao, chăm lo công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số", ông Khánh nhấn mạnh.

“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem