3 chính sách về lao động, việc làm nổi bật năm 2022

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 30/12/2022 21:06 PM (GMT+7)
Chính thức tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng là 3 chính sách nổi bật về lao động, việc làm năm 2022.
Bình luận 0

Chính thức tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022

Sau 2 năm không tăng lương tối thiểu vùng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuối cùng Chính phủ cũng đã quyết định tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động trên cả nước.

Cụ thể tại Nghị định 38/2022/NĐ - CP, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022, mức lương tối thiểu vùng mới được quy định như sau:

Doanh nghiệp thuộc vùng

Mức lương tối thiểu tháng

Mức lương tối thiểu giờ

Vùng I

4.680.000 đồng/tháng

22.500 đồng/giờ

Vùng II

4.160.000 đồng/tháng

20.000 đồng/giờ

Vùng III

3.640.000 đồng/tháng

17.500 đồng/giờ

Vùng IV

3.250.000 đồng/tháng

15.600 đồng/giờ

Nhờ có việc tăng lương tối vùng mà tiền lương ngừng việc, tiền lương tối thiểu khi điều chuyển công việc, tiền trợ cấp thất nghiệp tối đa của người lao động cũng tăng theo.

Ngoài việc quy định tăng mức lương tối thiểu vùng theo tháng, Nghị định 38 cũng đã quy định cụ thể mức lương tối thiểu vùng theo giờ. Đây là cơ sở để bảo vệ quyền lợi về tiền lương cho những người lao động đang làm các công việc bán thời gian.

Bên cạnh mức lương tối thiểu vùng hàng tháng, một điểm mới trong tháng 7/2022 sẽ là về việc thay đổi từ lương tối thiểu tháng sang lương tối thiểu giờ.

tăng lương

Tăng lương tối thiểu vùng là một trong những thông tin nổi bật năm 2022. Ảnh:NK

Cụ thể, vùng 1 sẽ có mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ

Áp dụng quy định mới về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Từ ngày 9/9/2022, Thông tư 12/2022 quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí bắt đầu có hiệu lực thi hành. Theo đó, có những nội dung đáng chú ý sau đây:

Thời giờ làm việc

Người lao động làm công việc vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường ống phân phối khí và các công trình khí làm việc theo ca và phiên làm việc, cụ thể như sau:

Ca làm việc không quá 12 giờ trong 1 ngày. Phiên làm việc tối đa là 7 ngày.

Làm thêm giờ

Đối với thời gian làm thêm giờ, bảo đảm tổng số giờ làm việc của ca làm việc và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; số giờ làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm. Việc tổ chức làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động và tuân thủ quy định tại Điều 59 và Điều 62 Nghị định 145/2022/NĐ -CP. Việc tổ chức làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt tuân thủ quy định tại Điều 108 Bộ Luật Lao động năm 2019. 

Nghỉ trong giờ làm việc

Nghỉ trong giờ làm việc tuân thủ quy định tại Điều 109 Bộ luật Lao động 2019. Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.

Nghỉ chuyển ca; nghỉ lễ, tết; nghỉ hàng năm; nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương           

Việc nghỉ chuyển ca; nghỉ lễ, tết; nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương tuân thủ quy định tại Điều 110, Điều 112 và Điều 115 Bộ luật lao động 2019.

Nghỉ hàng năm tuân thủ quy định tại Điều 113 và Điều 114 Bộ luật lao động 2019. Trường hợp không thể bố trí nghỉ hàng năm cho người lao động, người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc nghỉ hàng năm vào thời gian nghỉ chuyển phiên.

Nghỉ chuyển phiên

Sau mỗi phiên làm việc, người lao động làm việc theo phiên được bố trí nghỉ liên tục với số ngày nghỉ bằng với số ngày làm việc trong phiên làm việc trước đó.

Làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tháng

Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH 15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/4/2022.

làm thêm giờ

Quy định về làm thêm không quá 60 giờ trong 1 tiếng. Ảnh: NN

Theo đó, tại khoản 1 điều 1 của Nghị quyết, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định như sau: Trường hợp người sử dụng lao động (NSDLĐ) có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp sau đây: NLĐ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nghị quyết quy định không áp dụng khoản 1 điều này đối với trường hợp quy định tại khoản 3 điều 107 của Bộ Luật Lao động.

Số giờ làm thêm trong 1 tháng được quy định: Trường hợp NSDLĐ được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

NSDLĐ có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, NSDLĐ thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.

 

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem