Nấm mỡ, hay còn gọi là nấm trắng, có hình thù đặc trưng: Cả cuống và mũ nấm đều trắng toát và có hình tròn như nửa quả cầu. Đường kính của nó có thể đạt từ 3-8cm. Nó là loại nấm ưa khí hậu mát mẻ, giai đoạn phát triển hệ sợi cần khoảng 24-28 độ C và giai đoạn ra nấm cần lạnh (từ 15-18 độ C). Như vậy, nấm mỡ chỉ có thể trồng ở phía Bắc vào mùa đông hoặc ở Đà Lạt.
Bà con có
thắc mắc hay mong muốn được chia sẻ, tư vấn về các vấn đề liên quan đến
hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, học tập kinh nghiệm từ các mô hình,
điển hình làm giàu từ nghề nông... có thể gửi câu hỏi về email: ketnoinhanong@gmail.com để được chuyên gia tư vấn, giải đáp.
Nấm mỡ được trồng đầu tiên ở nước Pháp (năm 1650) nhưng mãi tới những năm 80 của thế kỷ trước nó mới được đưa vào trồng ở Việt Nam. Khác với các loại nấm ăn khác, nấm mỡ không cần ánh sáng. Nó cần môi trường nuôi cây có pH từ 7-8 và độ thông thoáng vừa phải. Đặc biệt, nấm mỡ không sử dụng xen-lu-lô trực tiếp như các loại nấm khác. Ta cũng dùng rơm rạ để trồng nấm mỡ nhưng các loại nguyên liệu đó phải được ủ kỹ và trộn thêm các loại phụ gia. Sau một thời gian, nguyên liệu phải mềm và ải ra. Người ta gọi nó là compost. Đấy mới là nguyên liệu để trồng nấm mỡ.
Thời vụ ủ nguyên liệu tốt nhất là từ 1/10-5/12. Mỗi tấn rơm khô ta trộn thêm 5kg urê, 20kg đạm sunphat, 30kg bột nhẹ (CaCO3) và 30kg super lân. Nếu có phân gà thì ta ủ theo công thức: 1 tấn rơm khô với 3kg urê, 150kg phân gà khô và 30kg bột nhẹ. Lưu ý, trước khi ủ, ta phải làm ướt đều rơm. Trong lúc ủ, ta phải đảo rơm 3-4 lần (mỗi lần cách nhau 3-4 ngày). Đống rơm nóng rực lên, có khi tới 60-70 độ C. Rơm sẽ mềm và tơi ra. Thể tích của đống rơm sẽ giảm dần. Kết thúc lần đảo thứ 4, ta để cho đống rơm hạ nhiệt dần tới 28-30 độ C. Lúc này ta mới đưa rơm xếp vào luống. Ta rũ tơi để nó bay hết hơi nóng. Kiểm tra độ ẩm cho phù hợp. Ta xếp nó vào luống với độ dày từ 12-14cm. Nhớ nén chặt. Sau đó, lại rải tiếp một lớp nữa với độ dày 4-5cm. Cứ 1 tấn rơm khô, sau khi ủ và vào luống, nó chỉ còn diện tích từ 40-45m2. Ta rải rơm thành luống trên nền nhà sạch hoặc trong các lán trại có trải nylon bên dưới. Nhớ đục lỗ để nylon thoát được nước. Giữa các luống rơm phải dành chỗ cho lối đi. Ta dùng ván gỗ hoặc phên tre để nẹp cho luống rơm. Đơn giản nhất là dùng bùn ướt chát xung quanh luống rơm để định hình và giữ ẩm cho luống.
Ta rắc giống lên trên. Dùng tay hoặc dùng cào sắt nhỏ để lùa giống lọt xuống lớp rơm rạ sâu từ 4-5cm. Sau đó, phủ lên trên một lớp compost dày 2cm. Khoảng 12-15 ngày sau, sợi nấm sẽ mọc kín mặt. Lúc đó, ta phải dùng một lớp đất cục để phủ lên trên với chiều dày 2,5-3cm. Nấm sẽ mọc lên qua lớp đất đó (nếu không có đất, nấm không mọc!). Sau khi phủ đất 3-4 ngày mới được tưới nước cho ẩm. Giữ ẩm cho đất như giữ ẩm cho đất gieo hạt giống. Chỉ 15-20 ngày sau, nấm sẽ bắt đầu mọc...
Trồng nấm mỡ không đơn giản nhưng hiệu quả rất cao. Hãy cố trồng nấm mỡ!
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com ( Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng phụ trách Email: 1001cachlaman@gmail.com)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.