5 năm con "tàu 67" (bài 1): Những ngư dân tỷ phú thành... con nợ

Đình Thiên Thứ hai, ngày 09/09/2019 06:30 AM (GMT+7)
LTS: Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 67 về Thủy sản, theo đó có nhiều chính sách đột phá nhằm phát triển nghề đánh bắt thủy sản nước ta, đặc biệt thông qua việc đóng mới các tàu sắt vỏ thép công suất lớn phục vụ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, đến nay đã có 1.032 con tàu được đóng mới và ra khơi. Dù vậy, trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã thừa nhận, đang có hàng loạt bất cập trong việc triển khai thực hiện chính sách này. Quá trình ghi nhận của PV Dân Việt cũng cho thấy, việc thực thi chính sách này đang tồn tại rất nhiều điều khó khăn cho bà con ngư dân khi vươn khơi, bám biển... Từ hôm nay, Báo điện tử Dân Việt khởi đăng loạt bài dài kỳ, có tựa đề "5 năm con tàu 67".
Bình luận 0

Ghi nhận của PV Dân Việt tại Đà Nẵng cho thấy: Trong 9 con tàu ở Đà Nẵng được vay vốn đóng mới theo Nghị định 67, có tới 7 chủ tàu không trả được nợ. Trong số này, nhiều gói vay đã chuyển thành nợ xấu, nhiều chủ tàu đã rao bán tàu, thậm chí một số chủ tàu sắp bị các ngân hàng kiện ra tòa.

Khi ngư dân tiêu biểu cũng biến thành... con nợ

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, sau khi Nghị định 67 của Chính phủ có hiệu lực, từ năm 2015 đến năm 2017, các ngân hàng hàng thương mại trên địa bàn đã xét duyệt 9 hồ sơ và chấp thuận cho vay số vốn hơn 120 tỷ đồng để các ngư dân đóng mới và nâng cấp tàu thuyền.

Trong đó, năm 2016, 4 hồ sơ đầu tiên được các ngân hàng xét duyệt gồm hồ sơ của các ông Lê Văn Nhắn, Trần Văn Mười, Lê Văn Sang và Nguyễn Sương.

Đại diện các Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng Vietcombank đều cho biết, hồ sơ của các ngư dân trên rất tốt. Những ngư dân này có kinh nghiệm, gia đình có truyền thống theo nghề biển và trong nhiều năm trước  đều kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, họ còn được các cấp ngành đánh giá rất cao nên việc chấp thuận cho vay vốn là điều không quá khó.

Tuy nhiên, cả 4 trường hợp đầu tiên của Đà Nẵng được chấp thuận cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 đều làm ăn không hiệu quả.

img

Với Nghị định 67, ngư dân hy vọng sẽ có được những con tàu hiện đại vươn khơi xa nhưng thực tế đang có rất nhiều vướng mắc. Ảnh: Đình Thiên

Bà Đỗ Thị Tường Linh - Phó phòng Tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho hay, khách hàng Nguyễn Sương vay đóng mới 2 tàu dịch vụ hậu cần và khai thác hải sản xa bờ, dư nợ hơn 24 tỷ đồng đã chuyển thành nợ xấu hơn 24 tỷ đồng phát sinh từ tháng 9/2018. Trường hợp này, khách hàng muốn hợp tác với ngân hàng trong việc bán tàu để trả nợ vay, tuy nhiên sự việc gặp khó khăn vì không có người mua tàu.

Còn khách hàng Lê Văn Nhắn được vay hơn là 6,6 tỷ đồng, dư nợ đến ngày 30/06/2019 gần 5,8 tỷ đồng. Mặc dù Agribank Đà Nẵng đã chấp thuận cơ cấu lại nợ để chia nhỏ phần trả nợ giúp ông Nhắn khắc phục khó khăn nhưng từ ngày 16/06 đến nay ông Nhắn không trả nợ ngân hàng và có khả năng chuyển thành nợ xấu trong các tháng tiếp theo.

