10 năm thành lập Báo điện tử Dân Việt: Bồi hồi nhớ thuở sơ khai và chuyện ít biết về cái tên Dân Việt

Nhóm P.V Thứ tư, ngày 25/11/2020 21:32 PM (GMT+7)
“Ngày đầu thành lập, Báo Điện tử Dân Việt là một ban nhỏ nhất cơ quan. Chỗ ngồi là một phòng nhỏ mượn tạm nằm trong góc khuôn viên trụ sở Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư tại 103 Quán Thánh”, nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt nhớ lại những ngày đầu Dân Việt hòa mạng Internet 10 năm trước.
Bình luận 0

Khó nhất là thay đổi tư duy

Nghĩ về những ngày đầu cách đây 10 năm, nhà báo Lưu Quang Định - Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt bồi hồi nhớ lại, Ban Biên tập Báo NTNN khi ấy quyết định xây dựng Báo Điện tử Dân Việt từ con số 0, hoàn toàn tự lực cánh sinh. "Không có nguồn ngân sách nào từ Nhà nước. Không có "đại gia" chống lưng cả về tài chính và công nghệ - hai yếu tố quan trọng nhất của một tờ báo điện tử"- nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại.

Bồi hồi nhớ thuở sơ khai và chuyện ít biết về cái tên Dân Việt - Ảnh 1.

Ngày 8/6/2010, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường (áo xanh) đã bấm nút xuất bản bản tin đầu tiên trên báo điện tử Dân Việt, chính thức ra mắt tờ báo và tặng hoa chúc mừng Ban Biên tập cùng tập thể những người làm Báo NTNN/Dân Việt. Ảnh: N.Y

"Dân Việt là một cái tên đẹp, ngắn gọn, bao quát và cũng rất thuần Việt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hiểu "cái áo không làm nên thầy tu", tên đẹp chỉ là điều kiện ban đầu. Tờ báo có chỗ đứng trong lòng bạn đọc hay không lại phụ thuộc vào nội dung, vào nỗ lực không ngừng của người làm báo Dân Việt".

Nhà báo Lưu Quang Định -

Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt

Không có hậu thuẫn nên khi ấy, Dân Việt chỉ là một ban nhỏ nhất cơ quan gồm có 6 người. "Cơ ngơi" là một phòng nhỏ mượn tạm nằm sâu trong góc khuôn viên trụ sở Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư (số 103 Quán Thánh). Khi trời mưa, nước nhỏ tong tỏng xuống sàn nhà. Cơ sở vật chất như vậy, đến những thứ thiết yếu như máy tính, cũng chỉ mới có vài ba cái, cũng là máy tận dụng lại.

Trưởng Ban báo Điện tử Dân Việt đầu tiên là nhà báo Phạm Hữu Quang – từ Báo Tiền Phong chuyển về (nay là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay). Nhà báo Hữu Quang nhớ lại, khi ấy vừa làm vừa mò mẫm học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp.

Sau một thời gian đầu gây dựng nền tảng, nhà báo Hữu Quang chuyển đi thì nhà báo Đỗ Lê Thăng (khi đó vừa chuyển từ Báo Lao Động sang) thay thế...

Nhân lực của Dân Việt lúc đó đều là các bạn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. "Nhưng đổi lại, đó là những con người đam mê, nhiệt huyết và luôn sẵn sàng học hỏi"- nhà báo Lưu Quang Định đánh giá.

Tổng Biên tập Báo Dân Việt/NTNN thừa nhận, xây dựng một tờ báo điện tử mới hoàn toàn đã gặp phải rất nhiều khó khăn, nhưng xây dựng một tờ báo điện tử trên nền tảng một tờ báo in như NTNN còn gặp phải thách thức gấp bội.

"Mà cái khó nhất là thay đổi thói quen, cung cách làm báo. Tất cả PV, BTV lúc đó chỉ quen làm báo giấy, có người làm tới 20 – 30 năm. Phóng viên họp báo xong là ra quán cà phê trò chuyện, trưa gặp gỡ bạn bè, chiều tà tà đến cơ quan viết một bản tin gửi tòa soạn để báo giấy đăng sáng mai. Nay làm điện tử, phải chạy đua từng phút. Tin lên sau báo bạn 15 phút là đã thua…"- ông Định nhớ lại.

Khi bắt đầu xây dựng Dân Việt, Ban Biên tập tin rằng, báo điện tử sẽ ngày càng thắng thế so với báo giấy do sự phát triển của công nghệ. Do vậy, việc phát triển song song cả báo giấy và báo điện tử là điều tất yếu.

Vậy là cả tập thể Báo NTNN lại trở thành một trường học lớn, nơi tất cả - từ Ban Biên tập tới mỗi PV, BTV – phải tự điều chỉnh, đào tạo lại mình cả về kỹ năng lẫn nhận thức. Quá trình này đòi hỏi sự trăn trở, khắc khoải và kiên trì. Thực tế là tờ "báo mẹ" càng lớn, việc chuyển đổi sang báo điện tử lại càng khó khăn.

Suốt những năm đầu Dân Việt ra đời, Ban Biên tập đã bền bỉ xây dựng bộ máy tòa soạn theo hướng hội tụ dần, làm quen với việc vừa làm báo giấy, vừa làm điện tử. Bên cạnh thay đổi kỹ năng làm việc của PV, BTV, mô hình tổ chức của tòa soạn cũng phải cải tiến.

Đến đầu năm 2017, Ban Biên tập bắt đầu cuộc "cách mạng" hội tụ tòa soạn một cách triệt để, từ một đầu vào (tin bài của phóng viên) tạo ra nhiều đầu ra (tin bài cho cả báo giấy và điện tử).

Mô hình Tòa soạn hội tụ là từ một luồng thông tin đầu vào, bắt buộc phải tạo ra ít nhất hai đầu ra khác nhau cho báo điện tử và báo giấy. Với báo điện tử, thông tin phải đảm bảo nhanh nhạy tức thời, đặc biệt phải có hỗ trợ đa phương tiện (hình ảnh, âm thanh, clip). Trong khi đó, báo giấy vẫn phải đảm bảo thời sự và nhất là có tính chuyên sâu, riêng biệt.

Vì sao báo tên là Dân Việt?

Chia sẻ về cái tên báo, nhà báo Lưu Quang Định cũng có những lý giải thú vị. Ngay từ những năm 2007-2008, Ban Biên tập Báo NTNN, đứng đầu là nhà báo Võ Mai Nhung - Tổng Biên tập - đã có ý tưởng đổi tên báo giấy NTNN thành báo Dân Việt. Nhiều người hỏi tại sao lại lấy tên là Dân Việt? Chúng tôi giải thích: Dân Việt nghĩa là người dân Việt Nam. Nông dân Việt Nam chiếm gần 70% dân số, nên tờ báo của nông dân Việt Nam lấy tên là Dân Việt cũng là hợp lý.

Cũng có vị thắc mắc: Sao cái tên này như báo hải ngoại? Hình như bên hải ngoại cũng có tờ Dân Việt? Chúng tôi lại phải thuyết phục: Nếu thế trong nước lại càng phải có tờ Dân Việt để khẳng định đây mới là Dân Việt "xịn".

Ban Biên tập đã xin ý kiến cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý, chỉ đạo báo chí, đã tổ chức mấy cuộc hội thảo, mọi việc đã hòm hòm… Nhưng rồi, việc chuẩn bị đổi tên tờ báo giấy NTNN gần xong thì có một chút trục trặc kỹ thuật nên không thành.

Đến năm 2010, khi Ban Biên tập báo NTNN có ý định xây dựng một tờ báo điện tử thì lúc này, cái tên Dân Việt lại quay trở lại trong suy nghĩ. Thật may, lần này mọi việc đã diễn ra suôn sẻ. Và rồi, Báo điện tử Dân Việt được chính thức cấp phép, bấm nút hòa mạng Internet, ra mắt độc giả trong và ngoài nước vào ngày 8/6/2010.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem