Từ điểm cao trên đường biên giới Việt - Trung nhìn về trung tâm Yên Khoái thấp thoáng những mái nhà sàn ngói đỏ, những ngôi nhà kiên cố cao tầng nằm ẩn mình sau những khu vườn xanh mướt.
|
Chăn nuôi lợn đặc sản là một hướng đi mới cho đồng bào Yên Khoái. |
Mất đất vẫn lạc quan
Xã Yên Khoái có 675 hộ, đa phần là đồng bào Tày, Nùng thuộc 8 bản, trong đó 4 bản nằm sát đường biên cửa khẩu Chi Ma. Những năm trước, do canh tác thuần nông nên người dân đói ăn, thiếu mặc quanh năm; trình độ dân trí thấp, rất ít trẻ được đến trường.
Câu chuyện về sự "đổi đời" của Yên Khoái được bắt đầu ngay sau khi Nhà nước phê duyệt quy hoạch xây dựng cửa khẩu Chi Ma thành cửa khẩu quốc tế. Như cánh cửa bấy lâu bị đóng kín nay được mở rộng, tiềm năng con người bắt đầu được đánh thức.
Chủ tịch xã Lê Văn Hòa rất vui: "Trước đây chục năm, người dân Yên Khoái chẳng ai dám mơ đường thôn ngõ bản được bê tông hóa, trạm xá được xây mới, trường tiểu học và THCS đạt chuẩn quốc gia... Những hộ nằm trong diện phải di dời lên khu tái định cư rất ủng hộ chủ trương, ai cũng tin rằng, khi cửa khẩu Chi Ma phát triển, cơ hội đổi đời cũng theo về".
"Khi đất trồng trọt bị thu hẹp để dành diện tích cho xây dựng cửa khẩu, ban đầu tôi và nhiều bà con rất lo. Nhờ được chính quyền hỗ trợ về vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, gia đình tôi đã chuyển từ trồng trọt một năm đôi vụ sang chăn nuôi hàng hóa. Giờ thì cái đói, cái nghèo đã không còn là nỗi ám ảnh của gia đình tôi nữa" - ông Lường Văn Hạnh ở bản Long Đầu chia sẻ.
Cuộc sống đổi thay
Chính việc đổi mới trong nếp sống, nếp nghĩ mà đời sống của người dân Yên Khoái đã đổi thay rất nhiều. Đó là tấm gương xóa đói nghèo, vươn lên làm giàu của gia đình ông Mã Văn Thơ ở bản Khoai. “Từ hai bàn tay trắng, nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, đến nay vợ chồng tôi đã có 2 mẫu ruộng đủ cung cấp lương thực cho cả nhà. Đàn lợn, vịt gần 200 con và kinh doanh dịch vụ, cung ứng phân bón cho bà con trong vùng, kết hợp với nguồn thu từ 2 ô tô chở vật liệu, hàng hóa, mỗi năm gia đình tôi thu về trên 100 triệu đồng lãi" - ông Thơ cho biết.
Chúng tôi phấn đấu đưa bình quân lương thực tăng hàng năm; 100% số hộ ở nhà ngói; 85% số hộ dùng điện lưới quốc gia, nước sạch ...
Ông Lê Văn Hòa
- Chủ tịch UBND xã Yên Khoái
Chẳng riêng gia đình ông Thơ, hiện Yên Khoái có cả trăm gia đình làm ăn khá giả. Kinh tế phát triển, nhiều hộ đã mua xe máy, ti vi, tủ lạnh, các vật dụng phục vụ sản xuất... Xã đã có hơn 50 ôtô chở khách và vận tải, hơn 400 xe công nông, máy công cụ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đẩy mạnh, tiến tới xây dựng các mô hình bản du lịch văn hóa ven cửa khẩu. Tất cả các bản của xã đã xây dựng được quy ước, hương ước làng bản theo nếp sống mới.
"Chúng tôi xác định hướng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới theo cơ cấu: Nông, lâm nghiệp - dịch vụ - thương mại. Địa phương đang tập trung đẩy mạnh, khuyến khích người dân phát triển sản xuất hàng hóa; quy hoạch, mở rộng các hình thức chợ, HTX dịch vụ doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm thu hút lao động và tạo nguồn thu cho địa phương" - Chủ tịch UBND xã Lê Văn Hòa khẳng định.
Yên Sơn - Nguyễn Trương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.