5 năm con tàu 67 (bài 4): Ngân hàng điêu đứng vì nợ xấu của ngư dân

An Sơn Thứ năm, ngày 12/09/2019 06:26 AM (GMT+7)
Không chỉ ngư dân mắc kẹt với những con tàu 67 làm ăn không hiệu quả, nợ xấu tăng cao, mà các ngân hàng thương mại giờ cũng lâm thế kẹt "đi mắc núi trở lại mắc sông", vì nợ xấu của ngư dân đã lên tới cả hàng trăm tỷ đồng, mà chưa biết khi nào thu hồi được nợ. Nhiều ngân hàng mới chỉ dừng lại ở mức "dọa" kiện ngư dân ra tòa, vì vấn đề này khá nhạy cảm trước dư luận...
Bình luận 0

Tàu hiện đại nhưng đánh bắt thua lỗ

Hai tháng nay, con tàu vỏ sắt 822CV đóng theo Nghị định 67 của ngư dân Trần Văn Chiến (52 tuổi, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) nằm bờ sau những chuyến ra khơi thua lỗ. Dẫn chúng tôi ra âu thuyền, nơi con tàu vỏ sắt đang neo đậu, ông Chiến nói trong tiếng thở dài: “Ra khơi thua lỗ liên tục nên suốt một năm qua tôi không có tiền trả nợ, số nợ quá hạn đã hơn 700 triệu đồng”.

Cách đây 3 năm, ông Chiến bán bán con tàu vỏ gỗ 320CV hành nghề lưới vây rồi vay ngân hàng 17 tỷ đồng để đóng tàu vỏ sắt 822CV. Ngày được bàn giao con tàu vỏ sắt, thấy con tàu được thiết kế đẹp, rộng rãi, chắc chắn, ông vui mừng đến quên cả ăn ngủ. Lúc đó, ông tin những chuyến ra khơi bằng con tàu sắt hiện đại này sẽ đưa lại hiệu quả cao và ông sẽ nhanh chóng trả hết nợ ngân hàng.

img

Ngư dân Trần Văn Chiến (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) có tàu vỏ sắt nằm bờ 2 tháng nay do ra khơi thua lỗ. Ảnh: An Sơn.

“Nhưng rồi mọi chuyện không như tui nghĩ. Ai ngờ tàu hiện đại như ri mà đánh bắt lại bị lỗ toe luôn”- giọng nói buồn bã của ông Chiến lẫn vào tiếng sóng.

Thời gian đầu ra khơi, tàu của ông Chiến đánh bắt khá hiệu quả, nhờ vậy ông trả được gần 450 triệu đồng cho ngân hàng. Tuy nhiên, các chuyến biển sau đó thì thua lỗ triền miên.

“Mỗi chuyến đi biển chỉ thu được 70-80 triệu đồng nên không đủ tiền dầu và các chi phí khác. Trước khi tàu nằm bờ 2 tháng nay, tui ra khơi 3 chuyến đều bị lỗ nặng”- ông kể.

Đánh bắt thua lỗ liên tục, lao động trên tàu không có thu nhập nên lần lượt bỏ việc. Hai tháng nay, ông không thuê được lao động đi biển nên tàu phải nằm bờ. Tàu không “đẻ” ra tiền nhưng tiền nợ ngân hàng thì cứ “đẻ” đều hàng tháng. “Chừ mỗi năm cả gốc và lãi tui phải trả 1,2 tỷ đồng. Làm ăn khó khăn quá nên mong nhà nước có cơ chế cho tui trả tiền lãi, còn tiền gốc thì để tính sau. Còn nếu không được hỗ trợ, ngân hàng thu hồi tàu thì cũng đánh chịu”- ông Chiến tâm sự. 

Trường hợp của ngư dân La Văn Thoạn (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) còn bi đát hơn cảnh ngộ của ông Chiến. Năm 2017, ông Thoạn vay hơn 7,8 tỷ đồng đóng tàu công suất 700 CV. Sau thời gian dài ra khơi thua lỗ, hơn 1 năm trở lại đây, tàu của ông Thoạn nằm bờ.

"Càng đi nhiều thì càng lỗ nhiều"- ông Thoạn than thở, mắt nhìn thẫn thờ về phía con tàu đang neo đậu. Theo tính toán của ông Thoạn, từ khi sử dụng con tàu 700CV này, chi phí lao động, nhiên liệu, ngư lưới cụ, bảo trì tăng gấp nhiều lần so với con tàu trước đây. Trong khi đó, mặc dù thu nhập mỗi chuyến biển có tăng lên nhưng không đủ bù chi phí nên các chuyến biển đều thua lỗ nặng nề.

Càng ra khơi càng lỗ và lao động trên tàu đua nhau bỏ việc nên một năm trở lại đây tàu của ông Thoạn “mắc cạn” ở âu thuyền. “Chừ đúng là tiến thoái lưỡng nan. Số nợ quá hạn của tui đã hơn 1,4 tỷ đồng, không biết phải xoay xở ra sao”- ông Thoạn buồn nói.

Ngân hàng 'nghi" ngư dân xúi giục nhau không trả nợ          

Theo Ngân hàng NNPTNT Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Thừa Thiên- Huế, đến thời điểm 20/7/2019, Chi nhánh đã cấp tín dụng cho 18 khách hàng là ngư dân vay vốn theo Nghị định 67. Trong đó 17 ngư dân đóng mới tàu vỏ gỗ và 1 ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, tổng số tiền cho vay là 151.165 triệu đồng. Tổng số tiền đã thu nợ 4.280 triệu đồng, dư nợ đến thời điểm 20/7/2019 là 146.885 triệu đồng, tổng số tiền cơ cấu nợ 17.302 triệu đồng.

Phía ngân hàng này cho rằng, nhiều chủ tàu vay vốn Nghị định 67 làm ăn rất hiệu quả tuy nhiên tư tưởng, ý thức trách nhiệm trả nợ và thực hiện các cam kết tín dụng của chủ tàu chưa có. Một số tàu có hiện tượng xúi giục nhau không chấp hành cam kết trả nợ, ỷ lại chính sách, chây ỳ không chịu hợp tác với ngân hàng trong việc thực hiện trả nợ.

Các chi hội nghề cá, nghiệp đoàn nghề cá chưa phát huy được vai trò trách nhiệm tuyên truyền phổ biến để ngư dân nhận thức đầy đủ và chấp hành tốt các qui định của Chính phủ trong việc trả nợ và quản lý tài sản đảm bảo tiền vay. Ngân hàng và các cơ quan ban ngành chưa thể nắm bắt giá trị, sản lượng, dòng tiền doanh thu khai thác hải sản thực tế dẫn đến các chủ tàu cố tình và thiếu trung thưc đã khai gian sản lượng, giá bán, doanh thu nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.

img

Tàu vỏ sắt của ngư dân Trần Văn Chiến (Thừa Thiên- Huế) nằm bờ 2 tháng nay. Ảnh: An Sơn.

Bên cạnh đó, việc quản lý dòng tiền của khách hàng diện này rất khó do đánh bắt ngoài khơi xa, chủ tàu bán tại các chủ vựa khác tỉnh, kê khai không đúng sản lượng. Khâu vận chuyển mua bán hải sản ngân hàng chưa quản lý được, ý thức trả nợ sau khi vay vẫn chưa cao.

Chi nhánh Agribank Thừa Thiên- Huế cho hay, trên thực tế các khách hàng là ngư dân đang vay vốn thương mại tại chi nhánh là các chủ tàu đóng mới đã có thế chấp tài sản và không được hưởng chính sách Nghị định 67 thì hoạt động có hiệu quả và có ý thức trách nhiệm trả nợ, bảo quản tài sản tốt.

“Trong thời gian tới, Agribank Thừa Thiên- Huế và các chi nhánh Agribank các huyện sẽ triển khai nhiều biện pháp khi các chủ tàu vi phạm các cam kết tín dụng. Trong đó có biện pháp thu hồi tàu để chuyển đổi theo Nghị định 17 nếu chủ tàu không hoạt động, tàu nằm bờ; khởi kiện các trường hợp chủ tàu cố tình trốn tránh nghĩa vụ trả nợ”- một lãnh đạo Agribank Thừa Thiên- Huế cho biết.

img

Những con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 ở Quảng Trị đang lâm vào tình trạng nợ xấu vì nhiều yếu tố. Ảnh: Đất Lửa

Đề xuất thu hồi những tàu chây ì nợ      

Ông Ngô Văn Đủ- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cho biết, địa phương này có 23 tàu cá được đóng theo Nghị định 67, đa số ngư dân đóng tàu vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Trong số 23 tàu cá nói trên, 20 tàu làm ăn hiệu quả, 3 tàu còn lại chưa hiệu quả, trong đó có tàu cá của ông La Văn Thoạn nằm bờ đã 1 năm nay.

Ông Đủ cho hay, mặc dù đa phần các tàu đều làm ăn hiệu quả nhưng có một thực trạng chung là các chủ tàu chây ì trả nợ cho ngân hàng. Vừa qua, làm việc với các cơ quan liên quan, chính quyền thị trấn đề xuất cần thu hồi những tàu của ông Thoạn và những tàu làm ăn hiệu quả nhưng chây ì trả nợ.

Theo ông Trương Văn Giang- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế, toàn tỉnh có 40 chủ tàu được vay vốn đóng mới tàu cá theo chính sách Nghị định 67. Tổng số tiền các ngân hàng thương mại cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 toàn tỉnh là 303.203 triệu đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, toàn tỉnh hiện tại dư nợ vốn cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 là 255.883 triệu đồng.

Cũng theo tin từ ông Giang, hiện chưa có trường hợp chủ tàu cá xa bờ nào của tỉnh Thừa Thiên- Huế bị khởi kiện vì các khoản vay hỗ trợ tín dụng ưu đãi đóng tàu theo Nghị định 67. Để thúc đẩy giúp thêm ngành ngân hàng, UBND huyện Phú Vang đã có Quyết định số 1374/QĐ-UBND ngày 17/5/2019 về việc thành lập Tổ hỗ trợ thu hồi nợ vay. Thành phần do một Phó Chủ tịch huyện làm Tổ trưởng và đại diện các ngân hàng thương mại liên quan, công an, Chi cục Thủy sản và lãnh đạo các xã, thị trấn có chủ tàu.

Gia hạn thời gian... kiện ngư dân

Ông Dương Văn Hà, Phó Giám đốc ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát tiển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đã có thông báo gửi đến Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP tỉnh Quảng Trị về việc sẽ khởi kiện các ngư dân vay vốn theo nghị định này vì nợ xấu.

img

Ngân hàng BIDV Quảng Trị gửi thông báo đến cơ quan chức năng về việc dự kiến sẽ khởi kiện các chủ tàu nợ xấu vay đóng mới tàu 67. Ảnh: Đất Lửa

Theo đó, ngân hàng này đã cho vay 178 tỷ đồng thì nợ xấu lên đến 144 tỷ đồng. Trong 11 chủ tàu được vay vốn đóng mới tàu 67 thì có đến 10 chủ tàu trong tình trạng nợ xấu.

Theo ông Hà, ngân hàng này đã nhiều lần làm việc với các chủ tàu nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như bàn các giải pháp để thu hồi nợ. Phía các chủ tàu cho rằng, do thời tiết không thuận lợi, sản lượng đánh bắt giảm, thu không bù chi; không có ngư trường đánh bắt rộng rãi như trước đây do bị phía tàu lạ đánh đuổi; tàu không ra khỏi bến neo đậu được do bị mắc cạn ở cảng Cửa Tùng.

Theo BIDV Quảng Trị, tình trạng chủ tàu 67 nợ xấu đã kéo dài gần 2 năm qua, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của đơn vị. Vì vậy, BIDV Quảng Trị dự kiến sẽ khởi kiện các chủ tàu nợ xấu để xử lý nợ.

Ông Hà cho biết, BIDV Quảng Trị đã lên danh sách để chuẩn bị khởi kiện 3 ngư dân. Tuy nhiên, sau khi làm việc lại với chính quyền địa phương và ngư dân, phía ngân hàng đã quyết định gia hạn thời gian khởi kiện.

Theo đó, ngân hàng yêu cầu ngư dân cam kết trong thời hạn 3 tháng phải trả nợ xấu, nếu không sẽ tiến hành khởi kiện ra toà theo luật định.

“Ngư dân đã được vay vốn ưu đãi, bên cạnh quyền lợi thì phải thực hiện trách nhiệm trả nợ của mình. Việc khởi kiện là giải pháp bất đắc dĩ ngân hàng phải thực hiện để đảm bảo xử lý nợ theo quy định pháp luật” – ông Hà nói.

Ngọc Vũ

Đón đọc bài 5 trên Báo điện tử Dân Việt lúc 6 giờ 30 ngày 13/9/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem