Zara, H&M kiếm nghìn tỷ, thời trang Việt lại "lép vế", vì sao?
Zara, H&M kiếm nghìn tỷ, thời trang Việt lại "lép vế" trên sân nhà, vì sao?
Hồng Phúc
Chủ nhật, ngày 16/05/2021 11:05 AM (GMT+7)
Adidas, Zara, H&M dẫn đầu thị phần thời trang tại Việt Nam với doanh thu lên đến hơn nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp thời trang Việt đang chịu cảnh "lép vế". Vì sao?
Hồi đầu tháng 4/2021, cộng đồng mạng Việt Nam dậy sóng trước thông tin H&M thay đổi bản đồ online trên website phiên bản tiếng Trung, có thêm đường lưỡi bò phi pháp. Nhiều người đã đồng loạt kêu gọi tẩy chay H&M.
Tuy nhiên, trái với sự phẫn nộ, người Việt vẫn kéo đến H&M mua sắm. Tại TP.HCM, các cửa hàng H&M tấp nập. Đợt lễ 30/4 - 1/5, khi thương hiệu thời trang Thuỵ Điển này chạy các chương trình khuyến mãi, khách càng đông hơn.
Ghi nhận thời điểm đó, H&M Vincom Đồng Khởi nườm nượp người, nhiều thời điểm, khách phải xếp hàng chờ thử quần áo và thanh toán. Zara nằm cạnh H&M, không vướng lùm xùm nên càng đông khách hơn. Đối diện H&M và Zara, nằm trong một trung tâm thương mại khác nhưng Uniqlo thậm chí còn nhộn nhịp hơn, số lượng người mua thực lấn át lượng khách tham quan.
Được sự ủng hộ nhiệt tình của người Việt, các thương hiệu thời trang ngoại đã kiếm bộn tiền khi bước chân vào Việt Nam.
Theo báo cáo thường niên của H&M, năm 2017, hãng đạt doanh thu 227 tỷ đồng tại Việt Nam, dù mới kinh doanh được vài tháng. Năm 2018, doanh thu H&M Việt Nam đạt 760 tỷ đồng; năm 2019, vượt ngưỡng nghìn tỷ, đạt 1.116 tỷ đồng.
Năm 2016, Zara Việt Nam ghi nhận đạt 321 tỷ đồng doanh thu. Năm 2017, tính luôn một loạt thương hiệu "anh em" với Zara là Massimo Dutti, Pull & Bear và Stradivarius (do cùng được tập đoàn Mitra Adiperkasa phân phối), doanh thu đạt hơn 1.100 tỷ đồng. Năm 2018, vọt tăng lên gần 1.700 tỷ đồng. Dù có nhiều thương hiệu nhưng Zara vẫn chiếm phần lớn doanh thu.
Còn Uniqlo, dù hiện chưa công bố số liệu về doanh thu và lợi nhuận nhưng "ông lớn" thời trang Nhật Bản đã liên tục mở thêm nhiều cửa hàng mới, kể từ khi đặt chân vào Việt Nam hồi cuối năm 2019. Cách đây hơn nửa tháng, Uniqlo vừa có thêm 1 cửa hàng mới tại Vincom Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM), nâng tổng số cửa hàng trên cả nước lên con số 8.
"Ngày càng nhiều thương hiệu quốc tế gia nhập thị trường Việt Nam và ngày càng chiếm ưu thế như H&M, Zara, Uniqlo… Hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ hàng tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam", báo cáo của Virac nhận định.
Số liệu từ Euromonitor cũng chỉ ra chính các "ông lớn" thời trang ngoại đang dẫn đầu thị trường ngành thời trang Việt Nam. Cùng với Adidas, ông chủ sở hữu Zara và H&M đang là 3 doanh nghiệp giữ thị phần nhiều nhất trên thị trường thời trang Việt.
Thời trang Việt lép vế, vì sao?
Trong khi các thương hiệu thời trang ngoại được lòng người Việt và ngày càng xuất hiện nhiều tên tuổi mới, thì các thương hiệu thời trang nội địa của Việt Nam vốn đã ít nay lại càng teo tóp hơn.
"Doanh nghiệp thời trang nội địa từ lâu đã bị lép vế trên sân nhà, nay lại càng điêu đứng", Virac nhận định. Vì vậy, dù là sân nhà nhưng các doanh nghiệp thời trang Việt với các thương hiệu quen thuộc như Biti's, Canifa, Việt Tiến, May 10… phải xếp sau Adidas, Zara và H&M.
Không khó bắt gặp cảnh nhiều cửa hàng Việt Tiến, Canifa, An Phước… bên trong các trung tâm thương mại, nhưng số lượng người ghé vào mua sắm lại đếm trên đầu ngón tay.
Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay cũng đẩy các doanh nghiệp thời trang Việt gặp khó. Bằng chứng là một loạt cửa hàng thời trang từ có thương hiệu đến không có thương hiệu trên các con đường thời trang ở TP.HCM như Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ, Nguyễn Trãi… phải đóng cửa, trả mặt bằng.
Theo các chuyên gia trong ngành may mặc - thời trang, thời trang Việt đã mất lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại từ rất lâu. Nguyên nhân chủ yếu là do mẫu mã thiết kế còn nghèo nàn, quy mô nhỏ. Đồng thời, các doanh nghiệp thời trang Việt có tiếng đều tập trung vào dòng trang phục công sở, comple, sơ mi, quần tây…
Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM - ông Phạm Xuân Hồng, nhận định tâm lý người Việt yêu thích các thương hiệu nổi tiếng và khi các đại gia ngoại vào Việt Nam đều được đón nhận khá tốt. Đi theo hướng thời trang nhanh, mẫu mã đa dạng và phân khúc giá phù hợp với nhiều người nên các thương hiệu thời trang ngoại khi vào Việt Nam được người Việt ưa chuộng.
Phía Virac cũng chỉ ra một loạt nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp thời trang Việt thất thế. Trong đó có điểm yếu về truyền thông đưa tên tuổi ngành thời trang Việt Nam ra thế giới, bởi về chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp Việt vốn không thua kém.
"Các doanh nghiệp Việt Nam nhận gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới nên chất lượng sản phẩm thực tế không quá chênh lệch nếu so với sản phẩm của nhiều thương hiệu nước ngoài", Virac nhận định, kèm theo đó là làng mốt Việt có những tài năng được quốc tế đánh giá cao.
Một điểm trừ lớn khác là hàng giả, hàng nhái tại chợ, cửa hàng và các sàn thương mại điện tử gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt. Nhiều thương hiệu trẻ thậm chí còn sao chép mẫu từ các thương hiệu quốc tế và bán giá rẻ nhằm thu lợi mà không hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.