Đã bước sang giữa tháng 4 nên nắng trời ở miền núi Quảng Ngãi bắt đầu gay gắt. Mặc, những dây tiêu mọc trong rẫy vườn của nhiều gia đình người Hre ở xã Ba Khâm, Ba Trang... huyện miền núi Ba Tơ vẫn vươn lên tốt, với trái nặng oằn dây.
"Dù mùa đông vừa rồi mưa ít, lạnh... nhưng tiêu ra trái nhiều hơn mọi năm", ông Phạm Văn Kheo (ở thôn Hố Sâu, xã Ba Khâm) phấn khởi cho biết.
Không như ở đồng bằng, dây tiêu của các gia đình ở xã Ba Khâm được thả bò tự do trên trụ là những thân cây sống mọc tự nhiên trong vườn, rẫy và bìa rừng.
Với thói quen canh tác theo kiểu "gieo, trồng xuống rồi để tự phát triển", số tiêu của các gia đình nơi đây cũng không có bất kỳ sự chăm sóc hay bón loại phân thuốc nào. Đó là lý do mà nhiều người gọi những dây tiêu này là tiêu rừng.
Do sống trên vùng đất cằn và "tự sinh trưởng", hạt tiêu rừng nhỏ chỉ bằng phân nửa so với tiêu trồng ở đồng bằng nhưng hương vị vô cùng đặc biệt: Mùi thơm nhẹ, cay nhưng không gắt và hơi ngọt. Cho nên nhiều người còn sử dụng hạt tiêu rừng để ăn kèm hoặc giã mắm với ớt, tỏi...
Tiêu được người dân thả bò tự do trên các thân cây mọc tự nhiên ở trong rẫy, bìa rừng
Chính vì hương vị thơm, ngon và sạch như vậy, cho nên tiêu rừng được xem là một trong những loại đặc sản của đồng bào Hre ở Ba Tơ và ngày càng được nhiều người tìm mua. Theo đó, có thời điểm giá tiêu được bán lên trên 300.000 đồng/kg, cao hơn gấp 2-3 lần so với sản phẩm cùng loại trồng ở đồng bằng.
Tuy nhiên gần đây do cây rừng tự nhiên bị chặt phá để lấy đất trồng keo, nên số lượng tiêu rừng của người dân ở Ba Tơ đã giảm xuống rất nhiều, với số lượng chỉ từ 3-20 dây tiêu/nhà. Vì vậy chính quyền địa phương đang khuyến khích người dân phát triển mạnh hơn trở lại loại cây trồng này.
Dù thời tiết bất lợi, nhưng năm nay tiêu rừng vẫn sai trái hơn các năm trước.
Với vị thơm ngon đặc biệt và sạch nên tiêu rừng có giá bán cao hơn nhiều lần so với tiêu trồng ở đồng bằng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.