Đặc biệt,  2 trường hợp của ông Lê Văn Sang và ông Trần Văn Mười là những ngư dân tiêu biểu nhưng cũng thất bại với tàu 67.

Về trường hợp của ông Trần Văn Mười, bà Linh thông tin, đầu năm 2017, ông Mười được Ngân hàng BIDV Đà Nẵng cho vay số vốn hơn 17,2 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép. Đến tháng 10/2017, khoản vay của khách hàng này đã chuyển thành nợ xấu gần 15,9 tỷ đồng. Hiện, tàu ĐNa 90777  đã không hoạt động hơn 3 tháng.

Còn khách hàng Lê Văn Sang, bà Linh cho biết, ông Sang được cấp tín dụng đóng mới tàu cá vỏ thép với số vốn hơn 19,3 tỷ đồng. Khách hàng này thực hiện trả nợ đủ được 2 kỳ đầu tiên, tuy nhiên từ kỳ trả nợ thứ 3 vào ngày 25/9/2017 đến nay, ông Sang chưa thực hiện thanh toán nợ và lãi vay đến hạn.

Tàu cá của khách hàng liên tục nằm bờ từ tháng 9/2017 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, không có nguồn thu trả nợ, toàn bộ khoản vay của khách hàng đã chuyển sang nợ xấu. Hiện, BIDV chi nhánh Hải Vân đề xuất thực hiện khởi kiện khách hàng này để thực hiện thu hồi nợ.

Ngư trường bị thu hẹp, chi phí tăng cao

Việc ngư dân Đà Nẵng thất bại trong vươn khơi với tàu 67 có một số nguyên nhân chính: thị trường hải sản lên xuống thất thường, ngư trường bị thu hẹp, tàu đóng theo Nghị định 67 chưa phù hợp với các ngành nghề truyền thống,...

Nói về nỗi buồn với tàu 67 của mình, ngư dân Lê Văn Nhắn cho biết, những năm gần đây biển mất mùa, ngư trường khai thác khó khăn, khiến doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

“Biển mất mùa trong mấy năm lại đây, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình khai thác hải sản gặp nhiều khó khăn nên số chuyến khai thác ít. Thêm nữa, ngư trường khai thác bị thu hẹp dần bởi sự xua đuổi của tàu Trung Quốc, mùa vụ khai thác bấp bênh và hải sản ngày càng cạn kiệt nên doanh thu không đủ bù đắp chi phí bỏ ra. Điều này dẫn đến thu nhập của lao động ngày càng thấp, khiến cho việc tìm kiếm và tuyển dụng lao động rất khó khăn. Nếu muốn tuyển lao động chủ tàu phải ứng trước cho họ từ 10-20 triệu đồng. Tuy nhiên, một số trường hợp sau khi nhận được tiền ứng trước đã không thực hiện thỏa thuận, làm chủ tàu bị mất trắng khoản tiền này”, ông Nhắn nói.

img

Ngư dân Nguyễn Sương (Đà Nẵng) muốn bán 2 tàu đóng theo Nghị định 67 để trả nợ cho ngân hàng nhưng chưa có người mua. Ảnh: Đình Thiên

Còn ngư dân Nguyễn Sương cho hay, nguyên nhân ngư dân này không trả được nợ vay là do đặc thù ngành khai thác hải sản phụ thuộc nhiều vào yếu tố khách quan như thời tiết, hải lưu, ngư trường,… Mặt khác, hiện nay trên vùng biển Hoàng Sa thường xuất hiện tàu nước ngoài xua đuổi không cho đánh bắt, thậm chí còn đâm vào tàu của ngư dân, khiến tình cảnh khốn càng thêm khó.

Ngân hàng cũng rất khó khăn

"Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng đã có văn bản đề nghị Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho khách hàng vay vốn theo Nghị định 67 để tạo điều kiện cho ngư dân đi vào khai thác, tạo nguồn thu trả nợ cho ngân hàng. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết việc phân loại nợ đối với trường hợp điều chỉnh thời hạn vay từ 11 năm lên 16 năm đối với vay vốn đóng mới tàu cá vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới".

(Ông Võ Minh)

Trao đổi với PV Dân Việt về thực trạng nêu trên, ông Võ Minh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, địa phương đã xét duyệt cho 9 chủ tàu vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ. Trong đó, 7 tàu đóng mới, 2 tàu nâng cấp. Tổng số tiền cho vay hơn 120 tỷ đồng và hiện dư nợ lên tới hơn 107 tỷ đồng.

Thực trạng liên quan đến việc ngư dân Đà Nẵng vay vốn đóng tàu 67 đang khiến chúng tôi rất đau đầu. Trong 9 chủ tàu được các ngân hàng thương mại cho vay vốn đóng tàu thì chỉ có 2 chủ tàu trả nợ đúng hạn, còn lại 7 chủ tàu không trả nợ cho ngân hàng...”, ông Minh tâm tư.

Trước thực trạng trên, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết đã có nhiều văn bản đề nghị với Trung ương và địa phương cùng tháo gỡ giúp ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

img

Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng đã có nhiều kiến nghị với Trung ương và địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân. Ảnh: Đình Thiên

.Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP.Đà Nẵng tổ chức buổi làm việc giữa các bên liên quan để xử lý những khó khăn, vướng mắc cụ thể của ngư dân. Đồng thời, trao đổi thông tin về tình hình hoạt động, khai thác thủy sản của các tàu cá nhằm đánh giá đúng tình hình sản xuất kinh doanh của ngư dân và hỗ trợ ngân hàng trong quá trình thu hồi nợ vay...

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường:

Cuối năm nay sẽ tổng kết để ban hành chủ trương mới

img

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/8 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng mặt tích cực đã góp phần tăng 20% lượng tàu đánh bắt xa bờ, giảm 13% lượng tàu khai thác gần bờ. Các chính sách hỗ trợ bảo hiểm ngư dân đánh bắt khơi xa thực hiện được nên giúp ngư dân phấn khởi…

Tuy nhiên, thừa nhận những bất cập, tồn tại, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhiệm vụ đầu tư phát triển hạ tầng nghề cá giai đoạn qua chưa thực hiện được. Chẳng hạn, mới đầu tư được 83/125 cảng cá (đạt 66%), đầu tư 83/146 khu neo đậu, bằng 57% theo quy hoạch của Thủ tướng.

Cạnh đó, tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 (2011-2015) và giai đoạn 2 (2016-2020) chỉ được 7.249 tỉ đồng trên nhu cầu phê duyệt là 28.000 tỉ đồng dẫn tới các thiết chế hạ tầng cơ bản của nghề cá biển đến giờ này còn nhiều bất cập.

Ông Cường cũng chỉ ra những bất cập về mặt tín dụng theo Nghị định 67. Chẳng hạn, thực tiễn có những chủ tàu được nhận hỗ trợ đầu tư nhưng lý do khách quan họ không đi biển được nữa thì bế tắc không biết chuyển giao cho ai. 

“Nếu không giải quyết được dẫn đến nợ xấu sau này, lãng phí phương tiện đầu tư” - ông Cường nhận định.

Mặt khác, tín dụng đầu tư hỗ trợ 3%-6% tùy từng cấp độ tàu rải ra suốt một đời dự án 11 năm, dẫn đến nhiều ngư dân và chính quyền địa phương có ý kiến vì sao Chính phủ không có chính sách hỗ trợ một lần?...

Trước tình hình này, ông Cường cho biết tháng 2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 thay thế những nội dung bất hợp lý của Nghị định 67. Hiện Bộ NNPTNT đang cùng địa phương rà soát, cuối năm nay sẽ tổng kết thi hành Nghị định 67 phục vụ cho định hướng chủ trương mới.

Đón đọc bài 2 trên Báo điện tử Dân Việt lúc 6 giờ 30 ngày 10/9/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem