'Lép vế' trước Adidas, Zara, H&M, vướng Covid-19 thời trang Việt càng điêu đứng

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 15/05/2021 15:01 PM (GMT+7)
Sự đổ bộ của nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài đã đẩy ngành thời trang Việt vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng thu hẹp hơn. Thêm cú đánh bồi của Covid-19, thời trang Việt càng điêu đứng.
Bình luận 0

Theo công bố mới đây của Virac (Công ty CP Nghiên cứu ngành và tư vấn Việt Nam), Covid-19 đã tác động mạnh đến ngành thời trang Việt Nam năm 2020. Thời trang Việt vốn đã "lép vế" trước các "ông lớn", nay lại càng điêu đứng hơn.

Cú đấm của Covid-19 tới ngành thời trang Việt

Đầu năm 2020, các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp thời trang, may mặc phải đóng bớt chi nhánh bán lẻ.

Doanh thu thị trường thời trang năm 2020 giảm hơn 10% so với năm 2019 dưới tác động của dịch bệnh. Trong đó, quần áo vẫn đóng góp doanh thu lớn với hơn 50% trong tổng doanh thu toàn ngành.

"Lép vế" trước Adidas, Zara, H&M, thời trang Việt nay càng điêu đứng hơn - Ảnh 1.

Covid-19 đẩy doanh thu trung bình trên mỗi khách hàng của ngành thời trang giảm. Nguồn: Virac.

Doanh thu trung bình trên một khách hàng giảm nhẹ trong năm 2020 do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Các khảo sát trước đây cũng cho thấy tâm lý tiêu dùng thời trang của người Việt là tiêu chí về giá cả luôn được đặt trên sự nổi tiếng của hãng, cộng thêm sự ảnh hưởng của dịch bệnh nên doanh số của các mặt hàng xa xỉ đã có sự sụt giảm đáng kể.

"Không chỉ làm suy giảm tổng doanh thu toàn ngành, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thời trang của các nhãn hiệu cao cấp cũng bị cắt giảm, do nhu cầu ưu tiên các nhu yếu phẩm khi thắt chặt chi tiêu trong thời điểm dịch bệnh", Virac nhận định.

Cứu cánh thời điểm đó với nhiều doanh nghiệp thời trang, may mặc là mặt hàng khẩu trang. Trong đợt bùng dịch đầu tiên, khẩu trang luôn trong tình trạng cháy hàng và là sản phẩm chủ lực giúp nhiều doanh nghiệp dệt may Việt tạo ra doanh thu. Nhiều doanh nghiệp Việt chuyển sang sản xuất và xuất khẩu khẩu trang để tạo doanh thu thay thế nhằm bám trụ trên thị trường.

Thời trang Việt lép vế trước Adidas, Zara, H&M

"Sự đổ bộ của nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài đã đẩy ngành thời trang nội vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng bị thu hẹp hơn", Virac nhận định.

Theo thống kê của Virac, hiện có hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Trong số đó, nhiều thương hiệu thời trang quốc tế như H&M, Zara, Uniqlo… đang chiếm ưu thế.

"Lép vế" trước Adidas, Zara, H&M, thời trang Việt nay càng điêu đứng hơn - Ảnh 2.

Các thương hiệu thời trang ngoại như Adidas, Zara, H&M rất được lòng người Việt. Ảnh: Hồng Phúc.

Số liệu từ Euromonitor cho biết 3 doanh nghiệp đứng đầu thị phần thời trang tại Việt Nam hiện nay đều là các doanh nghiệp nước ngoài sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng được người Việt ưa chuộng. 

Tuy nhiên, không có doanh nghiệp nào nắm quá 2% thị phần ngành thời trang Việt Nam.

Doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam hiện là Adidas với hai thương hiệu Adidas và Reebok, với 1,5% thị phần. Đứng thứ hai là Iditex với hàng loạt thương hiệu đình đám Zara, Bershka, Pull & Bear… Đứng thứ ba là H&M.

Sau các "ông lớn" ngoại mới đến các doanh nghiệp thời trang Việt với các thương hiệu quen thuộc như Biti's, Canifa, Việt Tiến, May 10… Một số thương hiệu nội địa như Foci dù từng được coi là "hàng hiệu" với chuỗi cửa hàng số lượng lớn những cũng đã phải đóng cửa. 

Theo Virac, một số thương hiệu nội địa được xem là có chỗ đứng trên thị trường như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, May 10… cũng chỉ tập trung ở phân khúc sản phẩm công sở. Tuy nhiên, doanh số tiêu thụ trang phục trong năm 2020 lại ghi nhận giảm đáng kể ở nhóm quần áo công sở như comple, sơ mi, quần tây… vì Covid-19.

"Doanh nghiệp thời trang nội địa từ lâu đã bị lép vế trên sân nhà, nay lại càng điêu đứng", Virac nhận định.

Đáng chú ý, dù "lép vé" so với các "ông lớn" ngoại nhưng Virac cho rằng thực tế chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam không thua kém gì các sản phẩm của nhiều thương hiệu nước ngoài. Bởi nhiều doanh nghiệp Việt nhận gia công cho nhiều hãng thời trang lớn trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem