Tại trạm y tế xã Hộ Độ, bác sĩ Phan Đình Dũng cho biết, xã Hộ Độ (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có hơn 8000 người dân thì hiện 7.900 người đã có hồ sơ sức khỏe điện tử (HSSKĐT). Trong mỗi hồ sơ, người dân được lưu đầy đủ tên, tuổi, địa chỉ, số người trong gia đình, chiều cao, cân nặng, chỉ số huyết áp, các bệnh mãn tính đang có.
Hiện trạm y tế đang phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh khác để thực hiện khám sức khỏe cho người dân như xét nghiệm máu, chụp X.quang, Siêu âm để phát hiện thêm các bệnh khác, bổ sung đầy đủ hơn các số liệu sức khỏe vào HSSKĐT.
Nhập dự liệu vào HSSK điện tử cho bệnh nhân tại Trạm y tế xã Hộ Độ. Ảnh D.L
"HSSKĐT đặc biệt có lợi đối với người dân, mỗi lần đi khám họ không cần phải chi thêm 5.000 đồng để mua sổ khám sức khỏe, nhờ HSSKĐT các bác sĩ có thể nắm rõ được tiền sử bệnh tật của người bệnh, lần đi khám bệnh gần nhất, các loại thuốc đã được chỉ định, bệnh tật phát sinh mới... những thông tin mà chính bệnh nhân có khi cũng không nhớ rõ. Nhờ đó giúp ích hơn trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh" - bác sĩ Dũng nói.
Ông Lê Ngọc Châu - Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh là một trong những địa phương đi đầu và khá mạnh dạn trong việc triển khai việc quản lý sức khoẻ điện tử. Đến thời điểm hiện tại theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh, đã có hơn 85% người dân tại địa phương này được quản lý sức khoẻ điện tử (khoảng 1 triệu người). Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hơn 90% người dân của tỉnh có mã số sức khoẻ, liên thông dữ liệu giữa tất cả cơ sở y tế từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh.
“Tỉnh Hà Tĩnh đang cố gắng để sắp tới khai trương Cổng thông tin sức khoẻ cộng đồng. Theo đó, mỗi người dân chỉ cần một mã số do cơ quan y tế cấp, có thể kiểm tra, truy cập bất kỳ lúc nào, nơi đâu cũng nắm rõ được tình hình sức khoẻ bản thân” - ông Châu cho biết thêm.
Ông Châu nhấn mạnh, điều quan trọng là HSSKĐT phải "sống", nghĩa là các thông tin sức khỏe của người dân phải liên tục được cập nhật, cung cấp các thông tin quan trọng cho bác sĩ khám và điều trị. "Sức khỏe của một người liên tục thay đổi. Do đó, nếu chỉ lấy xong thông tin sức khỏe của người dân rồi "để đó" thì HSSK đó chẳng khác nào đã "chết", việc lập HSKĐT là vô ích" - ông Châu chia sẻ.
Dữ liệu trong HSSKĐT giúp các bác sĩ nhanh chóng nắm được tiền sử bệnh của bệnh nhân
Do đó, theo ông Châu, ngành y tế Hà Tĩnh đã liên kết dữ liệu của HSSKĐT với nhiều phần mềm khác như phầm mềm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phần mềm quản lý bệnh mãn tính... Khi người dân đi khám bệnh thì các dữ liệu bệnh tật được tự động cập nhật vào HSSKĐT của mỗi người, đảm bảo hồ sơ đó luôn "sống". Nhờ dữ liệu của HSSKĐT, ngành y tế cũng có thể phân tích các số liệu sức khỏe của người dân để kịp thời đưa ra các chỉ đạo, quyết sách để đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn, ngăn chặn dịch bệnh...
Theo ông Châu, để làm được điều này cần sự ủng hộ của người dân, sự vào cuộc tích cực của cán bộ y tế, chính quyền địa phương. Hiện tại, Hà Tĩnh đã đưa tiêu chí "85% người dân được lập HSSKĐT" vào làm một trong những chỉ tiêu đạt nông thôn mới. Điều này cho thấy quyết tâm toàn tỉnh Hà Tĩnh trong việc lập HSSKĐT cho người dân.
Một trong những khó khăn hiện nay là hoàn thiện các chỉ số trong HSSKĐT. Để tổ chức khám bệnh cho người dân như xét nghiệm máu, X quang, siêu âm, điện tim, mỗi người dân cần chi phí hơn 1 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế Hà Tĩnh) cho biết, ngành y tế và chính quyền địa phương đã có nhiều sáng tạo để tạo kinh phí tổ chức khám chữa bệnh cho bà con. Hiện, ngành y tế đã giao nhiệm vụ khám sức khỏe cho người dân tới từng cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên, mỗi cơ sở phụ trách một "vùng".
Ngoài ra, chính quyền cũng huy động sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn, vận động con em Hà Tĩnh đi lập nghiệp ở tỉnh ngoài về tham gia đóng góp kinh phí, giúp địa phương xây dựng HSĐT cho bà con.
"Hiện đã có 85% người dân Hà Tĩnh có HSSKĐT. Có thể khẳng định, Hà Tĩnh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về lập HSSKĐT cho người dân" - ông Châu tự hào.
Trước đó, tháng 6.2018, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khởi động xây dựng phần mềm HSSKĐT.
PGS. TS Trần Qúy Tường Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, HSSKĐT giúp mỗi người dân biết và tự quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình. Từ đó, chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của mình. Khi đi khám bệnh, thông qua HSSKĐT, người bệnh cung cấp cho thầy thuốc hồ sơ sức khỏe, tiền sử bệnh tật và quá trình khám chữa bệnh một cách nhanh chóng, chính xác, đầy đủ tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị của thầy thuốc.
Đối với người thầy thuốc, HSSKĐT cung cấp cho người thầy thuốc đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ đó kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc có nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh kịp thời, chính xác hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao hơn, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh của mỗi người dân.
Hơn nữa, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. HSSKĐT giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ cho người dân liên tục, toàn diện theo nguyên lý của y học gia đình tốt hơn.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.