2 năm tam nông khởi sắc Bài 4: Đổi mới quy hoạch sản xuất

Thứ năm, ngày 18/11/2010 09:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chất lượng nông sản không được chú trọng, quy mô sản xuất manh mún, bị nước ngoài đánh cắp thương hiệu làm đời sống nông dân điêu đứng...”- GS Nguyễn Lân Dũng (đại biểu Quốc hội tỉnh Đăk Lăk) nhận xét như vậy khi trao đổi với NTNN về những điều “đáng tiếc” cho nền nông nghiệp nước ta việc thực hiện Nghị quyết tam nông theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá.
Bình luận 0

Thưa Giáo sư, một trong những mục tiêu của Nghị quyết tam nông là đưa nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, quy mô lớn. Theo Giáo sư hiện nay mục tiêu đó được thực hiện đến đâu?

- Đất nước ta có khí hậu nhiệt đới, rất thuận lợi trong việc trồng trọt, chăn nuôi. Nhưng thực tế, năm nào chúng ta cũng nghe nói đến bọ rầy, đạo ôn, dịch bệnh trên vật nuôi; thị trường nông sản luôn luôn bất ổn.

Tôi xin nêu một số ví dụ như ở Đăk Lăk, quả bơ rất ngon nhưng đến mùa không tiêu thụ được. Vải cũng vậy, đưa lên cửa khẩu vào buổi sáng thì giá cao, còn buổi chiều thì giá rất thấp vì không kịp đưa đi chế biến. Việc phát triển nông sản hàng hoá là một vấn đề rất lớn, có tính quyết định nhưng những gì chúng ta đã làm là đang rất hạn chế.

Điểm yếu nhất trong việc để đưa nông sản thành hàng hoá có giá trị cao là gì, thưa Giáo sư?

- Hàng hoá trước hết phải sạch, nhưng hàng hoá của chúng ta có thực sự sạch? Đó là vấn đề cần phải xem xét nghiêm túc. Rõ nhất là chất lượng rau xanh đang vô cùng báo động, người nông dân thấy rau có sâu là phun thuốc ngay, phun thuốc xong là sơ chế liền. Thuốc nào càng độc, càng rẻ họ càng thích. Vì thế, dư lượng thuốc trừ sâu trong rau rất nhiều, gây nguy hại cho nhiều thế hệ. Những nỗ lực làm rau sạch tuy đã có nhưng còn rất hạn chế.

Nhưng có thực tế là ở một số nơi, khi bà con chuyển sang sản xuất nông sản sạch, thì lại khó tiêu thụ sản phẩm, vì giá thành quá cao. Để giải quyết cái vòng luẩn quẩn này, theo Giáo sư chúng ta cần bắt đầu từ đâu?

- Không chỉ sản xuất nông sản sạch mà chúng ta phải phát triển công nghệ chế biến. Thứ nữa, cũng như các mặt hàng khác, nông sản phải độc đáo. Nếu các nước đã sản xuất nhiều rồi, chúng ta không sản xuất nữa, cái gì còn ít và hiếm thì chúng ta làm.

Chẳng hạn, tôi đã công bố danh sách 50 cây có thể phòng chống ung thư theo một nghiên cứu rất công phu của Trung Quốc. Nhưng đáng tiếc là những thông tin về những sản phẩm độc đáo như vậy lại không mấy ai quan tâm. Chỉ đến khi thương nhân Trung Quốc sang thu mua, thì mới lùng sục đi đào bới khắp nơi khiến cho cạn kiệt.

Muốn sản xuất hàng hoá, thì phải làm trên quy mô lớn, phải tích tụ ruộng đất. Tuy nhiên, việc này đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu như không muốn nói rằng là “bí”. Xem ra đây là một mâu thuẫn rất lớn, thưa Giáo sư?

- Đa phần nông dân không thể đủ tiền để đầu tư những mô hình quy mô lớn. Việc này chỉ có doanh nghiệp mới làm được. Chúng ta cần khuyến khích nông dân cho các doanh nghiệp thuê lại đất. Doanh nghiệp thuê đất chứ không phải mua đất, không phải quay lại chế độ địa chủ.

Còn chủ trương dồn điền đổi thửa như vừa qua không mang lại hiệu quả, thậm chí không thể thực hiện được. Khi để doanh nghiệp thuê đất và họ tự tổ chức sản xuất, nông dân có thể đi làm thuê cho doanh nghiệp, khi đó họ không phải chịu trách nhiệm về sản phẩm bị thất thu hay tiêu thụ sản phẩm ra sao.

Con số thống kê của Bộ NN&PTNN đem ra suy ngẫm sẽ khiến chúng ta phải giật mình, hiện có đến 70 triệu thửa ruộng, một nông dân có nhiều thửa ruộng. Đó là điều vô lý.

Gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế đề cập đến việc phát triển kinh tế vùng trong nông nghiệp. Một vấn đề nổi lên hiện nay là, việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp nước ta vẫn chưa thực sự được quy hoạch rõ ràng, chi tiết. Phải chăng đã đến lúc cần có một quy hoạch vùng chi tiết hơn cho sản xuất nông nghiệp?

- Kinh tế vùng trong nông nghiệp phụ thuộc vào địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu... Những định hướng tạo ra một quy mô sản xuất lớn, liên tỉnh như vậy cũng rất nên ủng hộ. Việc các lãnh đạo tỉnh địa phương có thể có cái nhìn khác nhau về định hướng phát triển cây, con nông nghiệp, tạo rào cản trong phát triển kinh tế vùng hoàn toàn có thể khắc phục được.

Có điều, do đây là sản xuất quy mô rất lớn nên phải hết sức thận trọng trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp. Vừa qua, các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển cây cao su với diện tích lớn vì thấy ở Vân Nam (Trung Quốc) giáp biên giới nước ta trồng rất tốt. Tuy nhiên, đáng ra chúng ta phải trồng thử nghiệm trước khi trồng quy mô lớn như vậy. Nếu trồng quy mô lớn, liên tỉnh mà cây không cho thu hoạch mủ sẽ gây thiệt hại rất lớn.

Xin cảm ơn Giáo sư!

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại

Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới để phát triển sản xuất hàng hóa lớn với năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tăng nhanh sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nông sản, nâng cao thu nhập, đời sống nông dân, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp với từng loại cây, con.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa sang sử dụng vào mục đích khác đi đôi với việc bảo đảm lợi ích của người trồng lúa và địa phương trồng lúa. Bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ và giống phù hợp với nhu cầu thị trường và giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đẩy nhanh áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên một đơn vị đất canh tác.

(Trích dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 về phát triển nông nghiệp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem