400 năm trước ở Huế có một người tài bắt con cọp (hổ), được Hoang Thái hậu nhà Nguyễn đặt tên
400 năm trước ở Huế có một người tài, chuyên săn bắt con vật gì mà được mẹ của vua Minh Mạng đặt lại tên?
Lê Tám Bảy
Thứ sáu, ngày 26/07/2024 05:43 AM (GMT+7)
Hàng trăm năm qua, miếu Ông Cọp tọa lạc ở xóm Phủ Thờ, làng Văn Xá (phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã là nét văn hoá tín ngưỡng của dân làng nơi đây. Ngôi miếu do người dân lập nên thể hiện lòng tôn thờ, đạo nghĩa với người có công với làng trong việt đả hổ, diệt hổ.
Những ngày xuân Nhâm Dần, miếu Ông Cọp luôn ấm áp khói nhang, nhiều người dân địa phương và khách thập phương tìm đến đây thắp hương, khấn vái cầu may mắn, bình an trong cuộc sống.
Tương truyền cách đây 400 năm, phía tây xóm Phủ Thờ giáp với ngọn núi Thất Giới (thuộc địa phận thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Vì thế, khu vực này cây cối rậm rạp, dây leo chằng chịt, người dân thưa thớt. Thời gian này, có một con hổ cái thường xuyên về đây kiếm mồi, bắt trâu bò, thậm chí còn ăn cả thịt người.
Dân làng hết sức lo lắng, hoảng sợ, nhiều người phải bỏ làng khăn gói tìm nơi khác sinh sống.
Còn những người bám trụ ở làng thì ban ngày ra khỏi nhà đều phải rủ nhau đi thành tốp. Đến khi trời chập tối, người người đóng kín cửa không dám ra ngoài.
Người dân làng Văn Xá tới miếu Ông Cọp vào dịp đầu xuân Nhâm Dần để cầu mong sức khỏe, tâm trí bình an. Miếu Ông Cọp thờ ông Huỳnh Quý Công, một tiều phu có tài đả hổ, diệt hổ (con hổ dân gian còn gọi là con cọp), nay thuộc xóm Phủ Thờ giáp với ngọn núi Thất Giới (thuộc địa phận thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Một thanh niên họ Huỳnh người làng Văn Xá tinh thông võ nghệ thường vào rừng đốn củi một hôm cũng bị hổ “cuỗm” mất trâu. Anh quyết chiến, dùng dùi tre cùng những thanh sắt cắm hờ ở khu vực hổ thường xuyên xuất hiện. mục đích dùng những vật này để đánh hổ, hết vũ khí này lại dễ dàng lấy vũ khí khác.
Mờ sáng một ngày đầu năm, sau thời gian mai phục, anh gặp “đối thủ”. Nhờ sức khỏe và võ nghệ, tiều phu tránh được cú vồ hiểm hóc đầu tiên. Cuộc chiếc giữa người và hổ dữ đến trưa mới ngã ngũ. Hổ dữ chết, anh tiều phu thương tích đầy mình.
Người làng ùa ra vui mừng định khiêng hổ về làng nhưng anh thanh niên ngăn lại: “Nếu tôi chết đi, hãy chôn tôi cùng với con cọp kia”. Khát nước, anh tới ngay vũng nước bên cạnh uống. Vừa tới nơi anh cũng gục ngã trước sự ngỡ ngàng, tiếc thương của dân làng.
Sau cái chết của người hùng, mọi người chôn cất anh cùng xác con hổ theo ý nguyện, lập miếu thờ đặt trước ngôi mộ này. Tên miếu Ông Cọp cũng ra đời từ ngày đó.
Đa phần những ngôi miếu ở Huế đều có những tích khác nhau. Nhưng với miếu Ông Cọp thì từ trẻ con đến người già làng Văn Xá chỉ biết một giai thoại duy nhất này.
Được Hoàng Thái hậu đặt lại tên
Miếu Ông Cọp tọa lạc ngay trên đường chính của làng Văn Xá, cách QL1A chưa đầy 500 mét. Khuôn viên miếu rộng hơn 400m2, là mảnh đất khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát.
Theo ông Trần Hưng Vinh (78 tuổi, người sống lâu năm cạnh miếu), vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832), một lần bà Trần Thị Đang (1767-1846, người làng Văn Xá, là mẹ của Vua Minh Mạng - PV) về thăm quê hương, biết được sự tích người thanh niên dũng cảm diệt hổ.
Bà hỏi tung tích người hùng diệt hổ thì chỉ biết người này họ Huỳnh, còn tên thì không một ai biết; vì hỏa hoạn đã làm cháy gia phả trước đó.
Khâm phục tài trí của người diệt hổ nên Hoàng Thái hậu đã phong cho ông một cái tên đầy đủ là Huỳnh Quý Công (hiểu nôm na là người họ Huỳnh có công giúp làng - PV), đồng thời cho người sửa lại miếu thờ.
Trong chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nơi đây là căn cứ địa cách mạng, xảy ra nhiều cuộc chiến khốc liệt nhưng miếu này như biết “né bom”, không hề hấn gì. Cơn “đại hồng thủy” xứ Huế 1999, nước ngập lụt cả ngôi miếu nhưng bài vị của “thần” vẫn nằm yên trong miếu, không hề thay đổi.
Trước đây ngôi miếu do làng Văn Xá chăm lo hương khói, đến sau năm 2000 giao lại Chi Hội người cao tuổi Phe Nhì (phường Hương Văn). Cách đây 6 năm thì họ Huỳnh đã nhận lại và lo hương khói cho cổ miếu đến muôn đời sau.
Do không biết chính xác ngày mất của ông Huỳnh Quý Công là ngày nào nên những năm trước giải phóng; ngày kỵ ông là ngày 12 tháng 2 âm lịch; sau đó là ngày 16 tháng 6 âm lịch. Sáu năm trở lại đây, họ Huỳnh lấy ngày Đông chí hằng năm làm ngày kỵ.
Một phong tục thú vị khác, hiện trong làng ai bị mất trâu bò đều đến đây cầu nguyện nhằm tìm ra trâu bò bị thất lạc.
Ông Huỳnh Uý (63 tuổi, trưởng họ Huỳnh làng Văn Xá) chia sẻ, trước đây người làng này rất giỏi võ, trong đó có ngài đang được thờ tại miếu Ông Cọp, nên tên làng là Võ Xá. Mãi đến năm Gia Long thứ mười, năm 1812, mới đổi tên thành làng Văn Xá.
Ông Uý cho biết: “Gần đây, có nhiều ý kiến của con em trong làng cho rằng khuôn viên đất thờ miếu này rộng, lại là đất mặt tiền nên muốn dời lăng và miếu đi nơi khác để có đất xây dựng.
Nhưng tôi và các tộc trưởng trong làng đều không đồng ý vì đây là di tích của làng”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.