4 năm sống như cái bóng vật vờ nơi nhà chồng, và tôi đã chọn single mom!

Thứ năm, ngày 06/03/2014 07:50 AM (GMT+7)
Tôi đã trở thành single mom cách đây vỏn vẹn 5 tháng mà ngồi đây kể lại cho các bạn nghe giống như câu chuyện của 4 năm nhiều biến cố.
Bình luận 0

Câu chuyện bắt đầu từ một buổi sáng

Như mọi sáng, tôi thức dậy rất sớm sửa soạn đi tập khiêu vũ ngoài công viên. Biết là chồng và cả gia đình nhà chồng đều không có cái nhìn tích cực về môn thể thao này nên tôi luôn nói dối là đi tập thể dục buổi sáng. Thật tuyệt khi có một khoảng thời gian dành riêng cho bản thân mình, ở một nơi chẳng ai biết mình là ai và đang làm gì.

Tình cờ, hôm ấy, bỗng có người hỏi tôi: "Em có hạnh phúc không?". Câu nói tưởng chừng đơn giản mà sao cứ vọng lên trong đầu. Và rồi tất cả những gì tôi luôn lảng tránh suốt 4 năm làm dâu, làm vợ như cùng lúc ùa lại bắt tôi phải đối diện. Mọi thứ như một cuốn phim quay chậm hiện thật rõ. "Đúng vậy. Tôi có hạnh phúc không?" – Tôi tự hỏi mình như thế.

Từ bé tính tình tôi đã khá khác biệt, không hòa đồng với mọi người xung quanh. Vậy nên tôi sống rất bản năng. 24 tuổi tôi có thai, ừ thì cưới, do mình cả thôi. Nhưng tôi lại không được danh chính ngôn thuận về nhà chồng như các cô dâu khác với lý do: Hai đứa không hợp tuổi nên. Lòng tôi cười lớn vì lý do hài hước. Hết mẹ anh đến em gái anh gọi điện cho tôi để thuyết phục tôi buông bỏ.

Vậy thì con tôi làm thế nào? Tính hiếu thắng trỗi dậy, tôi càng quyết theo anh đi thuê nhà ra ở riêng chờ đến ngày sinh đẻ. Đám cưới không có cả đôi bên chúc phúc nhưng ghi ấn một tình yêu ngọt ngào.

img
"Chừng nào em hòa hợp được gia đình anh thì anh sẽ đáp ứng yêu cầu của em. Có thể không có tình yêu nhưng trách nhiệm thì vẫn phải duy trì" (ảnh minh họa)

Con trai tôi đã gần 5 tuổi, cầm trên tay giấy khai sinh mà mẹ tôi và đã phải chạy tiền để có được đầy đủ cả tên bố mẹ, lòng tôi vẫn thấy đau như xát muối. Quan điểm của bố mẹ chồng, theo tôi hiểu là: Không chấp nhận nhưng cũng không cấm. Thấy cháu, ông bà hớn hở. Thấy dâu, ông bà thờ ơ. Và kết quả là, đến năm ngoái tôi mới được dẫn đi thăm họ hàng với danh nghĩa là mẹ của cháu nội.

Thì thôi kệ - tôi nghĩ vậy. Ông bà càng thờ ơ mình thì mình càng có cớ thờ ơ lại. Hay nói đúng hơn, tôi lấy chồng ở độ tuổi quá trẻ, không chút bản lĩnh gì trong việc làm dâu. Tôi có cảm giác mọi chuyện không hay ở nhà đó đều có nguyên nhân là tôi. Và càng cay đắng hơn khi tôi nhận ra: Một lỗi lầm đối với con gái đẻ là con kiến thì đối với con dâu, nó trở thành một con voi hung dữ.

Vậy là, 4 năm tôi chọn cho mình cách sống im lặng như một cái bóng trong nhà chồng. Bảo gì làm nấy, không ý kiến, không thở than, không thái độ, ngay cả một nụ cười cũng chưa bao giờ hiện diện. Mỗi lần về nhà chồng, tôi như đeo mặt nạ vậy. Vì đơn giản, tôi luôn cảm thấy mình là người thừa trong gia đình coi trọng hình thức, luôn sợ người ngoài nhìn vào đánh giá nhận xét ra sao.

Mình có hạnh phúc không? Và như thế nào mới là hạnh phúc thực sự?– Tôi vẫn tự hỏi.

“Anh cũng bị kẹt trong nỗi bất hòa của em và gia đình anh. Chừng nào em hòa hợp được gia đình anh thì anh sẽ đáp ứng yêu cầu của em. Có thể không có tình yêu nhưng trách nhiệm thì vẫn phải duy trì. Con cần có cả bố lẫn mẹ.” – Chồng tôi khẳng định khi tôi mong muốn được anh thể hiện tình yêu với mình, để biết rằng vì tình yêu mình có thể tiếp tục chiến đấu với tất cả, để biết là mình đang hạnh phúc, bất chấp những hoài nghi cứ vây bám lấy tôi.

Vậy đấy, tôi quyết định ra đi.

Cuộc chiến giờ mới thực sự bắt đầu. Đối thủ là chính bản thân mình và cả gia đình nhà chồng.

Đối diện với nỗi cô đơn dằng xé khi con về nội. Đối diện với sự thiếu thốn nhu cầu về thể xác. Đối diện với những “thỏa thuận” về thời gian con ở nội hay ngoại. Đối diện với nỗi hoài nghi của chính mình. Liệu mình có quá ích kỉ mà không nghĩ đến con?

Phụ nữ chẳng cần gì cao sang, chỉ cần một cái ôm ấm áp của người đàn ông biết trân trọng họ, họ sẽ làm được mọi điều.

Theo rất nhiều nghiên cứu của nước ngoài, đứa trẻ sẽ hạnh phúc khi mẹ chúng cảm thấy hạnh phúc. Không ít phụ nữ đã tìm được hạnh phúc thực sự ở lần kết hôn tiếp theo.

Vấn đề chỉ là thời gian…

Tại sao không thử “vứt” chồng đi để sống?

"Vứt" chồng - Là vứt bỏ nỗi ám ảnh của "phụ thuộc" và "ràng buộc", đôi khi chỉ là 30 phút mỗi ngày của từng năm..., là để tự được tận hưởng đúng nghĩa cuộc sống của mình, để được thỏa mãn những đam mê của bản thân... để rồi sau 30 phút ấy, vun đắp, dựng xây một tổ ấm ngọt ngào với năng lượng sống mới.

"Vứt" chồng - Là sự tự chủ và chẳng "tôn thờ" người đàn ông ấy như chỗ dựa dẫm, bấu víu, mà hãy khiến mình tự trở thành một bờ vai mềm mại, nhưng vững chắc bên cạnh người bạn đời.

Và "vứt" chồng đôi khi phải là dám buông bỏ, dám chia tay để tìm tới cuộc sống đúng nghĩa; Là dám bắt đầu lại, đủ can đảm và sức mạnh để đứng lên từ nỗi đau, mất mát để tìm cho mình một hạnh phúc mới.

Hãy gửi những suy nghĩ, hãy bày tỏ quan điểm hay chỉ đơn giản là cùng kể lại câu chuyện đời mình để được sẻ chia...

...

Bài cộng tác của bạn đọc với chuyên đề “Vứt chồng đi để sống” xin được gửi về địa chỉ mail loisongsuckhoe@gmail.com. Những bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định.

Chia sẻ của chị V.P Một người phụ nữ vừa trở lại cuộc sống độc thân 5 tháng (Chia sẻ của chị V.P Một người phụ nữ vừa trở lại cuộc sống độc thân 5 tháng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem