Yêu cầu đeo vòng truy xuất nguồn gốc thịt heo ở TP.HCM là... thừa?

Chủ nhật, ngày 22/10/2017 07:00 AM (GMT+7)
Sau hai vụ phát hiện hàng ngàn con heo chích thuốc an thần ở TP.HCM, rà soát lại các khâu mới giật mình nhận thấy việc quản lý miếng thịt đang có nhiều lỗ hổng, chồng chéo, có khi vì lợi ích của một số cơ quan...
Bình luận 0

Quản lý lòng vòng

Từ ngày 16.10, sở Công thương TP.HCM quy định từng con heo đưa vào thành phố giết mổ, tiêu thụ bắt buộc phải đeo vòng. Như vậy, một con heo đưa vào thành phố đang chịu sự quản lý của ba đơn vị, gồm: ban Quản lý an toàn thực phẩm (giám sát chất lượng miếng thịt); cơ quan thú y (quản lý dịch tễ, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch); và cuối cùng là sở Công thương (quy định phải đeo vòng để truy xuất nguồn gốc). Ba đơn vị có ba cách làm riêng gắn liền với các lợi ích riêng, nhưng cùng hướng đến mục tiêu là quản lý miếng thịt sao cho đạt vệ sinh an toàn thực phẩm.

img

Thịt và người lẫn lộn ở chợ Bình Điền, quận 8, TP.HCM. Trong số hàng ngàn tấn thịt về chợ mỗi đêm, cơ quan chức năng không thể giám sát hết tình trạng bơm nước, chích thuốc, heo ăn thuốc tăng trọng.

Chưa nói đến vấn đề pháp lý, nhìn cách quản lý như vậy đã thấy chồng chéo, trùng lắp, rối rắm và đôi khi không đúng chức năng. Sở Công thương không có đủ nhân lực, tài lực để đi làm cái việc “truy xuất nguồn gốc miếng thịt”. Có chăng, chức năng nhiệm vụ của họ chỉ dừng lại ở việc quản lý nhãn mác hàng hoá, thủ tục đăng ký, giám sát thị trường... Cũng vì không đủ năng lực, tài lực, nên bằng chứng là đã tám tháng qua, đề án heo đeo vòng do sở này quản lý, đến nay vẫn rối, mang nặng tính hình thức, không có kết quả. Thương lái, tiểu thương, nông dân vẫn đối phó với việc đeo vòng cho heo. Chưa kể, những trang trại heo nuôi theo mô hình VietGAP, GlobalGAP; hay trong dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (Lifsap) đã có đầy đủ thông tin truy xuất, nên việc yêu cầu phải đeo vòng nữa là… thừa.

Còn với lực lượng thú y, tấm giấy kiểm dịch của cơ quan này đã không mang lại sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Đôi khi, chính tấm giấy kiểm dịch lại là “tấm bùa” để thương lái lợi dụng, lộng hành. Thời gian qua, hàng ngàn con heo đưa vào thành phố giết mổ, tiêu thụ, dù có giấy kiểm dịch vẫn không lấy gì đảm bảo an toàn. Chúng vẫn bị bơm nước, chích thuốc, cho ăn chất tăng trọng như thường.

Bán thịt có điều kiện, quy về một đầu mối

Một số chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm, cho rằng, thành phố nên để cho một đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về miếng ăn, đó là ban Quản lý an toàn thực phẩm là hợp lý nhất. Mới đây, khi trở lời báo chí về vụ heo chích thuốc an thần, cũng vì nhận thấy được cơ chế quản lý quá bất cập, lỏng lẻo nên bà Phạm Khánh Phong Lan, trưởng ban này, đã ngỏ ý với các đơn vị là “hãy giao hết việc quản lý thực phẩm cho chúng tôi!”.

Thực tế, mô hình quản lý thực phẩm ở các nước cũng quy về một đầu mối, chứ không “chia đều” như ở ta.

Khi đưa miếng thịt vào diện có điều kiện, điều đầu tiên là phải quy định có nguồn gốc xuất xứ, giết mổ ở nhà máy đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bán ra thị trường phải có bao bì, nhãn mác, bảo quản trong tủ mát. Đây là những điều kiện bắt buộc, ai muốn kinh doanh, buôn bán phải đáp ứng được các điều kiện này và phải được cấp phép.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm được Chính phủ cho thí điểm thành lập, nên hoàn toàn có thể xây dựng cơ chế, chính sách quản lý miếng thịt riêng, mang đặc thù cho thành phố, mà không bị ràng buộc bởi các luật định hiện hành. Vụ việc ban này từng đề xuất tiêu huỷ hàng ngàn con heo chích thuốc an thần, là ví dụ. Luật Thú y không có điều khoản tiêu huỷ. Ban Quản lý an toàn thực phẩm được giao cơ chế quản lý, sáp nhập phần việc của sở Công thương, sở Nông nghiệp, chi cục Quản lý an toàn thực phẩm thành phố, nên có thể thiết lập ngay được cơ chế, chính sách; đồng thời đưa miếng thịt vào diện kinh doanh có điều kiện.

Bán thịt có điều kiện chắc chắn sẽ chấm dứt tình trạng ba không: không lý lịch, không tên tuổi, không được bảo quản ở các chợ. Bán thịt có điều kiện cũng đồng nghĩa với việc người làm tốt được bào vệ, loại trừ người làm xấu. Lúc đó, chắc chắn có doanh nghiệp nhảy vào đầu tư nhà máy giết mổ hiện đại, tổ chức trang trại nuôi riêng hoặc liên kết với doanh nghiệp trong hệ thống, hoặc với nông dân để mua heo về giết mổ, sau đó pha lóc, đóng gói đưa ra thị trường.

Lâu nay, sở dĩ chưa có doanh nghiệp nào dám đầu tư, kinh doanh khép kín miếng thịt từ trang trại đến bàn ăn, là họ sợ môi trường kinh doanh sạch, bẩn lẫn lộn. Nếu có cơ chế, điều kiện ràng buộc hẳn hoi thì chắc chắn họ sẽ đầu tư, sẽ giảm khâu trung gian, giảm giá thành,người dùng ăn thịt an toàn. Còn cứ để cho hàng chục ngàn tiểu thương, hàng trăm thương lái cùng xúm vào bán thịt thì giá vừa đội lên, vừa mất an toàn.

Con heo, khi có bàn tay doanh nghiệp “nhúng” vào, quản lý từ trang trại đến bàn ăn sẽ truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Doanh nghiệp cũng tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình, chứ không cần sở Công thương phải lấy tiền ngân sách làm đề án đeo vòng thay cho họ nữa. Còn giới tiểu thương, họ phải bỏ ngay thói quen truyền thống lấy thịt từ chợ đầu mối đưa về chợ lẻ bán từ sáng tới chiều. Đổi lại, họ phải sắm tủ mát (hoặc doanh nghiệp cấp cho họ), lấy thịt đóng gói sẵn từ doanh nghiệp. Người tiêu dùng muốn ăn thịt thì cứ thế tới lựa, đem về chế biến.

Bên cạnh đưa thịt vào diện kinh doanh có điều kiện, có lẽ cũng phải đến lúc đưa ra quy định kiểm tra vi sinh, vi khuẩn đối với miếng thịt. Trên thế giới, các tiêu chuẩn về vi sinh, vi khuẩn áp dụng riêng cho mặt hàng thịt đều có, chỉ có Việt Nam, đến nay chưa xây dựng được khung pháp lý cho thịt sản xuất nội địa, tuy chúng ta vẫn có luật riêng để quản lý thịt nhập khẩu. Theo chuyên gia về thực phẩm Vũ Thế Thành, miếng thịt tiếp xúc với môi trường bên ngoài càng lâu, mức nhiễm vi sinh, vi khuẩn càng cao. Lý do là ngay sau giết mổ, các biến đổi sinh hoá trong thịt vẫn tiếp tục xảy ra theo chiều hướng tự phân giải. Do đó, nếu thịt để lâu bên ngoài, thịt chợ chiều chẳng hạn, chất lượng miếng thịt bị thay đổi, cấu trúc thịt lỏng lẻo hơn, thịt có mùi ôi, mức dinh dưỡng kém đi. 

“Muốn miếng thịt được xem là an toàn, phải kiểm soát con heo trước giết mổ (quá trình nuôi, kiểm dịch thú y). Sau giết mổ mới là vấn đề bảo quản, trữ mát, hạn chế tối đa tiếp xúc với con người và môi trường bên ngoài để tránh nhiễm chéo”, ông Thành nói. 

Bảo Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem