"Ước nguyện với thầy Võ Nguyên Giáp tôi chưa hoàn tất"

Chủ nhật, ngày 06/10/2013 13:12 PM (GMT+7)
"Tôi ở đó nhưng không thể nào vẽ được. Cảm xúc của người nghệ sĩ không đủ làm toát lên thần thái của vị tướng trước những khó khăn phải trải qua để đi đến quyết định lịch sử. Tôi thấy mình như mắc lỗi"..., Phan Kế An- một trong những họa sĩ Việt Nam nổi tiếng, tâm sự.
Bình luận 0

Người thầy đáng kính

Buổi sớm trời thu se lạnh, tôi đến thăm họa sĩ Phan Kế An tại ngôi nhà cổ trên phố Thợ Nhuộm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tôi thông báo với ông tin “Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa mới từ trần”. Họa sĩ An giọng thảng thốt “Người thầy kính yêu của chúng tôi đã ra đi rồi sao?”.

Họa sĩ An thăm thầy Giáp
Họa sĩ An thăm thầy Giáp

Nhớ lại lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cách đây khoảng 3 năm tại nhà riêng của Đại tướng, họa sĩ An kể: “Lúc đó Đại tướng mặc quân phục, khi tôi đến ôm hôn thầy để ra về, bất ngờ thầy nói nếu phụ nữ hôn êm hơn, tôi sực nhớ ra là mình chưa cạo râu. Sau câu nói dí dỏm đó cả thầy và tôi cùng cười. Thời gian sau thầy phải vào nằm điều trị đặc biệt ở Bệnh viện TƯ Quân đội 108 nên tôi không có cơ hội gặp lại”.

Năm 1937, họa sĩ An thi trượt Trường Bưởi nên đã vào Trường tư thục Thăng Long (ngõ Trạm, Hoàn Kiếm) để học.

“Tôi nhớ các thầy dạy ở Trường lúc đó có ông Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Phan Thanh và Võ Nguyên Giáp. Thầy Giáp dạy môn Sử, tôi và thầy thường hay trò chuyện bởi giữa chúng tôi khoảng cách về tuổi tác không lớn. Có lần thầy Giáp hỏi tuổi, tôi bảo em sinh năm Quý Hợi (1923), thầy liền bảo mình cũng tuổi Hợi (1911), rồi thầy nói vui 2 lợn đều gầy cả” – họa sĩ An nhớ lại.

Cũng như lứa học trò ở Trường, thời gian học tại đây họa sĩ An có cảm tình đặc biệt với thầy Giáp. “Chương trình học sử Pháp nhưng thầy Giáp luôn dùng những câu chuyện về cách mạng Pháp để đưa tinh thần cách mạng đó vào Việt Nam. Cách dạy đó vừa hấp dẫn, vừa khiến học sinh sôi nổi, quan trọng hơn nó đã khơi dậy được tinh thần yêu nước của tuổi trẻ” – họa sĩ An nói.

Một năm sau, họa sĩ An thi đỗ vào Trường Bưởi, nhưng thời gian học ở đây ông không được dạy những bài giảng như ở thầy Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh…vẫn dạy.

Bẵng đi một thời gian dài, sau Cách mạng tháng Tám (1945) họa sĩ An mới gặp lại người thầy đáng kính. “Lần đó thầy Giáp đi xem triển lãm mỹ thuật, thầy đến xem bức tranh của tôi rồi hỏi nhiều về chuyện vẽ, tôi xưng là học trò và nói lại chuyện ngày xưa đi học, rồi hoạt động Văn hóa cứu quốc cho thầy nghe”- họa sĩ An kể.

Ước nguyện còn dang dở

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ họa sĩ An lên chiến khu Việt Bắc tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa cứu quốc, rồi được chuyển vào làm họa sĩ của Báo Sự Thật (1947). Nhờ hoạt động này ông có dịp gặp các đồng chí lãnh đạo cao cấp, văn nghệ sĩ nổi tiếng, đặc biệt là gặp Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

   Tướng Giáp về thăm trường xưa và chụp ảnh lưu niệm với các thế hệ học trò
Tướng Giáp về thăm trường xưa và chụp ảnh lưu niệm với các thế hệ học trò

Vẽ tranh về tướng Giáp, họa sĩ An vẽ rất nhiều, dường như lần nào được gặp ông cũng vẽ. Chuyện không hoàn thành tác phẩm là bình thường, nhưng có những lần người họa sĩ Phan Kế An cảm thấy day dứt.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), vào một đêm ở sở chỉ huy Mường Phang, họa sĩ An được chứng kiến tướng Giáp đứng trước tấm bản đồ to treo trên vách, đang tập trung suy nghĩ cao độ về cách đánh. Vầng trán người chỉ huy tối cao của chiến dịch nhăn lại, khuôn mặt ông đầy sự căng thẳng.

“Tôi ở đó nhưng không thể nào vẽ được. Cảm xúc của người nghệ sĩ không đủ làm toát lên thần thái của vị tướng trước những khó khăn phải trải qua để đi đến quyết định lịch sử, tạm thời dừng trận đánh theo kế hoạch tác chiến ban đầu, chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc. Tôi thấy mình như mắc lỗi vì không có được tác phẩm về thầy trong giờ phút lịch sử đó” – họa sĩ An tâm sự.

Một trong những bức tranh họa sĩ Phan Kế An nung nấu để thực hiện là Tướng quân về thăm trường cũ. Vẽ cảnh tướng Giáp về thăm Trường Thăng Long được các cháu học sinh nhỏ tuổi ùa ra chào đón, cảnh quây quần như ông với các cháu. “Tôi nghĩ đây sẽ là món quà đầy ý nghĩa dành cho thầy, một vị tướng lừng danh nhưng rất dung dị và đời thường” – họa sĩ An cho biết.

Ý tưởng trên theo họa sĩ An nó mênh mông nên rất khó đặt bút. “Tướng Giáp là người nổi tiếng, hình ảnh và câu chuyện về ông đều có trong ký ức của nhiều người. Nếu thể hiện không phù hợp với sự hiểu biết và suy nghĩ của số đông thì tác phẩm khó được chấp nhận”- họa sĩ An giãi bày. Chính vì thế người họa sĩ với hơn 70 năm trong nghề vẫn đang đi tìm “tiếng nói” cho bức tranh nhưng chưa đạt được thì người thầy kính yêu của ông, người con ưu tú của dân tộc đã ra đi.

Phan Kế An (SN 1923) tại Sơn Tây, Hà Nội là con của quan Khâm sai đại thần Phan Kế Toại của Chính phủ Trần Trọng Kim (sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phan Kế Toại giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông An là một chiến sĩ cách mạng và tham gia Việt Minh cùng với các họa sĩ đàn anh tại là Mai Văn Nam, Tạ Thúc Bình, Vĩnh Noãn, Mai Văn Hiến, Lê Phá, Kim Đồng, Phan Thông, Nguyễn Tư Nghiêm, Tôn Đức Lượng, Nguyễn Văn Thiện... Ông là người đầu tiên được ký họa chân dung Hồ Chủ tịch. Họa sĩ Phan Kế An thành công ở thể loại tranh sơn mài, tranh sơn dầu mà nổi tiếng nhất là bức Nhớ một chiều Tây Bắc được vẽ vào mùa đông năm 1950, khi đó ông đi kháng chiến với tư cách là đặc phái viên của báo Sự Thật. Ông nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem